MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dùng ô tô đang bị các hãng xe theo dõi ngầm như thế nào?

28-12-2019 - 19:59 PM | Thị trường

Đã đến lúc lĩnh vực bảo mật trên ô tô cần nhận được sự quan tâm xứng đáng khi mà dữ liệu người dùng đang có nguy cơ bị khai thác "ngầm".

Tờ Washington Post mới đây, tò mò về việc một mẫu xe thông minh với hệ điều hành hiện đại thu thập những dữ liệu gì về người dùng. Họ đã thử nghiệm hack một chiếc Chevrolet Volt.

Chỉ sau vài giờ khai thác ngắn ngủi tập trung vào hệ thống thông tin giải trí (đơn vị được cho là lưu trữ lại nhiều dữ liệu người dùng nhất), Washington Post đã có câu trả lời. Chiếc Volt gần như ghi nhớ toàn bộ thông tin của người dùng, từ hành trình mà họ di chuyển (dựa trên GPS), những người liên lạc với họ bao gồm địa chỉ, email hay hình ảnh và thậm chí là cả danh sách các smartphone đã liên kết với xe.

Người dùng ô tô đang bị các hãng xe theo dõi ngầm như thế nào? - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, họ cũng kiểm tra một máy tính hỗ trợ lưu trữ hệ thống thông tin giải trí từ eBay (cũng lấy từ xe Chevrolet) với giá chưa tới 400 USD để tìm hiểu xem đây có phải xu thế chung của hãng hay không. Tương tự hệ thống trên Volt, máy tính này cũng lưu lại các địa điểm người dùng từng đến, danh sách cuộc gọi kèm số điện thoại và hình ảnh của những người liên hệ.

Người dùng ô tô đang bị các hãng xe theo dõi ngầm như thế nào? - Ảnh 2.

Cũng theo người được Washington Post thuê để hack thử hệ thống, họ còn từng tiếp cận không ít xe của hãng khác với tính năng thu thập dữ liệu thậm chí còn hiện đại hơn. Lấy ví dụ, xe Ford có khả năng lưu trữ vị trí người dùng cứ mỗi vài phút trôi qua, ngay cả khi họ không sử dụng hệ thống định vị. Xe Đức có ổ cứng 300GB để lưu lại những dữ liệu gì thì cũng chỉ hãng mới biết hay Tesla Model 3 có thể thu thập video từ camera ngoài bất cứ khi nào mà không cần thông qua thao tác chủ nhận.

Theo GM lý giải, họ thu thập thông tin người dùng là để "theo dõi sức khỏe xe" nhằm cảnh báo người dùng khi xe gặp hỏng hóc và cũng để thiết kế các dòng sản phẩm mới/ra mắt dịch vụ mới tốt hơn, đồng thời khẳng định không có chuyện họ lưu lại các dữ liệu riêng tư của người dùng.

Tuy nhiên, Washington Post cho biết GM không chỉ dừng ở mức "thu thập thông tin". Dữ liệu họ có được về phong cách lái người dùng sẽ được đưa vào thang điểm chấm (có tên Smart Driver) dựa trên thao tác phanh, thời gian lái xe… và rất có thể được chia sẻ với các công ty bảo hiểm.

Ngoài ra, "tổng hành dinh" có thể xác định chính xác vị trí xe bất cứ lúc nào thông qua OnStar – vốn là dịch vụ "tiêu chuẩn" được chủ nhân ký xác nhận đồng ý sử dụng và đã được gài sẵn các điều khoản khéo léo cho phép GM thu thập dữ liệu. OnStar cũng có thể cung cấp và kết nối thông tin người dùng cho các bên thứ 3 có liên quan tới ô tô như cung cấp dịch vụ đồ ăn hay đổ xăng…

Tham khảo: Washington Post

Theo Quang Phong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên