Người dùng Internet liệu có bị đánh cắp thông tin khi truy cập các trang phim người lớn kể cả khi ẩn danh hay không?
Phần lớn người dùng Internet vẫn mặc định rằng, khi sử dụng chế độ ẩn danh, thông tin của họ sẽ được an toàn, không ai biết họ là ai và đang làm gì. Tuy nhiên, trên thực tế, chế độ ẩn danh không an toàn như nhiều người vẫn lầm tưởng.
- 10-04-2022Hiếu PC cảnh báo những vấn đề nguy hiểm có thể xảy ra khi mọi người đăng tải ảnh CCCD/CMND lên mạng
- 06-04-2022Có bao nhiêu người sẵn sàng chi tiền mua NFT hình các ông Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng?
- 06-04-2022Top 5 tỷ phú giàu nhất mảng tiền mã hóa, có 2 người từng thắng kiện Facebook 65 triệu USD và mang đi... mua Bitcoin
Ẩn danh có thật sự an toàn hay không?
Việc đảm bảo riêng tư, an toàn cho người dùng phần mềm công nghệ luôn là vấn đề được coi trọng. Một trong những giải pháp được nhiều trình duyệt áp dụng chính là sử dụng chế độ ẩn danh.
Vậy chế độ ẩn danh là gì? Chế độ ẩn danh (Incognito mode) được hiểu là chế độ giúp ẩn đi thông tin người dùng, không lưu giữ lịch sử duyệt web cũng như dữ liệu cookie trên thiết bị sau khi đóng cửa sổ trình duyệt.
Như vậy, người khác sẽ không thể tìm được thông tin về quá trình duyệt web trước đó khi họ dùng thiết bị của một người và truy cập lịch sử trình duyệt.
Hiện nay, hầu hết các trình duyệt như Google Chrome, Firefox, Opera, Internet Explorer, Microsoft Edge, Safari,… đều cung cấp chế độ ẩn danh.
Tuy nhiên, đa phần người dùng vẫn mặc định rằng, khi sử dụng chế độ ẩn danh, thông tin của họ sẽ được an toàn, sẽ không ai biết họ là ai và đang làm gì. Vì niềm tin vào mức độ an toàn đó, khi sử dụng chế độ ẩn danh, họ sẽ thoải mái truy cập vào các trang web không an toàn như nạp thẻ điện thoại, đăng kí game, xem phim trực tuyến hay thậm chí là phim người lớn.
Thêm vào đó, khi sử dụng chế độ ẩn danh, người dùng có thể đăng nhập vào hai tài khoản cùng lúc trên một trang web. Tuy nhiên, với những lợi ích đó, liệu chế độ ẩn danh có thật sự thần thánh như mọi người vẫn nghĩ?
Trên thực tế, chế độ ẩn danh không an toàn như nhiều người vẫn lầm tưởng. Chế độ này chỉ ngăn trình duyệt lưu lịch sử duyệt web, cookies, dữ liệu trang web hay thông tin điền biểu mẫu. Google cũng cảnh báo người dùng khi sử dụng ẩn danh rằng "hoạt động của bạn không bị giấu trước các website đang truy cập, nhà tuyển dụng, trường học hay nhà cung cấp dịch vụ Internet".
Thậm chí, trình duyệt vẫn có thể thu thập một số dữ liệu nhất định và người dùng hoàn toàn có thể đối mặt với việc bị lộ thông tin. Bằng chứng rõ ràng cho việc này là đầu năm 2021, "gã khổng lồ công nghệ" Google đã thất bại trong vụ kiện cáo buộc hãng bí mật thu thập dữ liệu Internet ngay cả khi họ dùng trình duyệt ở chế độ ẩn danh để giữ bí mật hoạt động tìm kiếm.
Cụ thể, đơn khiếu nại cho biết: "Google biết bạn bè của bạn là ai, sở thích của bạn là gì, bạn thích ăn gì, bạn xem phim gì, bạn thích mua sắm ở đâu và khi nào, điểm đến trong kỳ nghỉ yêu thích của bạn, màu sắc yêu thích,... những thứ có thể khiến bạn bối rối khi duyệt web trên Internet - bất kể bạn có làm theo lời khuyên của Google để giữ các hoạt động của mình 'riêng tư' hay không".
Biện bạch cho chính mình, Google đã lập luận rằng, khi dùng chế độ ẩn danh, người dùng đã đồng ý với chính sách bảo mật của hãng, trong đó có các hoạt động thu thập dữ liệu. Như vậy, hãng này đang mặc định rằng tất cả người dùng đều đã biết trình duyệt sẽ lấy dữ liệu và họ đã đồng ý với điều khoản thông qua các điều khoản sử dụng đó.
Cuối cùng, Google phải bồi thường ít nhất là 5.000 USD cho mỗi người dùng vì vi phạm luật nghe lén liên bang và quyền riêng tư cá nhân của bang California (Mỹ). Tổng số tiền phạt có thể lên tới 5 tỷ USD.
Thực tế ăn cắp thông tin đang diễn ra trên các trang phim người lớn như thế nào?
Các trang web phim người lớn được cài sẵn rất nhiều công cụ theo dõi, có thể làm lộ thông tin cá nhân của người dùng cho bên thứ ba. Chế độ ẩn danh của Google Chrome hay Firefox cũng không thể giữ bí mật cho họ.
Vào năm 2019, các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ từ Microsoft và các trường đại học Pennsylvania, Carnegie Mellon đã quét 22.484 trang web phim người lớn để tìm hiểu các trang này gửi dữ liệu người dùng về đâu.
Kết quả, 93% trong số hơn 22.000 trang web được tìm thấy là đã gửi dữ liệu người dùng cho bên thứ ba.
Bên thứ ba có thể lợi dụng các thông tin họ có được về người dùng để tiếp thị, xây dựng hồ sơ cá nhân hoặc thậm chí là bán dữ liệu. Điều này là vô cùng nguy hiểm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới an nguy của người dùng.
Các chuyên gia còn phát hiện, Google, Facebook và Oracle đang theo dõi các trang web trên. Cụ thể, Google được cho là đang theo dõi 74% số trang web có nội dung dành cho người lớn. Con số này đối với Oracle và Facebook lần lượt là 24% và 10%.
Theo đó, ngay cả khi bật chế độ ẩn danh trên trình duyệt, người dùng cũng không được bảo vệ. Điều này chỉ có tác dụng không lưu thông tin trong lịch sử trình duyệt, nhưng dữ liệu của họ vẫn bị chuyển đến các bên thứ ba. Nghiên cứu cũng cho thấy chỉ có 17% các trang web phim người lớn được mã hóa, chứng tỏ người dùng dễ bị tin tặc tấn công.
Tham khảo: dailymail.co.uk