MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dân TP.HCM “khóc ròng” trong chung cư cũ nát

31-07-2019 - 19:08 PM | Bất động sản

Tình trạng người mua chung cư sau thời gian sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng. Thế nhưng, việc cải tạo lại gặp nhiều khó khăn do sự bất hợp tác của chủ đầu tư, người dân cũng khó đồng lòng để tìm ra phương án sửa chữa hợp lý.

Dân “dở khóc dở cười” trong chung cư cũ

Bên cạnh những tòa nhà chọc trời, những chung cư mới được xây dựng khang trang tạo nên cảnh quan rực rỡ cho đô thị thì người đi đường rất dễ bắt gặp những khu nhà chung cư cũ nát, xuống cấp trầm trọng. Thậm chí, có những nơi ô nhiễm nặng vì không được xử lý vệ sinh triệt để.

Điển hình như tại chung cư Tôn Thất Thuyết (Q.4), cư dân ở đây phải sống trong cảnh xập xệ, không an toàn. Phía trong chung cư nhiều mảng tường cũ nát đã bị bong tróc, rỉ nước, rêu bám thành mảng loang lổ, trên các trần tường, dọc hành lang dây điện, dây cáp chằng chịt khắp nơi. Cột nhà thì nứt, trụ sắt đỡ thì bị hoen gỉ, bờ tường, trần nhà bị nứt toác cả vệt dài được người dân trám tạm bợ bằng xi măng.

Người dân TP.HCM “khóc ròng” trong chung cư cũ nát - Ảnh 1.

Nhiều người dân Tp.HCM rơi vào cảnh đi không được, ở không xong do chung cư đang ở ngày càng xuống cấp trầm trọng

Một chung cư khác tại 137 Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đây là khối nhà gồm tầng trệt, 2 lầu, mái tôn, được xây dựng trước năm 1975. Hiện tại, chung cư này đã xuống cấp nghiêm trọng, khiến cư dân luôn sống trong nơm nớp, lo sợ. Theo bà Liên, một hộ dân đang sinh sống tại đây, do chung cư về lâu không được bảo trì nên trời mua nước nhiều khi thấm xuống cả hành lang khiến nhiều người trơn trượt.

Căn hộ của gia đình cụ H (76 tuổi) tại tầng trệt, rộng 35m² đã xuống cấp nghiêm trọng. Xung quanh tường ẩm mốc, trần nhà thấm dột dù trời khô ráo. Hành lang thoát hiểm phía sau nhà cụ bị những hộ xung quanh xây bít lại. Được biết, cụ H mua căn hộ này của người quen từ năm 1989 và sinh sống từ đó cho đến nay. Mặc dù căn hộ của cụ đã xuống cấp lắm rồi, nhưng cả gia đình vẫn bám trụ ở đây vì chưa có điều kiện để di dời.

Khổ sở hơn là là tại căn hộ 137/108 rộng 20m², là nơi sinh sống của 5 người trong gia đình chị Nguyễn Thị Bé Hai. Nước sinh hoạt của hộ dân phía trên đọng, chảy rỉ rả cả ngày đêm và mùi hôi từ nước, nấm mốc bốc nồng nặc. Nhiều chỗ trên trần nhà, bê tông bong tróc lộ cả cốt thép hoen gỉ. Chị Hai cho biết từ lâu cả nhà đã khát khao chuyển đến chỗ ở mới nhưng ngặt nỗi giờ nhà cũ bán không ai mua, do đó vẫn phải chấp nhận sống tạm bợ.

Cùng cảnh ngộ, chung cư Nguyễn Thiện Thuật (Q.3), là một trong những chung cư cũ nát, xuống cấp với dây điện chằng chịt như tổ nhện, bên trong cầu thang tối tăm, sứt mẻ, tường bị thấm nước mốc xanh. Đáng ngại hơn là chung cư đang từng ngày rệu rã, nhiều cư dân ở chung cư này lo lắng trước nguy cơ trần nhà lở bê tông rơi xuống, do vôi vữa quá cũ nát. “Nhiều lúc chúng tôi cũng thấy sợ, nếu không may vôi vữa, bê tông rơi xuống trúng người thì thế nào cũng thương tích, nhưng vì sinh sống và làm việc ở đây quen rồi nên không muốn dời đi”, Chị Loan, một cư dân ở đây cho biết.

Hay chung cư Vĩnh Hội (Q.4) gồm 3 lô với 244 căn, được xây dựng trước năm 1975. Nền của khu vực để xe thì chỗ cao, chỗ thấp và gập ghềnh đá, lối lên cầu thang tối tăm, hôi rình bởi nước rác rỉ ra ngấm đen cả bậc thang. Nhiều nơi, thanh giằng ở ban công đã tách rời với cây cột, có nguy cơ gãy đổ bất cứ lúc nào.

Cải tạo là câu chuyện dài

Tình trạng chung cư cũ nát là vấn đề nhức nhối gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân và cảnh quan đô thị. Vấn đề này cũng đã được đưa ra họp bàn nhiều lần trong các hội nghị của UBND thành phố. Tuy nhiên, việc cải tạo lại gặp nhiều khó khăn.

Con số thống kê của Sở Xây dựng Tp.HCM, trên địa bàn TP hiện có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, tập trung ở các quận: 1, 10, 3, 5, 4. Hầu hết các chung cư này đều bị xuống cấp, trong đó có nhiều chung cư nguy cơ sụp đổ cao. Các chung cư trên được kiểm định là hư hỏng nặng, nguy hiểm, với tỷ lệ chất lượng còn lại nhỏ hơn 55% và xếp loại nguy hiểm cấp D - cấp độ nguy hiểm cao nhất.

Theo kế hoạch đến năm 2020, Tp.HCM phải giải quyết 50% trong số 474 cũ đó. Tuy nhiên với tình hình hiện tại thì khó có thể đạt được mục tiêu đề ra bởi trong vòng 10 năm qua thành phố mới tháo dỡ được 32 chung cư cũ, còn việc cải tạo diễn ra rất chậm. Nhiều đơn vị đầu tư đăng ký dự án nhưng rồi vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Theo một số doanh nghiệp, những chung cư cũ về cơ bản kiến trúc đã cũ, mặt bằng xuống cấp nên không còn bắt mắt, thậm chí còn bộc lộ nhiều vấn đề về độ an toàn nên ngày càng mất giá. Một khi chung cư đã mất giá thì không có ai quan tâm sửa chữa dẫn đến tình trạng xuống cấp ngày càng nặng, khổ nhất vẫn là người dân.

Về nguyên nhân triển khai cải tạo, xây mới các dự án chung cư cũ chậm, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng, do phần lớn chung cư cũ có diện tích đất nhỏ nhưng dân số lại đông nên rất khó sinh lời. Đặc biệt, vướng mắc lớn nhất của chủ đầu tư trong việc cải tạo chung cư cũ là công tác thỏa thuận đền bù, tái định cư giữa doanh nghiệp với người dân. Có rất nhiều hộ dân, dù nhà sắp sập nhưng lại đòi hỏi quá đáng nên dự án bị bế tắc.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) cho rằng, công việc khó khăn nhất trong việc cải tạo chung cư cũ là phải di dời, tái định cư cho người dân để có mặt bằng thi công dự án. Để tạo được sự đồng thuận khi cải tạo chung cư cũ, người dân cần biết vị trí căn hộ tái định cư tại chỗ, chi phí phát sinh phải tính mức giá như thế nào đối với diện tích lớn hơn.

Theo các chuyên gia BĐS, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc cải tạo chung cư cũ, chính quyền phải có cơ chế chính sách để cân đối giữa quyền lợi của nhà đầu tư và người dân, nên xây dựng cơ chế mở để cho nhà đầu tư tự căn cứ theo khung chính sách và tự thỏa thuận với người dân. Nghiên cứu cho phép thiết lập các chỉ tiêu quy hoạch mềm dẻo, trên cơ sở đánh giá rõ áp lực công trình sau khi cải tạo đối với hạ tầng giao thông, môi trường đô thị, đồng thời tăng tính hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Trường Minh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên