Người dân Hà Nội sẽ được quyền lựa chọn chủ đầu tư xây lại nhà tập thể cũ
Theo đề án vừa được ban hành, việc cải tạo lại chung cư cũ ở Hà Nội thời gian tới sẽ được thực hiện dưới 3 hình thức, gồm: Các chủ sở hữu thống nhất lựa chọn; đấu thầu lựa chọn và nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng dự án cải tạo, xây dựng lại.
- 14-12-2021Chuyên gia BĐS lý giải vì sao căn nhà tập thể cũ ở Hà Nội được rao bán giá 8,5 tỷ đồng: "Tính về lâu dài, người mua sẽ có lợi"
- 10-12-2021Người phụ nữ rao bán căn nhà tập thể cũ ở Hà Nội giá 8,5 tỷ đồng: "Tôi suy sụp đến mất ngủ khi bị dân mạng chỉ trích"
- 16-11-2021Căn hộ tập thể cũ kỹ ở Hà Nội rao bán trăm triệu mỗi m2, chủ nhà bị nghi 'ngáo giá'
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Tại quyết định vừa ban hành, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 hoàn thành cơ bản cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.
Để thực hiện mục tiêu trên, Hà Nội đưa ra 7 nhóm giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, tổng rà soát, khảo sát, kiểm định chung cư cũ. Dự kiến tiến độ thực hiện từng nhà chung cư cũ theo từng năm trong giai đoạn 2021- 2025, chia làm 4 đợt và phấn đấu hoàn thành kiểm định tất cả chung cư cũ trên địa bàn thành phố trước quý 3-2023.
Thứ hai, lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết chung cư cũ. Trong đó, định hướng giải pháp quy hoạch đối với 3 mô hình cấp độ: Lập đồ án quy hoạch chi tiết với khu chung cư cũ quy mô từ 2ha; lập tổng mặt bằng với nhóm chung cư cũ quy mô nhỏ hơn 2ha; lập tổng mặt bằng và thực hiện đề án quy gom đối với nhà chung cư cũ độc lập, đơn lẻ để tái định cư tại chỗ. Dự kiến hoàn thành lập, trình duyệt quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng, đề án quy gom toàn bộ các khu chung cư, nhà chung cư trong quý 4/2023.
Thứ ba, ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, gồm: Lập danh mục chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại đồng bộ, toàn diện với 3 nhóm: Nhóm các dự án đang triển khai (chuyển tiếp từ giai đoạn trước năm 2021); nhóm dự kiến khởi công xây dựng trong giai đoạn 2021-2025; nhóm chuẩn bị đầu tư để triển khai giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, dự kiến các nguồn vốn thực hiện đối với từng dự án cụ thể; tạo lập quỹ nhà tái định cư tạm thời...
Thứ tư, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, trong đó quy định 3 hình thức lựa chọn, gồm: Các chủ sở hữu thống nhất lựa chọn; đấu thầu lựa chọn; nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Thứ năm, thành lập Hội đồng thẩm định của UBND thành phố hoặc phân cấp cho UBND cấp huyện xem xét, thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bố trí nhà ở tạm cư.
Thứ sáu, tạo lập quỹ nhà ở tạm cư, theo đó thành phố có thể sử dụng các quỹ nhà tái định cư có sẵn của thành phố; đầu tư xây dựng mới quỹ nhà tạm cư hoặc mua nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tạm cư.
Thứ bảy, thực hiện các chính sách ưu đãi: Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền chuyển mục đích sử dụng đất.
Ngoài ra, UBND TP cũng phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và các cơ quan liên quan theo nguyên tắc "5 rõ", có lộ trình, tiến độ triển khai cụ thể đối với từng nhiệm vụ.
Theo thống kê, tại thời điểm năm 2020, trên địa bàn TP.Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ (bao gồm khoảng 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và khoảng 306 chung cư cũ độc lập, đơn lẻ) chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 đến 1994 (một số ít nhà xây dựng trước năm 1954) tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử.
Hiện trạng quản lý, sử dụng phức tạp, đan xen trách nhiệm, quyền sử dụng giữa tư nhân, tổ chức, nhà nước; một số khu có xen kẽ các công trình nhà ở thấp tầng, trụ sở cơ quan, văn phòng, dịch vụ thương mại, hạ tầng xã hội (trường học, cơ sở y tế...)...; diện tích căn hộ chung cư cũ nhỏ; quá tải số người, không đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng; nhiều hộ dân tự sửa chữa, cơi nới, lấn chiếm không gian chung, đồng thời do không được duy tu bảo trì thường xuyên, công trình và hệ thống hạ tầng hư hại, xuống cấp, nguy hiểm kỹ thuật kết cấu công trình và an toàn cho người dân.
Trong khi đó, qua rà soát, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội, thành phố hiện có 200 nhà nguy hiểm cấp C, 137 nhà cấp B và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D.
Còn theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 18 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng (trong đó, có 2 nhà nguy hiểm cấp D), 14 dự án đang triển khai. Các dự án đã hoàn thành thực hiện theo 3 mô hình: Mô hình sử dụng nguồn vốn ngân sách; Mô hình sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách có sự hỗ trợ từ Thành phố và Mô hình sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách.
Theo sở này, khó khăn, vướng mắc khi cải tạo xây dựng lại chung cư cũ chủ yếu do: Nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp; việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo cơ chế, chính sách của Thành phố chưa được người dân đồng thuận, nhất là các hộ ở tầng 1.
Bên cạnh đó, việc cải tạo xây dựng mới từng nhà chung cư cũ trên vị trí cũ của từng tòa nhà dẫn đến không thể thực hiện quy hoạch chỉnh trang đô thị toàn khu, không khai thác được không gian đô thị và hệ thống giao thông cho phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH đô thị.
Thêm vào đó, ngoài việc phải bố trí tái định cư tại chỗ cho các hộ dân trong nhà chung cư cũ còn phải bố trí tái định cư cho các hộ dân xây dựng trái phép trên đất trống của khu dân cư; Phần lớn các hộ dân trong khu chung cư cũ có khó khăn về kinh tế khi phải chi trả phần diện tích tăng thêm sau khi xây dựng lại…
BizLive