Người dân Nhật Bản chịu đựng tình trạng thiếu gạo nghiêm trọng kéo dài
Trong vòng khoảng 3 tuần trở lại đây, tại tất cả các địa phương của Nhật Bản, bao gồm cả thủ đô Tokyo và các thành phố lớn, gạo đã trở thành mặt hàng quý hiếm được người tiêu dùng săn lùng hơn bao giờ hết. Người ta lo ngại rằng tình trạng này sẽ còn kéo dài, ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống của toàn xã hội Nhật Bản.
- 28-08-2024Săn Gucci tại Nhật Bản: Trào lưu mới của du khách Trung Quốc trong bối cảnh đồng Yên mất giá
- 27-08-2024Ăn uống kham khổ 15 năm, mua được 3 ngôi nhà ở Nhật Bản
- 26-08-2024'Báu vật quốc gia' bị hỏi mua với giá 5.000 tỷ Yên, Nhật Bản đau đầu không biết nên bán hay giữ
- 20-08-2024Các quỹ đầu cơ đang quay trở lại cổ phiếu Nhật Bản
Mấy tuần nay, tại tất cả các siêu thị, cửa hàng ở Tokyo cũng như nhiều địa phương khác, các kệ bầy gạo luôn trống trơn. Giá gạo tăng cao đến trên 30% mà vẫn không có để mua.
Lý giải cho hiện tượng này, nghành nông nghiệp đưa ra các nguyên nhân như: mất mùa trầm trọng do nắng nóng gây hạn hán và mưa bão gây lũ lụt kéo dài, tình trạng quá tải khách du lịch nước ngoài với hơn 3 triệu lượt khách mỗi tháng dẫn tới lượng tiêu thụ tăng đột biến trên toàn quốc, người dân ở các vùng bị thiên tai và các vùng thuộc đới ảnh hưởng của cảnh báo động đất sóng thần nghiêm trọng tại rãnh Nankai tích trữ lương thực số lượng lớn...
Riêng với lý do thứ ba, truyền thông Nhật Bản đã lên tiếng “trách khéo” Chính phủ và Cơ quan khí tượng đưa ra những cảnh báo khó hiểu, quá mức độ cần thiết, khiến người dân lo ngại, tạo ra làn sóng tích trữ lương thực quá nóng, dẫn tới cầu vượt cung một cách đột ngột.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã phải lên tiếng trấn an dư luận. Bộ trưởng Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản Sakamoto Tetsushi nói: “Sự thật là lượng dự trữ gạo từ tháng 6 vừa qua thấp hơn trung bình hàng năm. Tuy nhiên, để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, chúng tôi đã yêu cầu mua một lượng gạo thích hợp nhằm bình ổn thị trường. Tình hình sẽ được cải thiện. Rất mong người tiêu dùng mua gạo một các phù hợp”.
Trong khi đó, nhiều nông dân – những người trực tiếp sản xuất ra lúa gạo, đã có những hành động thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội, với cộng đồng một cách hoàn toàn tự nguyện mà không cần bất cứ sự can thiệp, động viên nào từ nhà chức trách. Đó là thu hoạch lúa sớm, bất chấp những thiệt hại có thể xảy ra, chỉ mong sao gạo đến với người tiêu dùng nhanh nhất, góp phần giải quyết sự bức xúc hiện nay trong dư luận.
Một nông dân trồng lúa ở Chiba cho biết: “Vì muốn gạo đến được tay người tiêu dùng nhanh nhất có thể, nên từ hôm qua chúng tôi đã phải gặt sớm 1 tuần so với mọi năm. Gặt sớm thế thì lượng thu hoạch sẽ giảm, có thể tới 50%. Riêng hôm qua đã mất khoảng 1 triệu yên rồi. Nhưng để mọi người có đủ gạo ăn, chúng tôi vẫn làm”.
Tuy nhiên, đến tận thời điểm hiện tại và dự báo là đến hết tuần này, tình hình sẽ vẫn chưa được cải thiện.
VOV