Người đàn ông Singapore này đang bỏ công sức dạy người Triều Tiên làm kinh doanh
Năm 2007, See nảy ra ý tưởng dạy người Triều Tiên kinh doanh sau 1 chuyến đi tới Bình Nhưỡng.
- 13-06-2018Một góc nhìn khác về cuộc sống thường ngày ở Triều Tiên
- 12-06-2018Cơ hội đầu tư vào Triều Tiên từ hội nghị thượng đỉnh lịch sử
- 11-06-2018Triều Tiên mong đợi gì từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều?
Năm 2016, Geoffrey See bất chợt bị đánh thức khi đang thiu thiu ngủ trên chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo. Khói tràn vào cabin và hành khách có thể cảm thấy chiếc máy bay đang rơi xuống khá nhanh. Trong khi hành khách hoảng loạn, 1 tiếp viên cố gắng giải thích mọi chuyện đều ổn.
Cuối cùng máy bay đã hạ cánh khẩn cấp. Vài giờ sau, hành khách phải tự tìm kế hoạch di chuyển thay thế cho riêng mình để có thể đi đến nơi cần đến. Họ không được bồi thường hay giải thích cụ thể. Tuy nhiên sự kỳ lạ này không khiến See ngạc nhiên.
Đối với Geoffrey See - người đang điều hành Choson, 1 tổ chức phi lợi nhuận chuyên đào tạo người Triều Tiên các kỹ năng kinh doanh – trải nghiệm này là minh họa cho sự không rõ ràng ở quốc gia bí ẩn nhất thế giới. Đó cũng là những trở ngại mà các nhà đầu tư sẽ phải vượt qua nếu muốn đầu tư vào đây trong bối cảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang muốn cải tổ một trong những nền kinh tế nghèo nhất thế giới.
Năm 2007, See nảy ra ý tưởng dạy người Triều Tiên kinh doanh sau 1 chuyến đi tới Bình Nhưỡng. Theo ông, các quan chức Triều Tiên thường sẽ chỉ đưa cho bạn những thông tin mà họ nghĩ là bạn cần chứ không phải thứ mà bạn đang tìm kiếm. "Điều này sẽ phải thay đổi khi đất nước này mở cửa. Với tình hình hiện nay, Triều Tiên sẽ phải mất một thời gian dài để điều chỉnh cho phù hợp với cách làm ăn của thế giới. Khoảng cách văn hóa ở đây là rất lớn".
Tốt nghiệp Wharton School (trực thuộc ĐH Pennsylvania) và có bằng thạc sĩ ĐH Yale, See "thai nghén" nên Choson Exchange sau khi gặp 1 nữ sinh viên người Triều Tiên muốn bước vào thương trường để chứng minh rằng phụ nữ cũng có thể trở thành những nhà lãnh đạo tốt. Kể từ năm 2009 đến nay, nhóm của ông đã giúp hơn 100 người Triều Tiên đến Singapore để học hỏi về các nền kinh tế phát triển.
Hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim Jong Un đã có cuộc gặp mặt lịch sử, cùng ký vào thỏa thuận chung tuyên bố Triều Tiên sẽ dần tiến tới "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên". Trước đó ông Kim đã phát đi tín hiệu ông đang tìm kiếm 1 thỏa thuận nới lỏng các lệnh cấm vận đang khiến nền kinh tế Triều Tiên kiệt quệ.
Kể cả nếu Triều Tiên được nới lỏng các lệnh cấm vận thương mại và nền kinh tế dần dần mở cửa, vẫn còn rất nhiều thách thức chờ đón các nhà đầu tư tiềm năng. Theo bảng xếp hạng tham nhũng của tổ chức Minh bạch toàn cầu (TI), Triều Tiên là một trong những nước đứng hạng chót. Đất nước này vẫn đang vận hành theo một cơ chế khá cứng nhắc và lạc hậu.
See nhớ lại trong chuyến đi tới Bình Nhưỡng lần đầu tiên năm 2007, cô sinh viên Triều Tiên đã hỏi xin những cuốn sách giáo khoa kinh tế khi ông hỏi cô bé thích thứ gì ở nước ngoài. Ban đầu See nghĩ rằng người Triều Tiên không thích kinh doanh khi sống trong nền kinh tế bao cấp được vận hành bởi Chính phủ chứ không phải thị trường như các nước phương Tây, nhưng tinh thần của những người trẻ tuổi đã khiến ông phải ngạc nhiên.
Năm 2015, Choson Exchange tổ chức chương trình "mini MBA" gửi 11 người Triều Tiên tới Singapore và Malaysia trong 4 tháng. Những người này sau khi trở về quê nhà sẽ điều hành 17 sáng kiến kinh doanh tập trung vào những thứ như hàng hóa tiêu dùng, đồ điện tử gia dụng hay thậm chí xây dựng cả cộng đồng online để các bà mẹ chia sẻ với nhau các ý tưởng và mẹo vặt.
Theo See, các công ty nước ngoài muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Triều Tiên có thể tìm đến các lĩnh vực tiềm năng nhất là bán lẻ tiêu dùng và cơ sở hạ tầng. Ngoài ra còn có nhu cầu về những cách để cải thiện ngành sản xuất và kỹ năng sử dụng công nghệ của Triều Tiên.
Những ngành này sẽ làm đa dạng thêm nền kinh tế Triều Tiên – vốn đang chủ yếu dựa vào ngành khai khoáng. Triều Tiên có trữ lượng lớn than đá, quặng sắt, đá vôi, than chì, đồng, kẽm, chì và các kim loại quý khác, theo 1 ước tính năm 2013 thì có giá trị lên tới 6.000 tỷ USD. Đây cũng là nơi có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, loại khoáng sản rất quan trọng với động cơ xe điện và nhiều thiết bị công nghệ cao khác.
Bên cạnh đó là thị trường vui chơi giải trí vừa chớm nở. Các nhà hàng ăn uống hay các quán karaoke đang ngày càng được nhiều người Triều Tiên ưa chuộng.
See cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài muốn kinh doanh ở Triều Tiên sẽ phải tiếp cận theo hướng dài hạn. Trong thập kỷ trước, dưới thời cha của ông Kim Jong Un, đôi lúc Triều Tiên mở cửa cho các doanh nhân tạo lập doanh nghiệp và thành công nhưng chính sách có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Còn dưới thời ông Kim, Triều Tiên đã nới lỏng quản lý đối với các doanh nghiệp nhưng tiến trình cải cách vẫn rất chậm chạp. Dẫu vậy theo See, người Triều Tiên đang có nhiều niềm tin hơn và kết quả là đang có những doanh nghiệp lớn hơn và sáng tạo hơn nổi lên.