MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người giàu làm ô tô…

“Khi người ta giàu rồi mới làm ô tô mà lại làm vì một khát vọng lớn lao thì họ sẽ đầu tư bài bản, kể cả chấp nhận lỗ để phát triển. Cách làm của Vingroup cũng cho thấy họ sẽ cạnh tranh sòng phẳng theo quy luật thị trường...” - Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nói.

TS. Vũ Đình Ánh
TS. Vũ Đình Ánh
Chuyên gia kinh tế
53 bài viết

Ông từng nói một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của chiến lược công nghiệp ô tô Việt Nam thập kỷ qua là vì có doanh nghiệp làm ô tô chỉ để nhằm làm giàu. Vậy là lần này, với sự xuất hiện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, "cuộc chơi" đầy thách thức này sẽ khác hẳn về chất?

Tôi cho rằng, Vingroup sẽ cạnh tranh sòng phẳng theo quy luật thị trường. Họ đi thẳng vào công nghệ hiện đại nhất, họ chọn sản xuất ô tô điện là xu hướng, tương lai của ô tô thế giới. Họ tự tin và sẵn sàng đối mặt với thách thức cạnh tranh mang tính toàn cầu…

Rõ ràng khi người ta giàu rồi mới làm ô tô thì họ có tầm nhìn xa, trông rộng; có những bước đi rất bài bản, sẵn sàng đầu tư lớn, kể cả chấp nhận lỗ trong những giai đoạn nhất định để phát triển.

Theo tôi, với quyết tâm của xây dựng ngành công nghiệp ô tô của Chính phủ và sự tham gia của Vingroup sẽ giúp đột phá, thay đổi hoàn toàn từ tư duy, tầm nhìn cho đến cách thức triển khai và tương lai của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Tương lai đó có giống như vai trò của công nghiệp ô tô ở các nước phát triển?

Công nghiệp ô tô là một ngành trụ cột của nền công nghiệp. Nó gần như là chuẩn mực của một nền kinh tế mà người ta xác nhận là công nghiệp phát triển.

Trên thế giới chỉ có một số nước mà người ta gọi là cường quốc mới phát triển được ngành công nghiệp ô tô của chính họ. Việc nước ta lựa chọn ngành công nghiệp ô tô không phải chỉ để khẳng định trình độ phát triển về mặt công nghiệp hay trình độ phát triển về mặt kinh tế xã hội mà nó còn là một mong muốn để vươn lên vị thế của một cường quốc phát triển trên thế giới.


Một trong số 20 mẫu xe Vinfast được Vingroup trưng cầu ý kiến người tiêu dùng Việt.

Một trong số 20 mẫu xe Vinfast được Vingroup trưng cầu ý kiến người tiêu dùng Việt.

Vai trò, tầm quan trọng lớn như vậy, một mình Vingroup khó gánh nổi…

Dĩ nhiên, "cuộc chơi" này cần Vingroup và cũng cần các "ông lớn" khác tham gia và cần "bà đỡ" Chính phủ kiến tạo nữa. Ngành công nghiệp ô tô phát triển sẽ kéo theo những ngành khác cùng phát triển theo. Một chiếc ô tô cũng sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội để phát triển dịch vụ khác.

Việc tỷ phú Phạm Nhật Vượng chọn công nghiệp ô tô như một ngành trọng điểm của Tập đoàn này với quyết tâm xây dựng một thương hiệu ô tô Việt đạt tầm quốc tế, theo tôi, đó là một thời cơ lớn để biến ngành công nghiệp này thực sự trở thành trụ cột chứ không chỉ là hô quyết tâm hoặc loay hoay thực hiện.

Với một đơn vị cung cấp dịch vụ đã khẳng định được thương hiệu và chất lượng 5 sao như Vingroup, tôi tin họ sẽ có cách làm, có thể cạnh tranh được và sẽ hiện thực hóa được ước mơ về một thương hiệu ô tô Việt có tầm quốc tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngày 2/9/2017, Vingroup chính thức tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất ô tô với việc khởi công nhà máy Vinfast tại Đình Vũ – Hải Phòng. Ngày 25/9, Vingroup bổ nhiệm ông James B. DeLuca, cựu Phó chủ tịch điều hành sản xuất toàn cầu của General Motors, làm Tổng giám đốc Vinfast. Ngày 2/10, Vingroup ra thông tin công bố, lấy ý kiến người dân về 20 mẫu xe Vinfast do 4 nhà thiết kế uy danh hàng đầu thế giới thực hiện nhằm chọn ra 1 mẫu xe Sedan và 1 mẫu xe SUV để đưa vào sản xuất. Vinfast đặt mục tiêu sau 2 năm sẽ xuất xưởng những mẫu xe đầu tiên – đặt nền móng cho việc xây dựng một thương hiệu ô tô quốc gia cho Việt Nam.

Theo Thục Quyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên