Người dân và doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại tác dụng ngược của việc tăng lương
Thực hiện quyết định của chính phủ, các địa phương trong nước của Nhật Bản bắt đầu triển khai việc tăng mức lương tối thiểu cho người lao động, với hy vọng sẽ góp phần cải thiện đời sống của người dân. Tuy nhiên, ngay giai đoạn ban đầu đã xuất hiện nhiều tác dụng ngược của chính sách.
- 13-10-2024Giải Nobel Hòa bình 2024 vinh danh nhóm nạn nhân sống sót sau vụ ném bom nguyên tử ở Nhật Bản
- 13-10-2024Tokyo “tuyên chiến” với những vị khách khó chịu, giáng đòn mạnh vào câu thần chú “khách hàng là thượng đế” vốn ám ảnh các doanh nghiệp Nhật Bản
- 09-10-2024Số lượng doanh nghiệp phá sản ở Nhật Bản tăng kỷ lục
Bước vào tháng 10 này, hàng loạt các địa phương của Nhật Bản đã công bố lộ trình và mức tăng lương cho người lao động. Theo đó, từ hôm nay (13/10), tất cả các địa phương, bắt đầu từ thủ đô Tokyo, đều áp dụng mức lương mới cao hơn mức quy định 1.050 yên/giờ. Trong đó, Tokyo áp dụng mức cao nhất với 1.163 Yên, tiếp theo là Osaka với 1.114 Yên. Chính phủ và chính quyền các địa phương của Nhật Bản hy vọng, chính sách này sẽ góp cải thiện đáng kể đời sống của người dân trong bối cảnh vật giá leo thang không cản nổi như hiện nay. Tuy nhiên, ngay từ giai đoạn ban đầu, đã xuất hiện nhiều tác dụng phụ, thậm chí cả tác dụng ngược của chính sách.
Chị Hashimoto Saeko – một người làm công ăn lương ở Tokyo chia sẻ: “Cho dù có được tăng lương với mức như hiện nay, cũng chưa đuổi kịp được mức tăng của giá cả. Tới đây, gia đình tôi chắc vẫn sẽ chịu nhiều khó khăn như hiện nay. Điều tôi lo nhất là sẽ không thể chăm lo cho mẹ già được”.
Mức tăng lương hiện nay, ngoài việc chưa đủ để giải quyết cơ bản những khó khăn của người dân, còn gây áp lực lớn cho doanh nghiệp, vì giá nhân công tăng cao sẽ kéo theo giá thành sản phẩm bị đội lên vượt ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp. Ông Suzuki Yosahide – chủ một chuỗi nhà hàng ở Tokyo cho biết, để tăng lương cho người lao động, doanh nghiệp của ông buộc phải tăng giá sản phẩm và dịch vụ thêm 10% nữa, và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp.
“Càng ngày càng khó khăn hơn. Đó là thực tế hiện nay. Nếu tôi cứ tiếp tục tăng giá, chắc chắn sẽ mất khách, còn nếu cứ duy trì như hiện nay, không biết sẽ kéo dài được bao nhiêu lâu. Đành chỉ cố gắng vậy thôi”.
Các chuyên gia kinh tế cũng lên tiếng cảnh báo về những tác dụng ngược của chính sách tăng lương hiện nay, không chỉ đối với doanh nghiệp, mà còn đối với cả nền kinh tế nói chung.
Ông Takahashi Teruaki – chuyên gia chính sách công và chế độ tiền lương nêu ý kiến: “Việc tăng lương có thể giúp cải thiện được phần nào đời sống của một nhóm người làm công ăn lương. Tuy nhiên, lại dẫn đến nguy cơ làm mất việc làm của những người có thu nhập thấp. Theo tôi, trước khi đưa ra chính sách, cần cân nhắc thận trọng về ảnh hưởng của nó đối với lao động – việc làm và vật giá”.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu không làm cân bằng được mối quan hệ giữa giá – lương – tiền, việc tăng lương sẽ phá vỡ mối tương quan và sự cân bằng của chính sách, theo đó, sẽ tạo ra nhiều tác dụng phụ hơn nữa cho an sinh xã hội của Nhật Bản.
VOV