MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người giàu Nhật đang đua nhau xài tiền như nước

18-07-2017 - 11:02 AM | Sống

Hai thập kỷ qua, kinh tế Nhật đã suy thoái đến bảy lần. Nếu chỉ nhìn vào các số liệu kinh tế, người ta dễ quên đi mất thực tế rằng: Người Nhật vẫn cực kỳ giàu có.

Chủ tịch công ty đường sắt lớn nhất Kyushu đang đau đầu với một vấn đề: Các chuyến tàu mà công ty ông đang quản lý cứ ngày một thưa vắng dần. Dân số Nhật ngày một già đi, những người về hưu không còn có nhu cầu sử dụng tàu nhiều như trước.

Thế nhưng còn một yếu tố khác khiến tuyến tàu thường của công ty này vắng đi: Ngày một nhiều người Nhật giàu có chọn đi bằng các tuyến tàu hạng sang.

Theo Bloomberg, hình thức kinh doanh các chuyến tàu hạng sang tại Nhật đã thành công đến nỗi mới đây cả hai công ty đường sắt lớn nhất Nhật đã cùng đưa ra hai chuyến mới. Vào tháng Năm, công ty đường sắt East Japan Railway khai trường chuyến tàu mới chỉ chở duy nhất 34 hành khách trong một không gian hoàn toàn sang trọng.

Chuyến tàu này được trang bị nội thất tốt nhất, khu vực chơi piano và món ăn được nấu bởi đầu bếp có danh hiệu Michelin. Dù giá vé tàu cực kỳ đắt, vé trọn gói 3 ngày lên đến 8.400 USD, người Nhật giàu có đã đặt vé kín đến hết tháng Ba năm 2018.

Hai thập kỷ qua, kinh tế Nhật đã suy thoái đến bảy lần. Nếu chỉ nhìn vào các số liệu kinh tế, người ta dễ quên đi mất thực tế rằng: Người Nhật vẫn cực kỳ giàu có. Theo tính toán của Bain & Company, số lượng triệu phú tại Nhật cao thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Và trong năm vừa qua, tính trong tất cả các thị trường hàng hiệu lớn nhất thế giới, chỉ duy nhất thị trường Nhật có tăng trưởng về dân số và quy mô.

Người Nhật giàu có chi tiền vào những mặt hàng gì: túi xách Hermes, đồng hồ Rolex…Và thú chơi mới của họ là tiêu tiền để hưởng thụ dịch vụ đỉnh cao trong các chuyến tàu hạng sang được thiết kế dành cho người lắm tiền nhiều của.

Giám đốc điều hành công ty dịch vụ du lịch Expedia, ông Greg Schulze, nhận xét: “Nhật có một thị trường tiêu dùng xa xỉ ngoại lệ. Và hình thức du lịch siêu đắt tiền đang ngày một phát triển bùng nổ hơn.”

Số lượng khách du lịch nước ngoài đến Nhật đang tăng nhanh kỷ lục. Còn ở trong nước, ngày một nhiều người giàu của Nhật sở hữu du thuyền riêng để đi chơi với bạn bè, khi đi ra nước ngoài, họ là những khách hàng vip của rất nhiều công ty du lịch hạng nhất.

Ông Fujio Umemoto năm nay 67 tuổi là một người Nhật giàu có như vậy. Ông Uemoto cho biết ông có quá nhiều tiền nhưng trước đây công việc vô cùng bận rộn, giờ đã là lúc để tiêu tiền phục vụ sở thích của mình.

Ông từ chối chia sẻ việc ông có bao nhiêu tiền, thế nhưng theo chia sẻ của một người từng làm việc cùng công ty với ông, cùng cấp bậc và cùng số năm làm việc, chỉ riêng trong năm ngoái ông này nhận được khoản thưởng một lần trước khi về hưu khoảng 200 nghìn USD.

Cấu trúc của kinh tế Nhật không tạo ra nhiều người siêu giàu. Thực tế cho thấy trong bảng xếp hạng 500 người giàu nhất hành tinh do Bloomberg tính toán và công bố vào năm ngoái, chỉ duy nhất có sáu người Nhật được lọt vào danh sách trong khi con số này tại Mỹ lên đến 164. Thế nhưng cùng lúc đó, Nhật lại có hàng triệu triệu phú.

Tổng số lượng các triệu phú tại Nhật lên đến 2,7 triệu, cao hơn cả Đức và Trung Quốc cộng lại, theo báo cáo về tài sản World Wealth Report công bố bởi tổ chức tư vấn Capgemini.

Trong bối cảnh dân số Nhật ngày một giảm, số lượng người già và giàu tăng tỷ lệ thuận với nhau. Năm 2016, thị trường chứng khoán Nhật tăng mạnh, tài sản của các triệu phú Nhật nhờ vậy cũng “phình” thêm 11%.

Rõ ràng, nếu chiếu theo các con số trên, tỷ lệ giàu nghèo tại Nhật đang tăng nhanh, ngày một nhiều người Nhật tụt lại trong việc kiếm tiền. Số liệu từ Cơ quan thuế quốc gia cho thấy lương và thưởng của người lao động Nhật giảm trung bình 10% tính từ mức đỉnh vào năm 1997.

Chính vì ngày một nhiều người nghèo đi, thế nên công việc kinh doanh của các hãng chuyên bán sản phẩm giá rẻ như Nitori hay Fast Retailing sở hữu thương hiệu Uniqlo ngày một phát đạt.

Trong khi phân khúc tiêu dùng bình dân co hẹp thì phân khúc khách hàng cao cấp lại chi tiêu ngày một “đậm”. Expedia cho biết số lượng người Nhật đặt vé máy bay hạng nhất trong năm ngoái tăng gấp đôi, cùng lúc đó, số lượng người Nhật đặt vé máy bay hạng thường có tốc độ tăng chỉ bằng nửa.

Còn theo công ty du lịch lớn nhất Nhật JTB, số lượng các khách hàng đặt mua tour du lịch cao cấp trong năm 2016 tăng gần 10 lần so với năm 2003.

Người Nhật giàu có cũng đang đổ tiền chi tiêu mua các chuyến du lịch bằng tàu biển hạng sang. Trong năm ngoái, số lượng du khách Nhật đặt tour theo hình thức này tăng đến 12%.

Theo đại diện của côn ty du lịch Nippon Yusen K.K., tour du lịch cao cấp nhất của công ty có giá đến 230 nghìn USD cho chuyến du lịch bằng tàu kéo dài ba tháng rưỡi vòng quanh thế giới đã cháy vé chỉ trong đúng một ngày đầu tiên mở bán.

Sự giàu có của người Nhật đang hấp dẫn cả những công ty kinh doanh dịch vụ đến từ nhiều nước khác. Công ty Princess Cruises sẽ bắt đầu mở bán vé cho chuyến du lịch bằng tàu vòng quanh các cảng của Nhật bắt đầu từ tháng Tư năm sau.

Công ty Genting Hồng Kông cũng đã đưa một trong những tàu du lịch sang trọng nhất đến Nhật bắt đầu từ tháng này. Công ty MSC Cruises sẽ bắt đầu bán tour cho khách Nhật từ năm sau.

Cùng lúc đó, hàng loạt công ty đường sắt và kinh doanh dịch vụ du lịch Nhật cũng đang đua nhau cải thiện hạ tầng để giành thêm miếng bánh từ phân khúc khách hàng giàu có. Và tất cả họ sẽ đều có phần trong mảng thị trường “béo bở” này.

Theo Trung Mến

BizLIVE

Trở lên trên