Theo tín ngưỡng dân gian, việc cúng ''ông Công, ông Táo'' là để các gia đình tiễn ''thần bếp'' lên chầu trời, báo cáo việc bếp núc, làm ăn, cư xử... của gia đình trong năm đó. Cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12 giờ ngày 23 tháng Chạp).
Ngay từ sáng sớm, người dân đã đến các điểm thả cá ở Hà Nội như hồ Tây, hồ Gươm, cầu Long Biên, hồ phóng sinh để tiễn ông Táo về trời. Với mỗi người Việt Nam, khoảnh khắc thả cá chép xuống nước ngày ông Công ông Táo về trời thường mang nhiều cảm xúc đặc biệt, báo hiệu chuẩn bị kết thúc năm cũ, bắt đầu cho năm mới. Với chị Trần Thị Thúy (An Dương, Tây Hồ, Hà Nội) không phải mỗi ngày ông Công ông Táo chị mới thực hiện công việc phóng sinh mà ngày rằm, ngày mồng một đầu tháng gia đình chị đều làm công việc này. Chị Trần Thị Thúy cho biết: “Khi thực hiện công việc này, bản thân tôi thấy thanh thản và nhẹ nhõm hơn”. Ông Nguyễn Danh Sao (đường Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, Đống Đa) chia sẻ: “Dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng vào những ngày này gia đình tôi cố vẫn cố gắng thực hiện đầy đủ lễ tiễn ông Táo về trời”. Ngoài thả cá chép theo phong tục, nhiều người cũng chọn mua những con vật như ốc, lươn, chạch... để thả xuống sông, với quan niệm, phóng sinh là một việc thiện lành để mang đến cho các con vật một cơ hội sống mới, nhằm tích đức để gặp nhiều điều may mắn trong cuộc sống. Nhằm nhắc nhở người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường, trên các bờ hồ, có những tấm biển được đặt khuyến cáo người dân hạn chế túi nylon khi thả cá. Phần lớn người dân đều có ý thức khi chỉ phóng sinh cá, không vứt túi nilon xuống sông, hồ và gom túi nilon một chỗ. Các bạn nhỏ được bố mẹ đưa đi phóng sinh cũng có ý thức bảo vệ môi trường. Tại cầu Long Biên, nhóm tình nguyện viên "Đường Táo quân" gồm nhiều bạn trẻ đã có mặt tại cầu Long Biên, Hà Nội, giúp đỡ người dân thả cá chép sau khi cúng ông Táo. Nhóm tình nguyện chia làm 4 điểm đứng dọc hai bên cầu Long Biên. Tại mỗi điểm, các bạn trẻ sử dụng xô nhựa buộc dây, nhận cá từ những người đi đường, đưa xuống sát mặt sông rồi thả xuống sông.