Người bệnh bị phòng khám 'vẽ bệnh, moi tiền', hãy gọi số 0989.401.155
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chính thức công bố đường dây nóng: 0989.401.155 tiếp nhận phản ánh riêng về nạn phòng khám "vẽ bệnh, moi tiền" người bệnh.
- 04-12-2022Vụ lúa sạch ST24, ST25 bí đầu ra: Chuỗi liên kết dễ gãy và chuyện hài hòa lợi ích
- 04-12-2022Nhập khẩu ôtô tháng 11 tăng mạnh
- 04-12-2022Mẫu SUV "siêu hot" của Ford bất ngờ bốc cháy sau một cú phanh gấp
Bác sĩ người Việt in và ký trả kết quả siêu âm cho người bệnh trong một phòng khám tư có yếu tố nước ngoài. Thời điểm Thanh tra Sở Y tế kiểm tra tháng 11-2022, bác sĩ này không mặc trang phục nhân viên y tế và không đeo bảng tên - Ảnh: V.E.
Động thái này mở đầu cho quyết tâm trị dứt điểm các vi phạm của phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài (chủ yếu là phòng khám Trung Quốc).
Đối thoại với Tuổi Trẻ, PGS.TS TĂNG CHÍ THƯỢNG, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định nạn "vẽ bệnh, moi tiền" là hành vi "thiếu đạo đức", đồng thời kêu gọi người dân, nhân viên y tế cùng chung tay ngăn chặn.
"Bất cứ ai, cho dù ở vị trí công tác nào, là người dân TP khi xem các thông tin phản ánh về hành vi "vẽ bệnh, moi tiền" đều tỏ thái độ căm phẫn và đều mong cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp mạnh đủ sức răn đe", ông nói.
PGS.TS TĂNG CHÍ THƯỢNG - Ảnh: Q.ĐỊNH
Vi phạm nhưng... không sợ xử phạt
* Hoạt động cứu người nhưng lại lôi kéo, hù dọa và moi tiền người bệnh, dư luận cho rằng các phòng khám này không khác gì giang hồ lừa đảo đội lốt nghề y. Với tư cách là người đứng đầu ngành y tế TP.HCM, ông nghĩ gì?
- Chúng tôi đã thấy rất rõ vấn đề này rồi. Không nói là tất cả nhưng rõ ràng có một số phòng khám đa khoa tư nhân có yếu tố người nước ngoài không tuân thủ hoặc tuân thủ không đúng quy định của pháp luật về khám chữa bệnh.
Khi ngành y tế kiểm tra các phòng khám thường có vi phạm gần giống nhau như: để người không có trình độ chuyên môn trực tiếp khám, điều trị bệnh; sử dụng người không chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trong thời gian bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc quảng cáo vượt quá chuyên môn... cứ thường xuyên lặp đi lặp lại.
Có nơi còn quảng cáo lập lờ danh nghĩa của các bệnh viện chuyên khoa lớn như Từ Dũ, Hùng Vương... nhằm lôi kéo người bệnh.
Dù Thanh tra Sở Y tế đã ra quyết định xử phạt ở khung cao nhất (có phòng khám bị phạt 315 triệu đồng) và tước giấy phép hoạt động có thời hạn nhưng các phòng khám này vẫn không sợ.
* Nhưng dư luận cũng đặt vấn đề Sở Y tế là đơn vị cấp phép, quản lý các phòng khám này và để tình trạng "vẽ bệnh, moi tiền" tồn tại kéo dài không hồi kết, liệu ngành y tế có bất lực?
- Nói bất lực thì hơi quá nhưng thực tế cũng hơi mệt mỏi. Tôi từng phải mời Sở Kế hoạch và Đầu tư qua cùng bàn bạc bởi các phòng khám này muốn hoạt động ngoài giấy phép đặc thù của y tế (thẩm định quy mô, nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị...), bắt buộc phải có giấy phép kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp trước.
Các phòng khám lợi dụng việc cấp phép kinh doanh hiện nay rất nhanh, sẵn sàng giải thể công ty đã đăng lập (thực tế đang bị xử lý vi phạm), mở một công ty mới với pháp nhân mới, thay đổi luôn cả tên phòng khám nhưng lại hoạt động trên cùng một vị trí ban đầu. Về pháp lý họ không sai bởi luật chưa có quy định. Rõ ràng chúng ta cần rà soát, sửa đổi cho chặt chẽ hơn.
Đồ họa: N.KH.
Hành nghề "thiếu đạo đức", vì sao?
* Thưa ông, kiểu hành nghề như ông nói là "thiếu đạo đức" nhưng vì sao lại tồn tại dai dẳng như thế?
- Câu hỏi này rất đáng để suy nghĩ. Có rất nhiều người, trong đó người trong ngành y đặt dấu hỏi tại sao hành vi "vẽ bệnh, moi tiền" của các phòng khám này liên tục tái diễn. Không những thế lại xảy ra ở các phòng khám từng vi phạm và bị xử phạt ở khung cao nhất.
Việc này có vai trò của nhiều đơn vị, nhưng trách nhiệm chính của ngành y tế là đúng. Tôi nhìn nhận cái gì đã làm hết sức mà vẫn còn tồn tại các vi phạm lặp đi lặp lại thì phải coi lại. Ở đây có thể hệ thống quản lý có lỗi và cần tìm ra lỗ hổng để điều chỉnh.
Về quy định, mức chế tài cho những vi phạm hiện nay đều theo khung chứ ngành y tế không thể tự đặt ra khung hình phạt.
Cụ thể quy định hiện hành chỉ phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng với một trong các hành vi như khám chữa bệnh trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hành nghề; khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn... Hình thức xử phạt bổ sung cũng chỉ tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 22 đến 24 tháng.
Tôi cho rằng hình phạt cần phải nghiêm hơn nữa. Đặc biệt với những người cố tình lợi dụng việc khám sức khỏe để vụ lợi càng phải xử nghiêm như tước chứng chỉ hành nghề hoặc rút giấy phép hành nghề vĩnh viễn mới đủ sức răn đe.
* Thực tế điều tra của Tuổi Trẻ có thông tin các phòng khám này nắm được việc thanh tra kiểm tra từ ngành y tế và tỏ ra "rất tự tin" đối phó trong nhiều tình huống. Dư luận đặt nghi vấn có sự bảo kê?
- Đúng là có chuyện khi đoàn thanh tra đến thì các phòng khám này đã dọn sạch chứng cứ vi phạm. Tôi có đặt dấu hỏi nhưng không thể nói chủ quan được. Quan điểm của ngành y tế là sẽ chủ động có biện pháp kiểm tra và quyết liệt xử lý khi có đầy đủ chứng cứ.
Sự "tiếp tay" (nếu có) là điều không thể chấp nhận được, cương quyết xử lý chứ không thể nào để tồn tại trong hàng ngũ cơ quan quản lý về y tế.
Nhân đây, tôi cũng muốn kêu gọi và khuyến khích bất cứ ai có "nguồn tin" về việc này nên mạnh dạn thông tin cho ngành y tế. Chúng tôi sẽ rà soát, kiểm tra và cương quyết xử lý. Và muốn tạo mạng lưới xử lý nạn "vẽ bệnh, moi tiền" chỉ còn cách kêu gọi sự chung tay vào cuộc từ người dân.
* Không chỉ có bác sĩ nước ngoài, nhân viên y tế người Việt cũng tham gia làm việc tại các phòng khám tiếp tay "vẽ bệnh, moi tiền". Người Việt phụ trách chuyên môn chỉ là "cây cảnh", thưa ông?
- Dĩ nhiên các phòng khám không thể đưa hết người từ nước họ qua mà phải sử dụng nhân lực tại chỗ. Nói là nhiều nhưng số lượng nhân viên y tế hành nghề ở các phòng khám này chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với 40.000 nhân viên y tế toàn TP.
Khi xảy ra vi phạm, trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn rất lớn nhưng thực tế ở các phòng khám này chỉ người bỏ tiền đầu tư mới có quyền. Bác sĩ mang tiếng phụ trách chuyên môn nhưng không có quyền hành gì cả, đứng tên cũng chỉ vì mưu sinh thôi.
Phòng khám đa khoa Quốc Tế (quận 1, có yếu tố nước ngoài) bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt hai lần trong năm 2022 với số tiền 276 triệu đồng vì người hành nghề không đăng ký hành nghề khám chữa bệnh... đã ngưng hoạt động - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cần luật để trị tận gốc
* Rõ ràng tình trạng này nếu tái diễn không chỉ sức khỏe người bệnh bị đe dọa, hình ảnh ngành y tế cũng bị ảnh hưởng. Theo ông, đâu là giải pháp trị tận gốc các phòng khám hành nghề "vẽ bệnh, moi tiền" này, thưa ông?
- Ngành y tế kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó cần quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề, bắt buộc phải thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh.
Cần tăng nặng các hình thức xử phạt như thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nếu tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề khám chữa bệnh.
* Nói vậy nhưng lại có ý kiến cho rằng nhiều bác sĩ giỏi từ nước ngoài đến Việt Nam chuyển giao kỹ thuật không cần phải am hiểu tiếng Việt, ngành y tế cần phải tạo điều kiện cho họ...
- Đúng như thế. Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa người hành nghề và chuyên gia. Chuyên gia nước ngoài, tức những người có trình độ chuyên môn sâu đến hỗ trợ phát triển và chuyển giao kỹ thuật. Những người này tôi đánh giá là "thầy" nên rất trân trọng, thậm chí còn phải mời gọi, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho họ hoạt động.
Còn nhóm hoạt động nghề nghiệp khám chữa bệnh lâu dài (như các phòng khám có người Trung Quốc), họ trực tiếp khám và thu tiền khám từ người bệnh tất nhiên bắt buộc phải hiểu, nói được tiếng Việt và tuân thủ theo quy định.
* Ông đánh giá thế nào về năng lực chuyên môn của các nhân viên y tế làm việc tại các phòng khám này?
- Tôi có cảm giác họ không nắm chắc, cũng như không cập nhật kiến thức chuyên môn. Tại phòng khám, phiên dịch nói sao họ biết vậy chứ có lẽ không mấy quan tâm về quy định khám chữa bệnh ở Việt Nam.
Phòng khám vắng khách nên "vớt được người nào hay người đó", chỉ biết làm sao "móc" được nhiều tiền từ người bệnh, không chú trọng chất lượng điều trị. Điều này khiến dư luận, trong đó có cả nhân viên ngành y, lên án.
Cũng từ thực trạng này, cách đây ba năm chúng tôi lần đầu tiên mở lớp tập huấn kéo dài cho tất cả bác sĩ Trung Quốc, qua đó cũng lộ rõ trình độ chuyên môn yếu kém, nhiều người không nắm được căn bản, thậm chí hạn chế khả năng ở một số chuyên khoa.
Về mặt chuyên môn khi đã hành nghề khám chữa bệnh đòi hỏi bác sĩ phải rất nghiêm từ chỉ định, kê đơn cho đến sử dụng các kỹ thuật điều trị theo đúng phác đồ nhưng thực tế các phòng khám này gây nhiều hoang mang, uất ức từ người bệnh.
Người bệnh bị lừa gạt, gọi 0989.401.155
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra một cơ sở khám chữa bệnh có bác sĩ nước ngoài hành nghề - Ảnh: T.A.
* Các phòng khám thường lợi dụng người bệnh bị các bệnh khó nói để "làm tới". Vậy ngoài các giải pháp dài hơi, ngành y tế TP.HCM có giải pháp nào giải quyết được bức xúc tức thời từ người bệnh không, thưa ông?
- Chúng tôi xác định trong khi chờ Luật khám chữa bệnh sửa đổi, sẽ "chạy đường trường" bằng chủ động thay đổi cung cách thanh tra kiểm tra. Thay vì định kỳ sẽ kiểm tra đột xuất đối với các phòng khám thường vi phạm và tiếp tục xử lý nghiêm với mức hình phạt cao nhất.
Đặc biệt để trị bằng được hành vi "vẽ bệnh, moi tiền" người bệnh, tôi yêu cầu phòng nghiệp vụ thiết lập một đường dây nóng riêng biệt là: 0989.401.155. Số điện thoại này sẽ do Thanh tra Sở Y tế quản lý, là nơi chuyên tiếp nhận các cuộc gọi của người dân khi bị các phòng khám "vẽ bệnh" lừa gạt. (Ông Thượng gọi điện cho cán bộ chuyên môn lập ngay số đường dây nóng này khi đang đối thoại cùng PV Tuổi Trẻ).
* Ông Lương Ngọc Khuê (cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế):
Các địa phương phải xử lý quyết liệt
Khi xây dựng Luật khám chữa bệnh, có nhiều người đặt câu hỏi tại sao bác sĩ nước ngoài vào Việt Nam lại phải biết tiếng Việt và lo sợ liệu có thiết lập barie? Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng có lộ trình cho người hành nghề khám chữa bệnh lâu dài ở Việt Nam, còn các chuyên gia giỏi qua giảng dạy, hội chẩn, chuyển giao kỹ thuật ngắn ngày không bắt buộc.
Tôi cho rằng hiện tượng bác sĩ "vẽ bệnh, moi tiền" nhức nhối xảy ra ở các phòng khám có yếu tố nước ngoài là "không có lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp" và "vi phạm quy định khám chữa bệnh của Việt Nam". Yêu cầu ngành y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng quyết liệt xử lý nếu cố tình vi phạm pháp luật.
Bên trong nơi hành nghề của bác sĩ tại phòng khám có yếu tố nước ngoài thời điểm Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra vào tháng 11 - Ảnh: V.E.
Các nước xung quanh quản lý nghiêm
Ủy ban điều phối chung ASEAN về các bác sĩ hành nghề y tế (ASEAN Joint Coordinating Committee on Medical Practitioners - AJCCM) đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc tạo điều kiện hợp tác hành nghề của các bác sĩ y khoa.
Theo đó, quy định cho bác sĩ nước ngoài hành nghề rất khác nhau giữa mỗi nước, từ "không có quy định nào" đến nghiêm ngặt với rất nhiều quy định. Ở khía cạnh nghiêm ngặt ghi nhận có Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào...
Chẳng hạn như Bộ Y tế Singapore sẽ cấp giấy phép hành nghề chính thức cho bác sĩ nước ngoài khi thỏa các điều kiện có các bằng tốt nghiệp được Hội đồng Y khoa Singapore và các chứng chỉ chứng minh kinh nghiệm hoàn thành khóa đào tạo một năm sau đại học hoặc bác sĩ nội trú hoặc một năm thực tập ở nước ngoài.
Còn ở Philippines việc cấp giấy phép hành nghề chính thức cho bác sĩ (cả trong và ngoài nước) khi đã tuân thủ thỏa đáng các yêu cầu pháp lý, bao gồm cả việc phải vượt qua các kỳ thi cấp phép giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ hành nghề, đồng thời được cấp thẻ nhận dạng chuyên nghiệp. Người hành nghề sẽ bị đình chỉ hoặc thu hồi khi vi phạm bất kỳ những quy định được nêu trong luật khám chữa bệnh hoặc khi thẻ hành nghề hết hạn.
Đáng ghi nhận là Lào, một bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề tại Lào phải thành thạo ngôn ngữ Lào và phải trải qua kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề do Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức, chứng chỉ có thời hạn năm năm.
Tuổi Trẻ