MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người đàn ông tốt nghiệp ĐH Bắc Kinh đi bán thịt lợn: Xây hơn 200 biệt thự tặng đồng hương, cuối cùng lại không dám bước chân về quê vì một lý do

24-07-2024 - 09:05 AM | Sống

Người đàn ông tốt nghiệp ĐH Bắc Kinh đi bán thịt lợn: Xây hơn 200 biệt thự tặng đồng hương, cuối cùng lại không dám bước chân về quê vì một lý do

Một lòng muốn báo đáp cho làng quê sau khi đã trở nên giàu có nhờ nghề bán thịt lợn, tỉ phú tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh không ngờ mình lại phải nhận một gáo nước lạnh từ chính những người đồng hương.

Từ sinh viên đầu tiên của ngôi làng nhỏ thành "người chăn lợn

Trần Sinh xuất thân từ một ngôi làng nhỏ ở Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Lớn lên trong gia cảnh nghèo khó, Trần Sinh luôn cố gắng học tập để mong có cơ hội đổi đời. Mọi nỗ lực cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng, năm 1980, Trần Sinh thi đỗ vào Khoa Kinh Tế của Đại học Bắc Kinh - trường đại học hàng đầu Trung Quốc. Thành tích của ông năm đó đứng đầu huyện và ông cũng trở thành sinh viên đại học đầu tiên của làng.

Vì nhà quá nghèo, mẹ Trần Sinh đã phải gom góp tiền bạc khắp nơi để con trai có thể được đi học. Nghe tin Trần Sinh đỗ vào Đại học Bắc Kinh, dân làng đều hết lời khen ngợi và kêu gọi nhau giúp đỡ cậu học sinh nghèo một phần chi phí. Cảm kích tấm lòng của những người dân làng đã giúp đỡ mình, Trần Sinh quyết tâm học xong sẽ trở về quê hương để báo đáp.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, Trần Sinh đến làm việc tại Văn phòng Thành ủy Quảng Châu. Được một thời gian, cảm thấy công việc nhàm chán và lương quá ít ỏi, ông quyết định từ chức để khởi nghiệp kinh doanh riêng.

Người đàn ông tốt nghiệp ĐH Bắc Kinh đi bán thịt lợn: Xây hơn 200 biệt thự tặng đồng hương, cuối cùng lại không dám bước chân về quê vì một lý do- Ảnh 1.

Trần Sinh trong một lần quay lại Đại học Bắc Kinh diễn thuyết

Trần Sinh khởi đầu con đường kinh doanh của mình bằng những sạp hàng nhỏ ở chợ đêm cho đến thu mua nông sản. Sau khi tích lũy đủ vốn và kinh nghiệm, ông quyết định đầu tư lớn hơn để phát triển thương hiệu đồ uống giấm táo. Khoảng những năm 1993 - 1997, giấm táo được quảng cáo có lợi cho sức khỏe đang là xu hướng ở Trung Quốc. Với mục tiêu rõ ràng và tư duy nhanh nhạy, Trần Sinh nhanh chóng tạo dựng được tên tuổi trên thị trường và thu về khoản lợi nhuận lên đến 2 triệu nhân dân tệ (gần 70 tỉ đồng). 

Không ngủ quên trên chiến thắng, Trần Sinh tiếp tục tìm con đường mới để "tiền đẻ ra tiền". Vì ông hiểu rằng khi qua thời kì mới mẻ và thu hút ban đầu, thị phần và doanh thu của giấm táo cũng sẽ bắt đầu giảm. 

Người đàn ông tốt nghiệp ĐH Bắc Kinh đi bán thịt lợn: Xây hơn 200 biệt thự tặng đồng hương, cuối cùng lại không dám bước chân về quê vì một lý do- Ảnh 2.

Trần Sinh thành công với thương hiệu giấm táo nhờ nắm bắt được xu hướng của thị trường

Năm 2004, Trần Sinh bắt đầu chăn nuôi và buôn bán thịt lợn ở địa phương. Mặc kệ ánh mắt hiếu kì của người đời về việc một cựu sinh viên đại học danh tiếng giờ phải đi bán thịt lợn, ông vẫn kiên trì chọn hướng đi này.

Thời điểm đó, ở thành phố Tây An về phía bắc xa xôi cũng có một cựu sinh viên Đại học Bắc Kinh đang hành nghề bán thịt lợn là Lục Bộ Hiên. Khi danh tiếng của Lục Bộ Hiên ngày càng lan rộng, Trần Sinh mời ông đến Quảng Châu và đề xuất hợp tác mở một doanh nghiệp sản xuất, phân phối thịt. Cuối cùng, hai cựu sinh viên Đại học Bắc Kinh, người Nam kẻ Bắc đã tạo nên được một đế chế thịt lợn thành công và vang danh khắp cả nước. Cư dân mạng Trung Quốc gọi vui họ là hai "đồ tể của Đại học Bắc Kinh".

Người đàn ông tốt nghiệp ĐH Bắc Kinh đi bán thịt lợn: Xây hơn 200 biệt thự tặng đồng hương, cuối cùng lại không dám bước chân về quê vì một lý do- Ảnh 3.

Trần Sinh (phải) và Lục Bộ Hiên, 2 cựu sinh viên Đại học Bắc Kinh làm giàu bằng nghề bán thịt lợn

Hết lòng báo đáp cho quê hương nhưng nhận lại trái đắng

Thành công cũng không quên nguồn cội, sau khi đã trở nên giàu có, Trần Sinh chi 900 triệu nhân dân tệ (hơn 3000 tỉ đồng) để tài trợ cho trường cũ và 200 triệu nhân dân tệ (gần 700 tỉ đồng) để xây dựng quê hương. 

Không chỉ xây hơn 200 căn biệt thự khang trang cho dân làng, ông còn dạy mọi người cách nuôi lợn và trồng vải để phát triển kinh tế. Đặc biệt, Trần Sinh còn đích thân trả tiền xây dựng trang trại chăn nuôi lợn cho người dân. Ông tuyên bố nếu lợn mà họ nuôi không bán được, ông sẽ thu mua về doanh nghiệp của mình.

Người đàn ông tốt nghiệp ĐH Bắc Kinh đi bán thịt lợn: Xây hơn 200 biệt thự tặng đồng hương, cuối cùng lại không dám bước chân về quê vì một lý do- Ảnh 4.
Người đàn ông tốt nghiệp ĐH Bắc Kinh đi bán thịt lợn: Xây hơn 200 biệt thự tặng đồng hương, cuối cùng lại không dám bước chân về quê vì một lý do- Ảnh 5.
Người đàn ông tốt nghiệp ĐH Bắc Kinh đi bán thịt lợn: Xây hơn 200 biệt thự tặng đồng hương, cuối cùng lại không dám bước chân về quê vì một lý do- Ảnh 6.

Hơn 200 căn biệt thự khang trang mà Trần Sinh xây cho người dân ở quê hương

Tuy nhiên, Trần Sinh không ngờ được rằng sự cống hiến hết mình cho quê hương của bản thân lại nảy sinh nhiều rắc rối đến vậy.

Để xây dựng các biệt thự đồng nhất, bắt buộc phải dỡ bỏ toàn bộ những ngôi nhà cũ và quy hoạch lại đường sá trong làng. Cũng từ đây, mâu thuẫn bắt đầu phát sinh.

Do địa hình làng của Trần Sinh không bằng phẳng, diện tích đất của các hộ gia đình không đồng đều, nên nhiều người dân cho rằng họ phải được cấp nhiều căn nhà hơn so với hộ gia đình khác. Ngoài ra, có người còn lấy lý do con cái phải kết hôn, gia đình có nhiều người già làm cái cớ để đòi Trần Sinh cấp thêm nhà.

Người đàn ông tốt nghiệp ĐH Bắc Kinh đi bán thịt lợn: Xây hơn 200 biệt thự tặng đồng hương, cuối cùng lại không dám bước chân về quê vì một lý do- Ảnh 7.

Ngôi làng của Trần Sinh trước khi được cải tạo

Những đòi hỏi này khiến việc xây dựng biệt thự liên tục bị trì hoãn, mâu thuẫn trong làng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Thậm chí, người dân trong làng còn chuyển qua trách cứ và đổ lỗi cho Trần Sinh. Khi câu chuyện này được nhật báo Thanh Niên Bắc Kinh đăng tải, ngay cả Lưu Cường Đông, người sáng lập nền tảng thương mại điện tử JD.com, cũng thấy bất bình và lên tiếng đứng về phía Trần Sinh trên mạng xã hội.

Cuối cùng, chính quyền Trạm Giang phải đứng ra xử lý và tạm thời cho phép dân làng chuyển đến các căn biệt thự. Nhưng dù vậy, cuộc cãi vã và tranh giành giữa họ vẫn chưa thể đi đến hồi kết.

Về phía Trần Sinh, ông quay lại tập trung vào công việc kinh doanh của mình. Nhưng theo nhật báo Thanh Niên Bắc Kinh, cũng từ khi xảy ra mâu thuẫn, đã hơn 2 năm Trần Sinh không về quê ăn Tết. Người con bước ra từ làng quê nghèo ở Quảng Đông ngày ấy giờ đã thành công, nhưng thật đáng buồn, ông lại không còn dám trở về quê hương của chính mình nữa.

Nguyên An

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên