MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dân địa phương hưởng lợi từ dự án bauxite Tây Nguyên

Hạ tầng cơ sở vật chất tại địa phương ngày càng khang trang

Hạ tầng cơ sở vật chất tại địa phương ngày càng khang trang

Các dự án bauxite Tây Nguyên không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương mà còn giúp giải quyết nhiều vấn đề an sinh xã hội cho người dân.

Địa phương, người dân đi lên nhờ các dự án bauxite

Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV (xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông) được Chính phủ cấp phép và đang hoạt động khai thác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, giúp cho đời sống của người dân xung quanh khu vực ngày một nâng cao nhờ có công ăn việc làm ổn định.

Sau 5 năm đi vào vận hành (2017-2022), Nhà máy Alumin Nhân Cơ - Công ty Nhôm Đắk Nông đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách địa phương. Hoạt động khai thác bô xít, chế biến alumin phục vụ xuất khẩu và quá trình luyện nhôm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông.

Theo ông Ngô Tuấn Linh, Phó giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông, từ khi có Nhà máy Alumin Nhân Cơ, xã Nhân Cơ và huyện Đắk R'lấp có nhiều thay đổi đáng kể. Đặc biêt, nhà máy tạo điều kiện làm việc trực tiếp hơn khoảng 1.100 lao động và nhiều lao động gián tiếp liên quan.

“Ngay từ đầu, chính sách của Tập đoàn đưa ra rất rõ là ưu tiên người dân trong vùng của dự án làm việc tại nhà máy. Trên thực tế, trước khi đi vào hoạt động, Tập đoàn đã đào tạo miễn phí khoảng 645 người dân địa phương để phục vụ dự án.

Hiện nay, số người địa phương làm việc tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ vẫn còn khoảng 600 người. Nhà máy hiện vẫn theo cơ chế của tập đoàn tức là ưu tiên người dân địa phương khi tuyển dụng lao động.

Đáng chú ý là vừa qua, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh có tiến trình đào tạo, thu hút lao động cho dự án và đặc biệt là các dự án tiếp theo nếu tập đoàn mở rộng”, ông Linh cho hay.

Đến buôn Bu Dấp ở xã Nhân Cơ, huyện Đăk R'lấp, tỉnh Đắk Nông vào những ngày này sẽ thấy không thiếu những ngôi nhà xây mới. Người dân trong buôn chủ yếu là đồng bào M'nông và phần lớn những người trong độ tuổi lao động giờ đều làm công nhân của nhà máy nhôm trên địa bàn. Với thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng 1 tháng, cuộc sống của bà con đã đỡ vất vả hơn trước kia nhiều.

"Trước đây khi nhà máy nhôm chưa thành lập, người dân trong buôn đa số là làm nông nghiệp. Sau đó khi nhà máy thành lập, tôi may mắn được tuyển dụng vào làm, giờ thu nhập so với trước đây đã ổn định hơn. Cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá", anh Điểu Phương, công nhân Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Đắk Nông, chia sẻ.

Còn vợ chồng anh Hòe là người nhập cư vào địa phương và trở thành công nhân của nhà máy từ 3 năm trước. Vợ chồng anh vừa xây xong ngôi nhà mới. Từ chỗ phải đi ở thuê, cuộc sống của gia đình anh đã dần ổn định.

"Khi vào đây làm công nhân, ban đầu tôi xác định làm 1 - 2 năm rồi về quê, nhưng vào trong này với mức thu nhập ổn định nên tôi đã mang vợ con vào. Bây giờ vợ chồng tôi cũng mua đất làm nhà, kinh tế cũng ổn định. Giờ chúng tôi xem Nhân Cơ là quê hương thứ 2 của mình và an cư lạc nghiệp nơi đây", anh Lê Văn Hòe, công nhân Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Đắk Nông, cho hay.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười, Nhà máy Alumin Nhân Cơ vận hành thử nghiệm từ tháng 11/2016. Sau 6 năm vận hành đi vào sản xuất, dự án đã đem lại kết quả rất tốt cho địa phương. Dự án này đã đóng góp rất nhiều và quan trọng vào sự phát triển của tỉnh, nhất là sự tăng trưởng khu vực công nghiệp, chiếm gần 40% sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Dự án đã góp phần đưa tỷ trọng công nghiệp của tỉnh tăng từ 7,9% năm 2016 lên gần 13% vào năm 21. Dự án cũng đóng góm ngân sách địa phương khoảng 400 tỷ đồng/năm.

“Đặc biệt, dự án đã giải quyết công ăn việc làm cho trên 1.000 lao động địa phương và đóng góp nhiều vào công tác xã hội trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, dự án đã trích nhiều tỷ đồng làm công tác xã hội, từ thiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng như hỗ trợ cho đồng bào vùng dân tộc”, ông Mười thông tin.

Công ty là nhà, là đứa con của quê hương

Thời gian qua, TKV đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội đối với địa phương. Thông qua hỗ trợ kinh phí, Tập đoàn đã triển khai các công trình phúc lợi xã hội, đóng góp các quỹ phúc lợi trên 175 tỷ đồng.

Dự kiến đến năm 2035, TKV sẽ đầu tư, phát triển khoáng sản bauxite tại Đắk Nông với tổng vốn đầu tư khoảng 120.428 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2050, tổng nhu cầu sử dụng đất của TKV vào khoảng 27.869 ha.

Công ty Nhôm Đắk Nông có nhiệm vụ trực tiếp quản lý và vận hành Nhà máy Alumin Nhân Cơ với mục tiêu lợi nhuận, sử dụng có hiệu quả phát triển nguồn vốn và các nguồn lực do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) giao, đóng góp cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động và tích lũy các nguồn lực để phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng bauxite.

Người dân địa phương hưởng lợi từ dự án bauxite Tây Nguyên - Ảnh 1.

Mức sống của người dân cũng được thay đổi từng ngày

Tuy gặp không ít những khó khăn và thách thức, với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, bằng sự quản lý và chỉ đạo đúng hướng của lãnh đạo TKV, sự điều hành năng động và quyết đoán của Ban giám đốc công ty,… tạo những bước hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Đắk R'lấp, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV đã tích cực hưởng ứng các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo đời sống những gia đình chính sách, đồng bào nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Công ty còn hỗ trợ kinh phí xây dựng nhiều công trình công cộng như trường học, trạm y tế… Ngoài ra, Công ty cũng đã tổ chức tuyển chọn và đào tạo hàng trăm người với chế độ học bổng toàn phần, trong đó phần lớn là con em đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng dự án.

Còn theo ông Tường Thế Hà, Phó giám đốc Công ty Nhôm Lâm Đồng, ngay từ việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp đã xác định hoạt động sản xuất của công ty phải gắn chặn với văn hóa, xã hội của địa phương.

“Tất cả các hoạt động của địa phương, chúng tôi đều có tham gia đầy trách nhiệm từ các hoạt động an sinh xã hội, văn hóa, thể dục thể thao…Các hoạt động chung của địa phương đều có hình ảnh của Nhôm Lâm Đồng. Chúc tôi rất từ hào về điều đó.

Hiện, các mối quan hệ với người dân địa phương của doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Cán bộ, công nhận địa phương coi công ty là nhà của mình, người dân coi công ty là đứa con của quê hương nên đã có nhiều đóng góp, tạo điều kiện cho công ty phát triển”, ông Hà chia sẻ.

Theo ông Bùi Xuân Quý, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng, Công ty Nhôm Lâm Đồng từ khi thành lập đã làm rất tốt công tác nhân đạo từ thiện. Ví dụ, công ty đã xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống nước sạch cho các khu dân cư nơi nhà máy hoạt động.

Vào các dịp lễ tết, công ty cũng quan tâm hỗ trợ quà cho các hộ nghèo và cũng khó khăn trên địa bàn. Dịp tết trung thu, 1/6, công ty cũng tổ chức các hoạt động vui chơi cho các cháu thiếu nhi.

“Cá nhân thấy doanh nghiệp đã thực hiện trách nhiệm, vai trò xã hội của mình rất tốt", ông Quý thông tin thêm.

Theo PV

Công Thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên