Người giàu Trung Quốc ngại phô trương
Người giàu ở Trung Quốc đang ngại phô trương sự xa xỉ của mình trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều bất ổn.
- 16-07-2024Chuyên gia: Không phải BRICS hay đồng Nhân dân tệ, một yếu tố bên trong nước Mỹ mới là rủi ro lớn với 'ngôi vương' của đồng USD
- 16-07-2024Mấp mé đáy 40 năm, nhiều người dân Nhật Bản tiếp tục tạo "áp lực vô hình" lên đồng yên mà không hề hay biết: Thâm hụt kỹ thuật số
- 16-07-2024Goldman Sachs: Fed nên cắt giảm lãi suất ngay trong tháng 7 vì 3 lý do
Tờ CNBC nhận định, tầng lớp thượng lưu ở Trung Quốc ngày càng thận trọng hơn trong việc phô trương sự giàu có của mình khi nền kinh tế phải đối mặt với những khó khăn. Điều này khiến thị trường hàng xa xỉ của nước này chịu áp lực.
Theo báo cáo tháng 6 của nhóm tư vấn Bain, đang có những dấu hiệu nổi lên của cái gọi là "sự xa xỉ xấu hổ" ở Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đầy thách thức, tăng trưởng GDP chậm chạp và niềm tin của người tiêu dùng yếu.
"Họ (người giàu ở Trung Quốc) không phải là không sẵn sàng tiền cho những món đồ xa xỉ. Thực ra, chúng tôi tiếp tục nhận thấy hiệu suất mạnh với những mặt hàng này ở Trung Quốc, nhưng có một thực tế là mọi người đang ngày càng thận trọng hơn và sẽ tiếp tục xu hướng như vậy", đại diện nhóm nghiên cứu của Bain cho hay.
Bà Claudia D'Arpizio, giám đốc toàn cầu về mảng thời trang và xa xỉ tại Bain & Company cho CNBC biết: "Những khách hàng giàu thường sợ bị coi là quá phô trương hay quá màu mè".
Những khách hàng giàu có tại Trung Quốc thường sợ bị coi là quá phô trương hay quá màu mè
CNBC bình luận, thuật ngữ "xa xỉ xấu hổ" không phải là mới.
"Chúng tôi gọi đó là sự xa xỉ xấu hổi. Điều này tương tự như những gì đã xảy ra ở Mỹ vào năm 2008-2009. Ngay cả những người có đủ khả năng mua những sản phẩm đắt tiền cũng ít sẵn lòng mua hơn, để không bị coi là phô trương", bà Claudia D'Arpizio cho hay.
Thay vào đó, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng hướng tới phong cách "sang trọng thầm lặng", các khoản đầu tư và hàng hóa xa xỉ được lựa chọn thường "tinh tế hơn" và "ít được chú ý hơn".
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nơi sinh sống của hơn 98.000 người siêu giàu trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Đây là nhóm người có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên.
Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc đang chịu áp lực hậu Covid, trong bối cảnh kỳ vọng tăng trưởng chậm lại và nhu cầu tiêu dùng yếu.
Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng hướng tới phong cách "sang trọng thầm lặng"
Khi đất nước đang đối mặt với tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và những rắc rối trên thị trường bất động sản, nhiều người chọn cách quay lưng với sự sự phô trương. Bain cho biết mặc dù lĩnh vực hàng xa xỉ cá nhân toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 4%, tương đương 420 tỷ USD, thị thị trường xa xỉ của Trung Quốc đang "gặp khó khăn" và "thu hẹp tổng thể".
Ông Imke Wouters của công ty tư vấn Oliver Wyman cho biết: "Chúng tôi thấy rằng, người tiêu dùng Trung Quốc đã trở nên lý trí hơn. Họ thực sự muốn thấy mối tương quan giữa giá cả và giá trị. Họ suy nghĩ kỹ trước khi mua thứ đắt nhất'.
Trong khi đó, ông Derek Deng của Bain khẳng định, người tiêu dùng Trung Quốc đang trở nên "tinh tế hơn".
"Trước đây họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho các thương hiệu nước ngoài nhưng ngày nay, nhiều người mua hàng dựa trên chất lượng sản phẩm hoặc giá trị mà thương hiệu mang lại", ông Deng nói.
Trung Quốc đã trải qua một giai đoạn suy thoái kinh tế chung trong vài tháng qua. Là một trong những động lực chính cho sự phát triển của ngành hàng xa xỉ, tăng trưởng kinh tế của nước này đã giảm tốc xuống 4,7% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia (NBS). "Trước sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và triển vọng tương lai ảm đạm, thế hệ trẻ đang trì hoãn việc chi tiêu cho hàng xa xỉ", theo Jing Daily, một phương tiện truyền thông chuyên ngành.
Cách đây vài tháng, phiên bản Trung Quốc của TikTok, Douyin, đã cấm ba trong số những người có ảnh hưởng hàng đầu Trung Quốc vì "vi phạm nguyên tắc cộng đồng". Nổi tiếng với việc đăng tải những hình ảnh về lối sống xa hoa lãng phí, Wang Hongquanxing, Baoyujiajie và Bo Gongzi đã bị xóa tài khoản.
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý II đã đạt mức tăng trưởng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù vẫn khá tích cực, con số này thấp hơn so với mức tăng trưởng 5,3% trong quý I và mức dự báo 5,1% được các chuyên gia đưa ra. Sự giảm tốc này cho thấy, Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với nhiều sức ép, trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong cả năm nay.
Ông Alex Muscatelli - Chuyên gia phân tích, Fitch Ratings cho biết: "Chính phủ Trung Quốc đang đặt phục hồi sản xuất, đặc biệt là trong ngành công nghệ cao là trụ cột phát triển kinh tế. Ngoài ra, những chính sách kích thích kinh tế của chính phủ Trung Quốc cũng đang tập trung nhiều hơn vào các ngành công nghiệp".
Tuy nhiên, nhu cầu nội địa vẫn còn yếu, đang là thách thức lớn với nền kinh tế Trung Quốc. Doanh số bán lẻ trong tháng 6 đã chậm lại đáng kể, chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn nhiều so với mức dự báo trong khi lạm phát vẫn ở mức thấp. Những khó khăn trên thị trường bất động sản đã khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
VTV