MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dân khắp nơi trở lại bầu trời và khách du lịch Trung Quốc sắp 'đổ bộ': Thế giới đang thiếu máy bay trầm trọng

28-12-2022 - 20:06 PM | Tài chính quốc tế

Người dân khắp nơi trở lại bầu trời và khách du lịch Trung Quốc sắp 'đổ bộ': Thế giới đang thiếu máy bay trầm trọng

Boeing và Airbus đã bán hết sạch các mẫu máy bay 1 lối đi phổ biến nhất cho đến ít nhất là năm 2029. Hậu quả là giá vé máy bay sẽ tiếp tục đắt đỏ trong một thời gian dài.

Khi các hãng hàng không từ United Airlines cho đến Air India đang đặt hàng hoặc tìm cách đặt hàng trăm máy bay phản lực, thì Boeing và Airbus đang phải “chạy deadline” với những thoả thuận cực kỳ lớn. Tuy nhiên, do chuỗi cung ứng gián đoạn, nên những chiếc máy bay đang được đặt trước đó phải vài năm nữa mới được giao. Jefferies ước tính hiện có 12.270 máy bay vẫn "tồn đọng" trong các đơn đặt hàng.

Do đó, giá vé máy bay cao ngất ngưởng mà nhiều khách hàng phàn nàn trong vài tháng qua vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thậm chí, mọi thứ còn có thể tồi tệ hơn nữa.

Ajay Awtaney - nhà sáng lập trang web khách hàng LiveFromALounge.com, cho biết: “Mọi người đã quá quen với việc vé máy bay liên tục hạ giá trong thời kỳ đại dịch. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ khiến tình hình còn tồi tệ hơn. Đó không chỉ là thiếu hụt máy bay mà còn là các yếu tố khác như giá dầu.”

Awtaney nói thêm, dù một hãng hàng không kiếm được nhiều tiền và đủ tiềm lực tài chính để giảm giá thì điều đó có thể khiến các hãng khác gặp khó khăn, điều này dẫn đến hậu quả là giá vé còn cao hơn trong thời gian dài.”

Trong khi đó, Boeing và Airbus đã bán hết sạch các mẫu máy bay 1 lối đi phổ biến nhất cho đến ít nhất là năm 2029.

Người dân khắp nơi trở lại bầu trời và khách du lịch Trung Quốc sắp đổ bộ: Thế giới đang thiếu máy bay trầm trọng - Ảnh 1.

Bên trong nhà máy sản xuất của Airbus ở Mirabel, Quebec, Canada.

Do nhu cầu tăng cao với hoạt động di chuyển bằng đường hàng không, khi nhiều người “du lịch phục thù” và các hãng bay tìm cách đổi mới đội máy bay cũ, thách thức với chuỗi cung ứng lại xuất hiện. Mọi thứ từ việc cung cấp các bộ phận cần thiết đến tình trạng thiếu lao động đang tái diễn.

Đầu tháng này, Airbus cho biết sẽ bỏ mục tiêu giao 700 máy bay phản lực trong năm nay do các vấn đề về chuỗi cung ứng. Hãng trước đó cũng cảnh báo rằng chi phí năng lượng tăng cao sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các nhà sản xuất nhỏ hơn, sử dụng nhiều năng lượng hơn như các hãng sản xuất vật đúc và rèn.

Theo nhà sáng lập Air Lease, Steve Udvar-Hazy, mọi đơn hàng giao đến các bên cho thuê lớn nhất thế giới trong 2 năm qua đều trễ hẹn. Ông nói: “Chúng tôi chưa nhận được một chiếc máy bay nào đúng lịch, dù đó là 737 Max, 787 hay A330 và A350. Điều tồi tệ nhất là A321neo. Sự chậm trễ lên tới 6-7 tháng so với hợp đồng. Nguyên nhân là do những vấn đề về chuỗi cung ứng, nhu cầu tăng quá nhanh và thiếu nhân công.”

Hàng nghìn chiếc máy bay mà các hãng bay “đậu” ở các sa mạc trên khắp thế giới trong thời kỳ đại dịch cũng góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt. Hàng trăm chiếc máy bay không được khai thác trở lại vì cần được bảo dưỡng rất kỹ lưỡng sau thời gian dài không được sử dụng. Hơn nữa, các hãng hàng không cũng không có kế hoạch sử dụng chúng.

Người dân khắp nơi trở lại bầu trời và khách du lịch Trung Quốc sắp đổ bộ: Thế giới đang thiếu máy bay trầm trọng - Ảnh 2.

Hình ảnh các đội máy bay phải "nằm yên" trong thời kỳ đại dịch.

Hậu quả là, giá vé máy bay đang ở mức rất cao và còn có thể tăng mạnh hơn nữa khi nhiều người đi công tác trở lại và nhiều người sẵn sàng đi nghỉ ở nước ngoài sau nhiều năm ở nhà. Ngoài ra, các hãng hàng không cũng tiếp tục khai thác những chiếc máy bay cũ kỹ.

Sunny Xi - giám đốc công ty tư vấn Oliver Wyman ở Singapore, cho hay: “Phương án cuối cùng là các hãng hàng không sẽ phải kéo dài thời gian sở hữu. Thông thường, các hãng châu Á lập kế hoạchc ho đội bay theo chu kỳ 12 năm, thấp hơn so với hầu hết các khu vực khác. Nhưng trong quá trình tái cơ cấu trong vài năm qua, một số đã kéo dài thời gian trên và phải tiếp tục làm như vậy trong tương lai.”

Với Boeing và Airbus, thì việc giao máy bay đúng hạn đang là vấn đề rất căng thẳng. Airbus đã chứng kiến các hãng hàng không liên tục đặt hàng khi họ có tới hơn 6.100 máy bay A320neo cần được “trả hàng” trong 8 năm. Dù từ lâu đã quảng cáo về kế hoạch tăng cường sản xuất lên tới 75 chiếc A320/tháng, nhưng hãng đang phải lùi mục tiêu đó xuống giữa thập kỷ này. Trong khi đó, các nhà đầu tư của Boeing- mới được thông báo về khoảng 850 đơn đặt hàng trong năm nay, đang lo ngại về tiến độ chậm chạp của hãng sản xuất của Mỹ.

Song, điểm sáng của ngành này là nhân viên của các hãng hàng không sẽ không bị sa thải trong thời gian tới như các doanh nghiệp khác. George Ferguson - nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, cho biết: “Các đơn đặt hàng chưa được giải quyết đủ lớn để ngành này không rơi vào suy thoái. Các nhà sản xuất và hãng hàng không sẽ phải giữ chân người lao động dù có vấn đề gì.”

Tham khảo Bloomberg

Vu Lam

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên