Người giàu Trung Quốc đổ xô đến Nhật Bản tìm nơi ‘trú ẩn’
Ảnh: WSJ
Những người có tiền ở đất nước tỷ dân đang rất quan tâm đến việc di cư đến xứ sở mặt trời mọc.
- 29-12-2022Bỏ nhà phố, 'trốn' vào rừng: Một người đàn ông ‘xây’ nhà…ngay trên máy bay, hóa ra người có tiền thích ‘cảm giác lạ’ như thế này
- 29-12-2022Quốc gia kỳ lạ nơi thị trường bất động sản đi ngược xu hướng: Có hơn 7 tỷ đồng mới 'may mắn' sở hữu nhà, người trẻ ồ ạt 'bỏ xứ' vì không còn nhà để thuê
- 28-12-202212.720 đơn đặt hàng máy bay trên thế giới đang tồn đọng
Theo các nhà môi giới bất động sản và người dân trong cộng đồng người Hoa, ngày càng có nhiều người Trung Quốc giàu có đến Nhật Bản để sinh sống.
Một nhà môi giới bất động sản trên hòn đảo phía bắc Hokkaido tên Hideyuki Ishii cho biết gần đây ông nhận được rất nhiều yêu cầu từ các công dân Trung Quốc. Họ muốn mua bất động sản để chuyển đến sống ở Nhật Bản.
Ảnh: WSJ
Một khách hàng tên là Amanda Wu, 62 tuổi. Bà cho biết mình là cựu giám đốc điều hành của một công ty nhà nước và đã trở nên giàu có nhờ đầu tư bất động sản quốc tế. Bà cho biết Covid-19 đã gây ra nhiều cản trở về vấn đề đi làm và ảnh hưởng đến cuộc sống nói chung cũng như còn một số lý do khác khiến bà muốn tìm đến xứ sở mặt trời mọc.
Không chỉ vì Covid-19
Bà Wu nói rằng giờ đây, phần lớn các lệnh phong toả đã được dỡ bỏ nên bà sẽ tận dụng cơ hội này để quay lại Bắc Kinh thường xuyên hơn nhưng bản thân vẫn dự định ở lại Nhật Bản. Trong khi đó, bạn bè của Wu cũng đang quan tâm đến việc chuyển đến Nhật Bản hơn bao giờ hết.
“Tôi chắc chắn rằng sẽ có rất nhiều người đến Nhật khi có cơ hội dù chỉ là để lưu trú ngắn hạn hay nhập cư dài hạn,” Wu nói. Bà đã đồng ý sử dụng họ tên tiếng Anh của mình khi ở nước ngoài. Wu cũng cho biết vào hôm thứ Hai rằng Trung Quốc thông báo sẽ chấm dứt các yêu cầu kiểm dịch đối với những người vào nước này.
Kể từ tháng 11, bà đã sống trong một ngôi nhà bốn phòng ngủ ở thị trấn phủ đầy tuyết Otaru, đồng thời theo dõi danh mục khoảng một chục bất động sản trong khu vực mà bà đã mua với giá tương đương khoảng 300.000 USD.
Trước đây, bà Wu chỉ đến Nhật Bản với tư cách là một vị khách du lịch. Nhưng lần này, bà bước chân vào quốc gia này với thị thực quản lý kinh doanh.
Trong 10 tháng đầu năm nay, 2.133 người Trung Quốc đã vào Nhật Bản với loại thị thực đó, vượt kỷ lục hàng năm là 1.417 được thiết lập trong cả năm 2019, ngay trước khi đại dịch tạm dừng hầu hết các chuyến du lịch giữa hai nước. Thị thực thường kéo dài ít nhất một năm và có thể gia hạn.
Mặc dù đôi khi có những người dân Nhật Bản phản đối việc người nước ngoài di chuyển đến khu vực lân cận với họ nhưng sau tất cả, đất nước vẫn có những điểm vô cùng hấp dẫn. Quốc gia này nổi tiếng về việc có tỷ lệ tội phạm thấp, không khí trong lành và giá cả phải chăng, còn được hỗ trợ bởi sự sụt giảm của đồng yên so với đồng đô la và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Wang Qing là một nữ doanh nhân Trung Quốc đã sống ở Nhật Bản gần ba thập kỷ. Sau các cuộc trò chuyện với những người bạn ở Trung Quốc muốn chuyển đến Nhật Bản, bà nghĩ rằng những vấn đề đã xảy ra ở đất nước tỷ dân khiến cho mọi người muốn chuyển đến nơi khác sống hơn.
Ngay cả khi các lệnh hạn chế đi lại do Covid-19 được dỡ bỏ, bà vẫn tin rằng còn nhiều động lực sẽ thúc đẩy người Trung Quốc cân nhắc việc chuyển đến Nhật Bản. Bà cho rằng các quy định du lịch hậu Covid không được chặt chẽ sẽ giúp mọi người thực hiện kế hoạch di cư của họ dễ dàng hơn.
Tìm cho mình một pieds-à-terre
Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất tiếp nhận người nước ngoài từ Trung Quốc. Dữ liệu của Liên Hợp Quốc từ năm 2019 do một nhóm chuyên gia cố vấn của Bắc Kinh được gọi là Trung tâm Trung Quốc & Toàn cầu hóa nghiên cứu cho thấy Mỹ có số lượng người Trung Quốc di cư lớn nhất với khoảng 2,9 triệu người, tiếp theo là Nhật Bản với 780.000 người, sau đó là Canada và Úc.
Ngày nay, việc kiểm soát nhập cư ngày càng chặt chẽ của Mỹ đang thúc đẩy nhiều người cân nhắc đến Nhật Bản hơn. Nếu một người nước ngoài đầu tư số vốn tương đương khoảng 40.000 USD trở lên vào một doanh nghiệp có trụ sở tại Nhật Bản, bằng cách mua bất động sản và thành lập một doanh nghiệp quản lý tài sản chẳng hạn, người đó có thể đủ điều kiện xin thị thực kinh doanh.
Ngược lại, khoản đầu tư tối thiểu cho một thị thực tương tự để vào Mỹ là 800.000 USD. Một điểm đến phổ biến khác của người Trung Quốc là Singapore sẽ êu cầu số tiền tối thiểu tương đương khoảng 1,85 triệu USD.
Hàng triệu khách du lịch Trung Quốc đã đến thăm Nhật Bản trong những năm trước đại dịch Covid-19. Một số người còn mua pieds-à-terre (nơi cư trú phụ) ở Tokyo, Osaka hay Kyoto, hoặc họ đầu tư vào bất động sản thương mại.
Các nhà cung cấp dịch vụ thị thực tại Nhật Bản cho biết họ nhận thấy lượng yêu cầu từ Trung Quốc tăng đột biến trong năm nay sau khi xảy ra tình trạng phong toả kéo dài.
Một người đàn ông Trung Quốc sở hữu một công ty bất động sản ở Tokyo cho biết khách hàng Trung Quốc gần đây đã giúp ông “lấp đầy” các văn phòng cho thuê mà ông sở hữu. Việc có một văn phòng thực tế là một điều kiện để được cấp thị thực kinh doanh.
Ở Otaru, nơi bà Wu đang sống, dân số ngày càng giảm và nhiều ngôi nhà bỏ trống. Trong khi đó, “Bạn thậm chí không thể có được một cái nhà vệ sinh ở Bắc Kinh nhưng nếu cầm số tiền đó đến đây thì có thể mua được một căn nhà ở Otaru,” bà nói.
Tham khảo WSJ
Nhịp Sống Thị Trường