Người cha quá cố để lại sổ tiết kiệm gần 200 triệu, cô con gái ra ngân hàng rút tiền thì bị nhân viên từ chối: Toà án Trung Quốc phán quyết thế nào?
Là người thừa kế duy nhất, tưởng chừng sẽ thuận lợi nhận được khoản tiền này, Tiểu Giang không ngờ rằng thủ tục rút tiền lại phức tạp như vậy.
- 21-12-2024Cách nào xác thực sinh trắc học qua VneID, không cần tới ngân hàng?
- 21-12-2024Quy định mới nhất chủ thẻ tín dụng cần biết từ 1-1-2025
- 21-12-2024Vụ Mr. Pips Phó Đức Nam: Công an tìm người bị lừa chuyển tiền vào 7 tài khoản ngân hàng dưới đây
Câu chuyện về cô Tiểu Giang tại Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, đã làm dấy lên nhiều tranh luận về quy trình thừa kế tiền gửi ngân hàng. Sau khi cha cô qua đời, để lại khoản tiết kiệm 55.000 nhân dân tệ (khoảng 191 triệu đồng), cô gái trẻ đã gặp phải nhiều khó khăn khi đến ngân hàng rút tiền.
Cha của Tiểu Giang qua đời vào cuối năm 2023 sau một thời gian lâm bệnh nặng. Là con gái duy nhất của ông, Tiểu Giang không chỉ đối diện với mất mát tinh thần mà còn phải gánh vác trách nhiệm xử lý hậu sự. Trong lúc thu dọn di vật, cô phát hiện một thẻ ngân hàng với số tiền tiết kiệm 55.000 tệ – một khoản tiền quý giá đối với hoàn cảnh của cô. Ông bà nội cô đã qua đời từ lâu, cha mẹ cô đã ly dị, hiển nhiên cô là người thừa kế duy nhất của số tiền này.
Mang theo giấy tờ tùy thân, giấy chứng tử của cha và thẻ ngân hàng, Tiểu Giang đến ngân hàng với hy vọng có thể rút số tiền này. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng từ chối yêu cầu của cô với lý do: số tiền vượt quá mức giới hạn 50.000 tệ và yêu cầu cô phải cung cấp chứng nhận quyền thừa kế hợp pháp do tòa án hoặc cơ quan công chứng cấp.
Ngân hàng giải thích rằng, dù cô là con gái ruột, nhưng nếu không có giấy chứng nhận quyền thừa kế, họ không thể đảm bảo rằng không có người thừa kế nào khác (chẳng hạn như con riêng hoặc người thừa kế không rõ danh tính) sẽ xuất hiện và gây tranh chấp sau này. Nhân viên ngân hàng còn đưa ra ví dụ: "Ngay cả khi ông bà của Tiểu Giang đã qua đời và mẹ cô không còn quan hệ thừa kế với ông Giang do ly hôn, thì làm sao có thể chứng minh rằng ông Giang không có con ngoài giá thú? Phải biết rằng, con ngoài giá thú cũng có quyền thừa kế. Nếu có tranh chấp, ngân hàng không thể gánh nổi trách nhiệm".
Đối mặt với Tiểu Giang đang vô cùng phẫn nộ, nhân viên ngân hàng vẫn giữ bình tĩnh và đưa ra gợi ý: "Để tránh tranh chấp về sau, nếu cô muốn rút tiền mà không có giấy chứng nhận thừa kế công chứng, có thể khởi kiện ra tòa án. Ngân hàng sẽ thực hiện theo phán quyết của tòa. Nếu có vấn đề gì phát sinh, trách nhiệm sẽ không thuộc về ngân hàng."
Trên mạng, nhiều chuyên gia cũng tham gia bàn luận. Theo quy định pháp luật Trung Quốc, có hai cách để giải quyết tình huống này. Một cách là cô Giang có thể đến cơ quan công chứng để xin cấp giấy chứng nhận quyền thừa kế, yêu cầu này bao gồm việc cung cấp giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu và các chứng cứ xác minh quan hệ ruột thịt. Sau khi hoàn tất công chứng, cô sẽ nhận được giấy chứng nhận thừa kế và có thể sử dụng nó để yêu cầu ngân hàng thanh toán số tiền tiết kiệm.
Cách còn lại là khởi kiện ra tòa án. Sau khi tòa ra phán quyết, cô có thể dùng bản án để yêu cầu ngân hàng thực hiện thủ tục rút tiền.
Cuối cùng, Tiểu Giang đã quyết định lựa chọn phương án khởi kiện tòa án vì thủ tục công chứng quá phức tạp và mất thời gian.
Tòa án xác định rằng Tiểu Giang là người thừa kế hợp pháp duy nhất của ông Giang. Theo Điều 1127 của Bộ luật Dân sự, thừa kế sẽ được chia theo thứ tự, trong đó vợ/chồng, con cái và cha mẹ của người quá cố là những người thừa kế hợp pháp. Tuy nhiên, do cha của Tiểu Giang đã ly hôn vợ và cả cha mẹ ông Giang đã qua đời, cô là người thừa kế đầu tiên.
Tòa án kết luận rằng ngân hàng phải thực hiện thanh toán số tiền 55.000 nhân dân tệ cùng lãi suất cho Tiểu Giang. Sau khi bản án có hiệu lực, Tiểu Giang đã mang quyết định của tòa đến ngân hàng và rút được toàn bộ số tiền từ tài khoản của cha cô.
Theo Toutiao
Nhịp sống thị trường