MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngược đời startup Việt “sống dậy” nhờ Covid-19: Từng đốt dần 20 tỷ khởi nghiệp, đến đơn hàng “bước ngoặt” 50.000 USD đầu tiên

13-03-2024 - 14:36 PM | Doanh nghiệp

Nhiều người bán hàng nói rằng họ đã bỏ lỡ giai đoạn phát triển nhanh chóng của TMĐT từ năm 2010 đến năm 2019, càng không thể bỏ lỡ giai đoạn tăng trưởng liên tục của TMĐT trong vài năm tới.

Tham gia chia sẻ tại hội thảo với Alibaba.com mới đây, ông Ngô Trọng Nghĩa – nhà sáng lập, Neo Development JSC – đã có những chia sẻ rất chân thực về hành trình khởi nghiệp của mình.

Bắt đầu kinh doanh xuất khẩu từ năm 2013, ông Nghĩa nghe theo lời kể của bạn Việt kiều rằng nghề nail (làm móng) bên Mỹ đang rất thịnh, từ đó mở công ty sản xuất dụng cụ nail để bán qua Mỹ.

“Ngày đó mơ mộng lắm , bỏ tiền ra để thiết kế logo , lên slogan “Khi bạn cần thì có tôi”… Đúng là kinh doanh, chết do mơ mộng” , ông Nghĩa nhớ lại. Những ngày đầu, khó khăn chưa từng nghĩ tới liên tục xảy ra. Bán hàng đi nước ngoài, không kiểm soát được nên có khi mất tiền, mất cả hàng. Ông Nghĩa cho biết, cũng có nhờ bạn bè bên bển đi đòi nợ giùm, nhưng không ăn thua.

Lúc bấy giờ, bản thân ông đặt câu hỏi rất là nhiều câu hỏi: Người ta có biết mình đâu? Chỉ giao tiếp qua điện thoại mà không thấy được mặt nhau vậy làm sao họ tin mình? Rồi làm sao họ thanh toán cho mình? Không có cơ sở nào tin tưởng lẫn nhau…

Rồi về marketing, ông cho biết cũng “nhảy” vào cộng đồng người Việt bên Mỹ để giới thiệu về doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm. Với cách làm này công ty vẫn sống được, nhưng bấp bênh, đơn hàng lúc lên lúc xuống.

Thậm chí, kỷ niệm đáng nhớ của Neo Development JSC là một đơn hàng xuất container đi Mỹ, đáng lẽ sau 2 tháng đến tay khách hàng thì nhận tin báo hàng quay về Việt Nam. Cứ như vậy, bỏ ra 20 tỷ khởi nghiệp, ông Nghĩa tiêu tốn hết dần.

“Mãi đến năm 2020 khi Covid -19 bùng phát . Tôi nghĩ nếu không có Covid-19 chắc doanh nghiệp tôi đi luôn rồi. Neo Development JSC rất nghịch đời là nhờ đại dịch mà sống dậy, vì lúc đó mới biết đến công nghệ, biết đến bán hàng TMĐT. 2020 cũng là năm đầu tiên công ty tham gia bán hàng qua nền tảng Alibaba.com”, ông cho biết.

Lên nền tảng TMĐT, ông Nghĩa cho biết giải quyết được tất cả những khúc mắc mà một công ty xuất khẩu gặp phải. Qua nền tảng, hình ảnh doanh nghiệp được xây dựng một cách chuyên nghiệp hơn, quy hình bán hàng cũng định hình và đặc biệt về khâu thanh toán, đảm bảo được an toàn cho cả người mua lẫn người bán.

Dù vậy, để có được thành tích như hôm nay, Neo Development JSC cũng nỗ lực rất nhiều. Thực tế, 6 tháng đầu bán hàng trên Alibaba.com công ty vẫn không thu về đồng lời nào, nhưng cái có được là quy trình, hệ thống hoá lại mô hình kinh doanh.

Đến nay, sau 4 năm hoạt động trên sàn Alibaba.com, Neo Development JSC đã trở thành một doanh nghiệp tiêu biểu của Alibaba.com tại Việt Nam và được nhiều khách hàng tin tưởng. Đặc biệt là đơn hàng tiên với giá trị hơn 50.000 USD chỉ sau 6 tháng vận hành, Công ty đã tham gia chương trình dùng thử Smart Assistant, từ đó giải phóng 40% thời gian và nguồn lực.

“Nếu làm thủ công, nhân viên bán hàng trả lời cho 10 khách thôi là đã quá tải lắm rồi. Chưa kể khách hàng hỏi khó, lại bất đồng về ngôn ngữ. Khi có công nghệ, công ty có thể trả lời được 100 khách hàng với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Thậm chí nhờ phân tích được hành vi, nhu cầu khách hàng nên việc tư vấn cũng hiệu quả hơn”, ông nói.

Về tình hình kinh doanh hiện tại, Neo Development JSC cho biết lần đầu tiên sau 11 năm kinh doanh, cuối năm qua Công ty đã có sẵn đơn hàng cho năm tiếp theo là năm 2024.

Báo cáo từ eMarketer (2019-2020), ngành bán lẻ toàn cầu đã duy trì đà tăng trưởng liên tục và dự kiến đạt 29.700 tỷ USD vào năm 2023, tăng 19%. Trong đó, doanh thu TMĐT dự kiến sẽ tăng tiếp 86% vào năm 2023, đạt 6.500 tỷ USD, vượt xa tốc độ tăng trưởng chung của ngành bán lẻ và càng vượt xa tốc độ tăng trưởng 7,9% của bán lẻ ngoại tuyến trong cùng kỳ.

Tỷ trọng của doanh thu TMĐT/tổng doanh thu bán lẻ toàn cầu, năm 2010 chỉ chiếm 3,7%, năm 2019 đã tăng lên 14% và dự kiến sẽ lên đến 21,9% vào năm 2023. Nhiều người bán hàng nói rằng họ đã bỏ lỡ giai đoạn phát triển nhanh chóng của TMĐT từ năm 2010 đến năm 2019, sau này họ càng không thể bỏ lỡ giai đoạn tăng trưởng liên tục của TMĐT trong vài năm tới.

Về Alibaba.com, đây được biết đến là nền tảng TMĐT giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp (B2B) hàng đầu toàn cầu, phục vụ người mua và người bán từ hơn 200 quốc gia và khu vực. Nhận định về tình hình xuất khẩu năm 2024, đại diện Alibaba.com bày tỏ sự lạc quan, bởi 2 nguyên nhân:

Thứ nhất, so với quá khứ, thì những tháng đầu năm nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã có nhiều khởi sắc;

Thứ hai , tỷ trọng xuất khẩu qua TMĐT trên tổng doanh thu bán lẻ vẫn còn nhỏ, nên dư địa tăng trưởng còn rất nhiều. Chưa kể, dù còn nhiều thách thức song khảo sát ghi nhận tinh thần khởi nghiệp của người Việt đang rất mạnh, hàng trăm ngàn ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ bày tỏ chiến lược dấn thân mạnh mẽ từ năm 2024.

Tri Túc

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên