MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dân "thắt lưng buộc bụng" để lấy tiền mua kit test Covid-19, chưa là F0 cũng mất tiền triệu mỗi tháng

24-02-2022 - 08:52 AM | Thị trường

Người dân "thắt lưng buộc bụng" để lấy tiền mua kit test Covid-19, chưa là F0 cũng mất tiền triệu mỗi tháng

Người dân không khỏi "than trời" bởi khoản chi phí khá lớn bỏ ra để xét nghiệm COVID-19 cũng như phòng ngừa dịch bệnh mỗi ngày cho chính bản thân và người thân.

Mỗi ngày, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội vẫn không ngừng tăng lên. Rất nhiều người tốn một khoản tiền khá lớn trong việc điều trị cũng như phòng ngừa COVID-19. Trong đó, khoản chi lớn nhất có lẽ dành cho việc test COVID-19 qua kit test nhanh được bán trên thị trường hoặc test PCR tại các cơ sở y tế.

Mất tiền triệu để phòng dịch dù chưa là F0

Chị Nguyễn Thanh Oanh (27 tuổi, NVVP, Hà Nội) cho hay, bản thân dù chưa từng là F0 nhưng từ đầu năm đến giờ bản thân đã chi một số tiền khá lớn cho việc mua kit test nhanh COVID-19:

"Mình đã mua khoảng gần 20 kit test nhanh, nếu tính giá thị trường hiện tại vào khoảng gần 2 triệu đồng. Do văn phòng công ty mình khá nhiều trường hợp mắc COVID-19 và mình cũng có tiếp xúc gần nên công ty vẫn yêu cầu báo cáo tình hình sức khỏe thông qua việc test nhanh 1 lần 1 ngày.

May mắn công ty cũng đã hỗ trợ phần nào chi phí cho việc test nhanh này nên mình cũng bớt phần nào gánh nặng đối với vấn đề tài chính khi mua kit test. Chứ nhiều lúc nghĩ mà cũng xót, tiền bỏ vào mấy cái này có khi còn nhiều hơn tiền ăn trong ngày ấy chứ. Nhưng không làm thì không được."

Người dân thắt lưng buộc bụng để lấy tiền mua kit test Covid-19, chưa là F0 cũng mất tiền triệu mỗi tháng - Ảnh 1.

Nhiều người vẫn phải gửi kết quả xét nghiệm nhanh COVID-19 tới công ty mỗi ngày

Không chỉ chi phí dành cho việc test nhanh, chị Thanh Oanh cũng đã mua về khá nhiều loại cồn, dung dịch sát khuẩn, xông hơi trong nhà... để phòng tránh dịch bệnh cũng như một số thực phẩm tăng cường sức khỏe trong mùa dịch:

"Những vật dụng chống dịch này gần đây cũng lên giá khá nhiều so với trước kia. Mình phải xếp hàng chờ khá lâu mới có thể mua được. Những người đến hiệu thuốc mua cũng đều mua với số lượng khá lớn."

Tương tự tâm lý "phòng bệnh hơn chữa bệnh" của chị Oanh, anh Phạm Quang Quý (Quảng Ninh) chia sẻ bản thân cũng đã chi khá nhiều tiền cho việc mua kit test cũng như khẩu trang y tế, nước rửa tay, xịt khử khuẩn... trong nhà:

"Dù giờ hầu như mọi người đều đã tiêm đủ 3 mũi vaccine nhưng số lượng người nhiễm vẫn khá cao nên mình cũng khá lo lắng cho gia đình. Vì sức khỏe mỗi người một khác nên không thể coi thường được, cứ mua về phòng trước đã. Đi đâu về mình cũng nhắc mọi người trong nhà khử khuẩn cẩn thận. 

Người dân thắt lưng buộc bụng để lấy tiền mua kit test Covid-19, chưa là F0 cũng mất tiền triệu mỗi tháng - Ảnh 2.

Những sản phẩm khử khuẩn, phòng chống COVID-19 hiện đã trở thành "vật bất ly thân" của nhiều người

Trước mình thường dùng khẩu trang 1 lần nhưng thấy khá lãng phí và không bảo vệ môi trường nếu cứ dùng 1 lần rồi bỏ đi, mà giữ lại cũng không an toàn nên gia đình mình đã chuyển sang dùng khẩu trang vải. Hiện tại cũng có nhiều loại khẩu trang vải khá tiện lợi, khô nhanh nên chỉ cần mua 2 3 chiếc về thay phiên nhau dùng mỗi ngày là được, cũng được quảng cáo khá an toàn."

Anh Quý cũng cho biết thêm, mỗi phòng trong gia đình anh đều đặt thêm một bình xông nhỏ và luôn mở cả ngày. Một phần vì thời tiết nồm ẩm gần đây, một phần vì anh cũng xem nhiều thông tin trên các phương tiện truyền thông về việc có thể "diệt" virus nhờ xông hơi trong nhà: "Tốn tiền thì cũng nhiều đấy nhưng đành chịu vậy thôi."

Chưa kể, hiện tại, do số lượng F0 tăng mạnh nên mỗi khi vợ chồng anh đi làm đều rất dễ tiếp xúc với các F0, F1, bởi vậy, lúc nào nhà anh cũng phải tích trữ các bộ kit test Covid-19 để dùng mỗi khi cần. Với tất cả các sản phẩm phòng chống dịch này, gia đình anh Quý mỗi tháng tốn không ít tiền.

"Thắt lưng buộc bụng" để lấy tiền xét nghiệm, mua thuốc điều trị còn không tốn bằng

Những người chưa trở thành F0 đã vậy, những người đang điều trị lại càng tốn kém.

Sống chung cùng 1 người bạn ở phòng trọ, anh Lê Tuấn Anh (NVVP, Hà Nội) không may lây bệnh từ bạn mình. Anh Thế Anh cho biết, anh và bạn mình trong khoảng thời gian mắc COVID-19 đã mất khá nhiều tiền trong việc test cũng như điều trị bệnh.

Thậm chí đến sau khi khỏi bệnh vẫn mất tiền mua khá nhiều loại thuốc cũng như thực phẩm để phục hồi sức khỏe hậu COVID-19.

"Trước lúc nhiễm mình cũng đã mất khá nhiều tiền mua kit test nhanh để đảm bảo an toàn sức khỏe khi làm việc theo yêu cầu của công ty rồi, vì tính chất công việc mình phải tiếp xúc với nhiều người. 

Đến khi bạn cùng phòng trở thành F0 mình, cộng thêm việc bản thân đã xuất hiện triệu chứng thì mình mới đi xét nghiệm PCR - Real time và được xác nhận là đã mắc bệnh. Những ngày sau, chúng mình cũng sốt ruột, nên sau vài ngày điều trị tại nhà, chúng mình thường thử test nhanh xem đã âm tính chưa. Tổng số tiền những lần mình test PCR vào khoảng 2 triệu đồng, còn kit test nhanh khoảng 700.000 - 800.000 VNĐ.

Trong quá trình điều trị hầu như ngày nào mình và bạn cũng xông hơi bằng gừng, chanh, xả... như mọi người vẫn bảo. May mắn hai đứa đều không bị nặng do còn trẻ và đã tiêm vaccine nên chỉ mắc triệu chứng nào thì mình chữa triệu chứng đó. Thuốc thì mình tự nhờ bạn bè mua rồi mang đến cổng. Tiền thuốc điều trị lại không tốn lắm."

Anh Tuấn Anh cũng cho biết, dù giờ đã khỏe nhưng việc test COVID-19 vẫn là việc anh phải làm mỗi ngày "như cơm bữa" để tiếp tục công việc của mình: "2 tháng nay ngày nào mình cũng test đều như vắt chanh, cả công ty mình đều vậy. Giá mua rẻ nhất là 50.000/bộ, đều là nhân viên tự mình chi trả chứ công ty cũng không hỗ trợ được. 

"Như vậy tổng chi phí mình bỏ ra chỉ để xét nghiệm đã lên đến 6 triệu chỉ trong thời gian ngắn từ lúc mình nhiễm bệnh đến giờ. Đúng là bớt ăn bớt mặc để xét nghiệm. Đó là chưa tính chi phí thuốc thang, khử khuẩn..."

Dù biết việc chi tiêu cho những vật phẩm y tế để điều trị cũng như phòng chống bệnh dịch là điều cần thiết, tuy nhiên, nhiều người vẫn không khỏi "xót ruột" trước số tiền quá lớn phải chi trả. Các chuyên gia cũng đã đưa ra những lời khuyên và lưu ý về việc sử dụng kit test nhanh cũng như các biện pháp phòng tránh dịch hiệu quả đối với người dân nhằm tránh tình trạng lãng phí một cách không cần thiết.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 23/2, Bộ Y tế đề nghị người dân cần nghiên cứu, liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn chi tiết, tránh việc mua và sử dụng kit test khi chưa có nhu cầu, gây lãng phí không cần thiết, ảnh hưởng đến thị trường.

Theo Phạm Trang

Doanh nghiệp & Tiếp thị

Trở lên trên