MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dân Trung Quốc đua nhau lập di chúc

16-12-2018 - 10:35 AM | Tài chính quốc tế

Theo văn hóa truyền thống Trung Quốc, lập di chúc khi đang sống khỏe mạnh là điều cấm kỵ; thế nhưng hiện nay người ta lại xếp hàng để lập di chúc, lịch hẹn làm thủ tục đăng ký lập di chúc hiện đã kín tới tận tháng 12/2019, trong đó không ít khách hàng còn đang ở độ tuổi thanh niên!

Đăng ký chờ cả năm

Tại ngôi nhà số 73, ngõ Dân Thương, Tây Giao, Bắc Kinh, từ sáng sớm đã tấp nập đám đông mà phần lớn là người từ 60 tuổi trở lên. Họ xếp hàng nhận mẫu biểu khai và nhẫn nại lắng nghe tư vấn. Điều họ cần làm là lập và công chứng bản di chúc của bản thân. Những người điền xong, giao mẫu biểu cho nhân viên, nhận lại giấy hẹn và được thông báo: do hiện nay rất đông người chờ đợi nên phải 13 tháng sau mới đến lượt họ quay lại làm thủ tục công chứng di chúc.

Xếp hàng làm di chúc không phải là điều mới mẻ ở đây. Năm 2013, Quỹ phát triển sự nghiệp người cao tuổi và Quỹ sức khỏe người già Dương Quang, Bắc Kinh đã mở Trung tâm số 1, Kho di chúc Trung Hoa triển khai tư vấn, đăng ký, bảo quản di chúc miễn phí cho những người từ 60 tuổi trở lên, 3 ngày đầu đã có hơn 600 người, 1 tháng đầu đã có hơn 8.000 người tới đăng ký. Khi đó sáng ra đã có cả trăm người xếp hàng, đến mức có những người quá sốt ruột, nghi có tiêu cực đã gọi điện phản ảnh lên ông thị trưởng Bắc Kinh.

Lập di chúc hiện đã trở thành một xu thế “thời thượng” ở Trung Quốc. Tại Trung tâm đăng ký số 1 của Kho di chúc Trung Hoa ở Bắc Kinh đã có hơn 7.500 người đăng ký ghi tên đặt lịch hẹn đến để lập di chúc. Một số người phải chờ hơn 1 năm mới gặp được công chứng viên.

Theo số liệu của Trung tâm, từ 2013 đến 2017, có tới 64% số khách hàng vì vấn đề sức khỏe yếu mà không thể lập di chúc được; chính vì nguyên nhân này mà những người già ở Bắc Kinh tư tưởng rất cởi mở trong vấn đề lập di chúc; một số người đã tới Trung tâm xếp hàng để chờ ghi tên đăng ký; dự kiến số người đặt lịch trước đã tới tận tháng 12/2019. Theo Sách Trắng về Kho di chúc Trung Hoa 2013-2017 thì trong 5 năm đã có 110 ngàn người đến đây tư vấn và giải quyết các vấn đề liên quan đến di chúc, đã có hơn 80 ngàn bản di chúc đã được đăng ký, bảo quản.

Thanh niên cũng lập di chúc

Không chỉ những người già, những người trẻ tuổi cũng đi lập di chúc. Tâm lý kị húy lập di chúc đã thay đổi. Ông Lý Tông Dũng, công chứng viên một phòng công chứng ở Bắc Kinh nói: số người trên 30 tuổi đến lập di chúc năm nay đã tăng 30% so với năm ngoái. Qua nghiên cứu thấy có lẽ nguyên nhân quan trọng khiến những người trẻ này đi lập di chúc là do hoàn cảnh của cha mẹ; ngày càng nhiều người trẻ lập di chúc cho đối tượng hưởng lợi là cha mẹ, họ dành nhà cửa, tài sản cho cha mẹ thay vì những người thân khác. Một nguyên nhân khác khiến những người trẻ đi lập di chúc là cường độ làm việc gây nên áp lực quá lớn; họ lo ngại nếu chẳng may đột tử thì việc phân chia tài sản sẽ không được bảo đảm.

Theo báo điện tử Chiết Giang (Zhejiang online), trong số những người tìm đến các văn phòng công chứng lập di chúc, có cả những người thuộc thế hệ 8X, 9X; còn ở Tích Thành, thậm chí đã xuất hiện cả người sinh năm 1997 đến lập di chúc. Cô bé 22 tuổi này do du học dài ngày ở nước ngoài đã đến lập di chúc, trong đó ghi rõ để lại nhà cho ai nếu mình “có chuyện không may”. Đây là người lập di chúc trẻ nhất ở Văn phòng công chứng Tích Thành.

Qua tìm hiểu tại Văn phòng công chứng Tích Thành, năm 2017 ở đây đã công chứng hơn 1.200 trường hợp lập di chúc, trong đó số người trong độ tuổi từ 30 đến 60 chiếm 1/3. Số người đi lập di chúc đang có xu hướng trẻ hóa với tỷ lệ ngày càng tăng.

Thực ra, việc những người 8X, 9X đi lập di chúc không phải là chuyện mới mẻ. Hiện nay những người trẻ tuổi này trình độ văn hóa cao, ý thức pháp luật mạnh, khi thấy bạn bè hay đồng sự gặp sự cố thương vong bất ngờ, đồng thời với việc thương cảm, còn cảm thấy vấn đề tài sản cá nhân của mình nếu không may gặp rủi ro cũng cần phải xử lý, từ đó nảy sinh ý nghĩ đi lập di chúc. Điều này dẫn đến chuyện người đi lập di chúc quá đông, phải đợi cả năm trời mới tới lượt.

Đối với những người thuộc thế hệ 8X, 9X, những tài sản ảo như tài khoản Alipay, Taobao, ví Wechat... cũng nằm trong phạm vi di sản cần công chứng. “Dân pháp tổng tắc” (Quy tắc chung luật dân sự) thực thi từ ngày 1/10/2017 đã chính thức coi tài sản ảo là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ và cũng được thừa kế.

Hiện nay, nhiều người coi di chúc là “Di ngôn hạnh phúc”. Có người nói, đối với con cái, di chúc là “lần nghe theo lời cha mẹ cuối cùng”; mọi người ngày càng gắn di chúc với tình yêu thương và trách nhiệm.

Người dân Trung Quốc đua nhau lập di chúc - Ảnh 1.

Văn bản di chúc được Kho di chúc Trung Hoa đăng ký

Theo Lan Hương

Tiền Phong

Trở lên trên