Người đàn ông chi 9,4 tỷ đồng mua 6 căn nhà rồi ra nước ngoài, sau 20 năm phát hiện 4/6 căn "có chủ mới": Chủ đầu tư bị cảnh sát gửi giấy triệu tập
Đang mừng rỡ vì BĐS tăng giá sau 20 năm, doanh nhân Trung Quốc lại tá hỏa khi 4 căn biệt thự của mình bỗng nhiên “đổi chủ” lúc nào chẳng hay.
- 08-02-2024Chuyến tàu về quê ăn Tết chưa từng có tại Trung Quốc: Chỉ tiếp hành khách nhỏ tuổi, khiến nhiều người ấm lòng những ngày hồi hương
- 08-02-2024Người đàn ông ra ngân hàng rút tiền, giao dịch viên thấy “biểu hiện lạ” liền báo cảnh sát: Đường dây lừa đảo 18 thành viên bị tóm gọn ngay sau đó
- 08-02-2024Chưa 1 lần được gặp mẹ, tôi luôn trách thầm bố: 20 năm sau biết được sự thật, tôi xin lỗi bố trong nước mắt
Năm 1993, một doanh nhân Trung Quốc họ Tần đã chi 2,76 triệu NDT (tương đương 9,4 tỷ đồng) mua 6 căn biệt thự ở Thượng Hải làm tài sản. Sau khi thực hiện thương vụ lớn này, ông Tần đã ra nước ngoài làm ăn, mở rộng thị trường và phát triển công việc kinh doanh của mình.
Hai mươi năm sau khi việc làm ăn đã trở nên ổn định, ông Tần quyết định trở về Trung Quốc định cư. Nhớ đến 6 căn nhà mình đã mua từ 2 thập kỷ trước, người đàn ông này rất vui mừng khi giá BĐS ở Đại Lục đã tăng vọt sau nhiều năm, vội tới thăm và dự tính sẽ lên kế hoạch cải tạo chúng để chuẩn bị cho cuộc sống lâu dài ở quê nhà.
Tuy nhiên thật không ngờ, khi ông Tần tới kiểm tra, 4/6 căn biệt thự của ông bỗng nhiên xuất hiện chủ mới. Điều này khiến vị doanh nhân này vô cùng hoang mang và tức giận.
Theo Toutiao, khi mua những bất động sản này, ông Tần đã thanh toán đầy đủ không thiếu một xu nào cho chủ đầu tư. Dẫu vậy, do thời gian làm thủ tục chuyển nhượng tài sản mất khá nhiều thời gian nên ông chỉ kịp làm đầy đủ thủ tục chuyển nhượng cho 2/6 căn rồi vội ra nước ngoài.
Ảnh minh họa: Internet
Công việc kinh doanh bận rộn khiến doanh nhân này cũng quên mất việc làm thủ tục chuyển nhượng nốt cho 4 căn nhà còn lại. Dẫu vậy, ông chủ này cũng không quá lo lắng vì “tiền trao cháo múc”. Ông tin rằng bản thân đã mua đứt những BĐS đó thì chắc chắn chúng đã là của mình. Vì thế nên mãi 20 năm sau đó khi quay về Trung Quốc, ông Tần “ngớ người” khi biệt thự của mình đã có người lạ tới ở.
Thấy vậy, ông bối rối hỏi những người đang ở trong nhà của mình: “Sao các anh lại ở đây?” Không ngờ đối phương hỏi ngược lại ông: “Nhà tôi mua, nếu không ở đây thì tôi ở đâu?”
Nói xong, đối phương cũng đưa cho ông Tần giấy chứng nhận sở hữu BĐS. Nhìn thấy tên đối phương ở trên đống giấy tờ nhà đất, ông Tần càng thêm rối bời. Cho rằng chủ đầu tư đã gian lận, bán lại những căn biệt thự của mình cho người khác, ông Tần tức giận và đến gặp họ để làm rõ sự tình. Sau khi trao đổi, chủ đầu tư tức công ty BĐS hứa sẽ bồi thường cho doanh nhân này, tuy nhiên số tiền mà người này trả lại chỉ bằng đúng số tiền mà ông Tần đã bỏ ra mua 4 căn nhà đó vào thời điểm 20 năm trước, tương ứng hơn 1,5 triệu NDT (hơn 5,1 tỷ đồng).
Không đồng tình với phương án giải quyết của chủ đầu tư, ông Tần yêu cầu đối phương trả lại căn nhà nguyên trạng cho mình hoặc chọn phương án bồi thường dựa trên giá nhà ở thời điểm hiện tại. Nghĩ mình sẽ bị thiệt, chủ đầu tư không chấp nhận phương án của ông Tần. Vì không tìm thấy tiếng nói chung trong cuộc thương lượng này, ông Tần đã quyết định kiện chủ đầu tư ra tòa.
Theo Điều 584 Bộ luật dân sự Trung Quốc quy định nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng không đúng thỏa thuận, gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại cho đối phương với số tiền phải bằng mức thiệt hại do vi phạm hợp đồng gây ra, bao gồm cả những lợi ích có được sau khi thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, mức phạt không vượt quá những tổn thất có thể xảy ra mà bên vi phạm đã thấy trước hoặc phải thấy trước khi giao kết hợp đồng.
Ảnh minh họa: Internet
Điều này có nghĩa là nếu chủ đầu tư chỉ đền bù cho ông Tần số tiền bằng với số tiền mà ông đã bỏ ra để mua 4 BĐS vào 20 năm trước thì sẽ không thể bù đắp được những tổn thất mà doanh nhân này phải gánh chịu. Do đó, tòa cấp địa phương xác định công ty bất động sản đã xâm phạm quyền tài sản của ông Tần, gây thiệt hại đến lợi ích của ông nên phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự.
Căn cứ vào tình tiết vụ án và giá nhà hiện tại, tòa án đã ra phán quyết chủ đầu tư phải bồi thường 12,2 triệu NDT (hơn 41 tỷ đồng) cho người mua là ông Tần. Nhận được kết quả, phía chủ đầu tư không đồng tính với phán quyết của tòa, cho rằng việc ông Tần không làm thủ tục chuyển nhượng trước khi ra nước ngoài cũng là một lỗi lớn nên đã làm đơn kháng cáo.
Ở phiên tòa thứ hai, tòa án ra phán quyết chủ đầu tư phải bồi thường 1,5 triệu NDT cho ông Tần. Kết quả này khiến ông Tần không thể chấp nhận được. Cho rằng quyết định của tòa án là không công bằng nên doanh nhân này lại nộp đơn kháng nghị, chỉ rõ phán quyết của tòa án là đang phớt lờ hành vi vi phạm pháp luật của chủ đầu tư. Cuối cùng, tòa án sau khi xem xét lại vụ án này vẫn giữ nguyên phán quyết ban đầu và yêu cầu chủ đầu tư phải bồi thường 12,2 triệu NDT cho ông Tần.
Sự việc này dù đã xảy ra khá lâu nhưng nhiều năm gần đây vẫn được người dân Trung Quốc chia sẻ lại như một lời nhắc nhở, một bài học cho mình. Khi mua nhà, mọi người cần tìm hiểu và thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết để tránh những mâu thuẫn không đáng có, gây mất thời gian, tiền bạc và quyền lợi của mình như trường hợp kể trên. Tìm hiểu kỹ thông tin và có sự hiểu biết về pháp luật cũng chính là cách để chúng ta tự vệ quyền lợi cho mình.
(Theo Toutiao)
Nhịp sống thị trường