MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người đàn ông 49 tuổi đi khám định kỳ 3 tháng một lần nhưng vẫn bỏ sót ung thư gan: Lời khuyên của bác sĩ để dự phòng bệnh và tự bảo vệ sức khỏe, ai cũng cần lưu tâm

11-11-2021 - 10:02 AM | Sống

Người đàn ông 49 tuổi đi khám định kỳ 3 tháng một lần nhưng vẫn bỏ sót ung thư gan: Lời khuyên của bác sĩ để dự phòng bệnh và tự bảo vệ sức khỏe, ai cũng cần lưu tâm

Điều gì làm một người vẫn được cho là khoẻ mạnh, vẫn thăm khám sức khỏe định kỳ lại nhận được cú sốc cuộc đời như vậy?

Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ mắc bệnh gan ở Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới. Phần lớn bệnh nhân sau khi phát hiện xơ gan, ung thư gan chỉ còn sống được từ 1-3 năm. Vì thế, việc bảo vệ và phục hồi tế bào gan cần thực hiện sớm và đúng cách. 

Tuy nhiên, ung thư gan thường không có dấu hiệu điển hình, khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, xâm lấn tới các qua quan khác. Vì thế, hiệu quả điều trị thấp.

Để chẩn đoán bệnh ung thư gan, ngoài khám lâm sàng tỉ mỉ, với các bệnh nhân đã biết rõ hoặc nghi ngờ ung thư gan có biểu hiện tại chỗ hoặc di căn xa thì việc chẩn đoán dễ dàng hơn thông qua các kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp dù thăm khám định kỳ những vẫn bị "bỏ sót" ung thư. Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Ngọc Cương, Trung tâm chẩn đoán hình ảnh và can thiệp Điện Quang, Đại học Y Hà Nội về một trường hợp như vậy:

Khám định kỳ 3 tháng một lần nhưng khối u vẫn bị bỏ sót và lời khuyên của bác sĩ

Chúng tôi vừa nút mạch hoá chất điều trị một bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan của một bệnh nhân nam 49 tuổi, tiền sử xơ gan do virus viêm gan B. Đáng chú ý, bệnh nhân thăm khám rất đều đặn định kỳ 3 tháng một lần nhưng vẫn bỏ sót và khối u chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn.

Tôi xem lại lịch sử thăm khám:

- Tháng 1/2021, tại một bệnh viện ở Hà Nội, bệnh nhân được xét nghiệm máu thấy chất chỉ điểm ung thư gan tăng nhẹ (hình 1). Siêu âm bụng chỉ thấy nhu mô gan thô (hình 2) mà không có khối u nào được phát hiện. Bệnh nhân được hẹn khám lại vào tháng 4.2021.

- Tháng 4/2021: do trở ngại dịch Covid nên bệnh nhân không thể đi khám đúng hẹn.

- Tháng 9/2021: bệnh nhân đến viện chúng tôi khám thấy: một khối u lớn ở trung tâm gan, khối u đã xâm lấn vào tĩnh mạch cửa phải. Không còn khả năng phẫu thuật triệt để. Theo các nghiên cứu, ung thư gan giai đoạn tiến triển thì thời gian sống thêm của bệnh nhân chỉ có thể tính bằng tháng.

Điều gì làm một người vẫn được cho là khoẻ mạnh lại nhận được cú sốc cuộc đời như vậy? Trong khi họ vẫn chăm lo cho sức khoẻ đều đặn định kỳ! Từ tháng 1/2021 liệu đã có khối u gan chưa? Liệu thời điểm đó bác sĩ có bỏ sót khối u gan trên siêu âm?

Để trả lời các câu hỏi này, có một nghiên cứu gần đây về vai trò của siêu âm trong tầm soát phát hiện sớm khối u gan trên nền bệnh nhân xơ gan. Theo đó, những người bị xơ gan được khuyến cáo đi khám bệnh định kỳ để phát hiện ra những khối ung thư từ khi còn kích thước nhỏ. 

Ung thư gan luôn có xu hướng hình thành và phát triển trên nền gan bệnh mạn tính, vì vậy cần định kỳ đi khám để phát hiện sớm các khối u khi kích thước còn nhỏ để có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Theo các nghiên cứu, ung thư gan giai đoạn sớm điều trị triệt để thì 86.2% khỏi hoàn toàn (sống trên 5 năm).

Người đàn ông 49 tuổi đi khám định kỳ 3 tháng một lần nhưng vẫn bỏ sót ung thư gan: Lời khuyên của bác sĩ để dự phòng bệnh và tự bảo vệ sức khỏe, ai cũng cần lưu tâm - Ảnh 1.

1. Liệu có lỗi của bác sĩ?

Vậy khám bệnh định kỳ bằng phương tiện gì? Hai phương tiện đầu tay là xét nghiệm chất chỉ điểm u và siêu âm gan. Chất chỉ điểm u AFP cao trong khoảng 60% các bệnh nhân ung thư gan giai đoạn sớm.

Đáng chú ý, giá trị AFP được coi là cao có ý nghĩa khi nồng độ trên 200 ng/dl. Cùng với xét nghiệm, siêu âm luôn được chỉ định cho các thăm khám ban đầu về gan. Tuy nhiên, trong bệnh lý xơ gan, nhu mô gan nhiều xơ và nhiều các nốt gan tân tạo làm cho khối u khó quan sát thấy. 

Độ nhạy và độ đặc hiệu của siêu âm phát hiện các khối ung thư gan là không cao, thậm chí là thấp: độ nhạy từ 42% đến 60% tuỳ vào nghiên cứu. Gần đây với các máy siêu âm tốt, phối hợp với tiêm thuốc cản âm trong khi siêu âm đã làm cho độ nhạy của siêu âm tăng lên, tuy nhiên nhìn chung là không vượt quá 60% đối với các khối ung thư gan nhỏ.

Trở lại bệnh nhân trên, việc không phát hiện ra khối u thư gan ở thời điểm đầu năm 2021 cũng có thể hiểu được vị độ nhạy của siêu âm không cao.

2. Vậy phát hiện sớm ung thư gan bằng gì?

Cộng hưởng từ là phương tiện tốt nhất để chẩn đoán các khối u ở gan. Tốt hơn nhiều so với siêu âm và chụp CT gan. Cộng hưởng từ cũng rất an toàn, không nhiễm xạ, có thể chụp rất nhiều lần cho bệnh nhân trong quá trình theo dõi bệnh.

Một số nước phát triển đang đề xuất chụp cộng hưởng từ 6 tháng một lần cho các bệnh nhân viêm gan mạn và xơ gan cho đến cuối đời để tránh các bỏ sót đáng tiếc trên siêu âm. Ở Pháp, các bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư gan đang theo dõi và điều trị thì auto chụp cộng hưởng từ gan 3 – 6 tháng một lần nếu không có chống chỉ định chụp cộng hưởng từ.

Tuy nhiên, nhược điểm của cộng hưởng từ là đắt tiền. Vì thế nó không được đưa vào khuyến cáo sàng lọc phát hiện bệnh rộng rãi cho cộng đồng người dân.

Lời khuyên của bác sĩ

 

Người đàn ông 49 tuổi đi khám định kỳ 3 tháng một lần nhưng vẫn bỏ sót ung thư gan: Lời khuyên của bác sĩ để dự phòng bệnh và tự bảo vệ sức khỏe, ai cũng cần lưu tâm - Ảnh 2.

 - Với các bác sĩ siêu âm: khi gặp một bệnh nhân viêm gan mạn hoặc xơ gan, hãy siêu âm tìm kỹ các nốt ở gan, nhất là các nốt giảm âm (hơn 70% ung thư gan giảm âm). Tìm càng kỹ càng tốt. Đừng bao giờ quên xét nghiệm bộ ba chẩn đoán ung thư gan sớm: AFP, PIVKA II, AFP L3. Bất kỳ một chỉ số nào tăng đều nghĩ đến tình huống xấu nhất để tìm kỹ cho bệnh nhân

- Đối với người bệnh gan mạn: Hãy đi siêu âm định kỳ 3 tháng một lần, xét nghiệm chất chỉ điểm theo chỉ định của bác sĩ. Nếu CÓ ĐIỀU KIỆN, hãy chụp cộng hưởng từ gan 6 tháng 1 lần, có ĐIỀU KIỆN HƠN NỮA: 3 tháng một lần. Và hãy "tìm" một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh để "quản lý hình ảnh" của mình nói chung và hình ảnh của gan nói riêng.

Nguồn: BS. Nguyễn Ngọc Cương

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.mdpi.com/2077-0383/10/5/903

2. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22285001/

 

Người đàn ông 49 tuổi đi khám định kỳ 3 tháng một lần nhưng vẫn bỏ sót ung thư gan: Lời khuyên của bác sĩ để dự phòng bệnh và tự bảo vệ sức khỏe, ai cũng cần lưu tâm - Ảnh 3.

Hoàng Lan

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên