MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Hàn cũng khóc: Nền kinh tế ‘Chaebol’ dần xói mòn vì không chịu thay đổi suốt 50 năm, ‘Kỳ tích sông Hàn’ đã không còn nữa khi sắp tăng trưởng âm

25-04-2024 - 11:06 AM | Tài chính quốc tế

Sau quá trình chuyển giao quyền lực cho thế hệ mới của các Chaebol, kinh tế Hàn Quốc đã mất động lực đột phá, tìm tòi cái mới. Hậu quả là thị trường này không còn "thượng đẳng" như nhiều người vẫn nghĩ khi bị cảnh báo tăng trưởng âm năm 2040.

Người Hàn cũng khóc: Nền kinh tế ‘Chaebol’ dần xói mòn vì không chịu thay đổi suốt 50 năm, ‘Kỳ tích sông Hàn’ đã không còn nữa khi sắp tăng trưởng âm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tờ Financial Times (FT) cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc đã quá phụ thuộc vào mô hình các tập đoàn gia đình trị (Chaebol) mà không cải cách được mô hình mới để duy trì tăng trưởng.

Ánh hào quang quá khứ của "Kỳ tích sông Hàn" khi nước Châu Á này tăng trưởng nóng đang phai nhạt dần bất chấp những khoản đầu tư khổng lồ từ chính phủ.

Cạn kiệt động lực

Bên ngoài thị trấn Yongin, vô số công nhân đang di chuyển 40.000 mét khối đất mỗi ngày nhằm cắt đôi một ngọn núi để xây dựng cụm công nghiệp sản xuất chip mới, bao gồm nhà máy bán dẫn lớn nhất toàn cầu.

Tổng dự án có trị giá 471 tỷ USD này được phát triển dưới sự giám sát của chính phủ trong bối cảnh Hàn Quốc lo ngại tụt hậu phía sau trước cuộc đua bán dẫn, khi nhiều nước Châu Á và Phương Tây cũng đổ tiền vào công nghệ này.

Người Hàn cũng khóc: Nền kinh tế ‘Chaebol’ dần xói mòn vì không chịu thay đổi suốt 50 năm, ‘Kỳ tích sông Hàn’ đã không còn nữa khi sắp tăng trưởng âm- Ảnh 2.

Tuy nhiên nhiều nhà kinh tế lại lo ngại rằng quyết tâm duy trì vị thế trong mảng bán dẫn của Hàn Quốc vẫn quá phụ thuộc vào các tập đoàn lớn như SK Hynix hay Samsung Eletronics.

Việc dựa dẫm vào mảng sản xuất và các Chaebol cho thấy Hàn Quốc chưa tìm kiếm được một mô hình cải cách phù hợp cho động lực tăng trưởng mới, qua đó dần cạn kiệt tốc độ phát triển.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) năm 2023 cho biết tăng trưởng kinh tế nước này đạt trung bình 6,4% trong khoảng năm 1970-2022, đồng thời cảnh báo con số sẽ giảm xuống 2,1% trong thập niên 2020, xuống 0,6% thập niên 2030 và thậm chí tăng trưởng âm 0,1% thập niên 2040.

Theo FT, mô hình tăng trưởng cũ dựa vào năng lượng và lao động giá rẻ ở Hàn Quốc đã không còn phù hợp nữa. Tập đoàn độc quyền năng lượng quốc doanh Kepco chuyên cung cấp điện cho các nhà máy sản xuất với giá rẻ nhờ được trợ cấp thuế hiện đang phải gánh khoản nợ lên đến 150 tỷ USD.

Trong số 37 quốc gia thành viên Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), năng suất lao động của Hàn Quốc chỉ cao hơn Hy Lạp, Chile, Mexico và Colombia bất chấp văn hóa làm việc khắc nghiệt.

Giáo sư kinh tế Park Sangin của trường Đại học Quốc gia Seoul cho biết dù Hàn Quốc có thế mạnh trong một số mảng như chip bán dẫn hay pin Lithium nhưng việc chậm phát triển các công nghệ cơ bản khác đang khiến nước này bị Trung Quốc thu hẹp dần khoảng cách.

"Nhìn từ bên ngoài, bạn sẽ cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc cực kỳ năng động. Tuy nhiên cơ cấu kinh tế của chúng ta vốn dựa trên sự bắt kịp công nghệ từ những nước phát triển khác và mô hình này chưa hề thay đổi kể từ thập niên 1970 đến nay", giáo sư Park nhận định.

Người Hàn cũng khóc: Nền kinh tế ‘Chaebol’ dần xói mòn vì không chịu thay đổi suốt 50 năm, ‘Kỳ tích sông Hàn’ đã không còn nữa khi sắp tăng trưởng âm- Ảnh 3.

Thế rồi khi dân số lão hóa nhanh, tỷ lệ sinh thấp, mô hình dựa vào sản xuất này của Hàn Quốc nhanh chóng bộc lộ điểm yếu. Các nhà máy thường lựa chọn những nơi có lao động dồi dào và chi phí thấp thay vì đến Hàn Quốc.

Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc (KIHSA) cảnh báo GDP nước này vào năm 2050 sẽ thấp hơn 28% so với năm 2022 do dân số trong độ tuổi lao động giảm gần 35%.

Ánh hào quang quá khứ

"Nền kinh tế Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn nếu chúng ta níu kéo mô hình tăng trưởng trong quá khứ", Bộ trưởng tài chính Hàn Quốc, ông Choi Sang-mok nói với FT.

Một số người hy vọng rằng cơn sốt AI sẽ thúc đẩy lại ngành chip bán dẫn và đưa Hàn Quốc trở lại đường đua phát triển như xưa. Thế nhưng theo tờ FT, với các khó khăn về dân số cũng như sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều nước, "Kỳ tích sông Hàn" sẽ khó lòng lặp lại.

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá việc Hàn Quốc chậm đổi mới mô hình kinh tế suốt 50 năm qua là do mô hình cũ dựa dẫm vào các Chaebol đã quá thành công.

Trong thập niên 1960-1980, nền kinh tế Hàn Quốc đã có bước nhảy vọt nhờ nâng tầm nền công nghiệp lên hóa dầu và công nghiệp nặng. Đến thập niên 1980-2000 thì nước này thành công chuyển mình sang mảng công nghệ cao.

Năm 2018, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc tính theo sức mua tương đương đã vượt qua Nhật Bản.

Tuy nhiên trong khoảng 2005-2022, chỉ có duy nhất một mảng là màn hình điện tử thuộc công nghệ mới phát triển là lọt vào danh sách 10 sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Hàn Quốc.

Trong khi đó, hàng loạt những mảng công nghệ cao khác của Hàn Quốc đã bị mất dần vị thế trước sự trỗi dậy của nhiều đối thủ.

Năm 2012, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới ở 36/120 công nghệ chủ chốt thì đến năm 2020, con số này chỉ còn 4.

Người Hàn cũng khóc: Nền kinh tế ‘Chaebol’ dần xói mòn vì không chịu thay đổi suốt 50 năm, ‘Kỳ tích sông Hàn’ đã không còn nữa khi sắp tăng trưởng âm- Ảnh 4.
Người Hàn cũng khóc: Nền kinh tế ‘Chaebol’ dần xói mòn vì không chịu thay đổi suốt 50 năm, ‘Kỳ tích sông Hàn’ đã không còn nữa khi sắp tăng trưởng âm- Ảnh 5.
Người Hàn cũng khóc: Nền kinh tế ‘Chaebol’ dần xói mòn vì không chịu thay đổi suốt 50 năm, ‘Kỳ tích sông Hàn’ đã không còn nữa khi sắp tăng trưởng âm- Ảnh 6.

Giáo sư Park cho hay những Chaebol tại Hàn Quốc sau quá trình chuyển giao quyền lực cho thế hệ mới thì giờ đây cũng thay đổi tư duy, từ tập trung tăng trưởng đột phá cái mới sang chỉ hy vọng duy trì ánh hào quang cũ.

Cũng theo ông Park, mô hình kinh tế hiện tại của Hàn Quốc đã đạt đỉnh vào năm 2011 để rồi dần bị các tập đoàn công nghệ Trung Quốc bắt kịp trong hầu hết các lĩnh vực tiên tiến.

Thậm chí Samsung hay LG hiện cũng đang phải chật vật sinh tồn trong chính mảng màn hình điện tử mà họ từng thống trị chỉ vài năm trước.

Việc các Chaebol chèn ép những doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn tuyển dụng đến 80% lao động toàn quốc, khiến họ phải cắt giảm chi phí hết mức để làm giàu cho những "ông lớn" đã dẫn đến hậu quả là không còn vốn đầu tư phát triển công nghệ, đào tạo nhân lực hay xây dựng cơ sở hạ tầng.

"Những Chaebol trước đây được xây dựng để tập trung phá vỡ đối thủ hùng mạnh của nước ngoài. Thế nhưng giờ đây ở vị thế dẫn đầu, chính họ đang tạo nên sự kìm hãm đổi mới cho nền kinh tế", giáo sư Park khẳng định.

Già nua và nghèo đói

Giáo sư Park nói với FT rằng gần một nửa GDP của Hàn Quốc được tạo ra bởi các Chaebol, vốn chỉ tuyển dụng 6% lao động toàn quốc vào năm 2021. Những ông lớn này chèn ép các doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó ảnh hưởng đến 80% lao động phổ thông, tạo nên sự bất bình đẳng ngày càng tăng trong xã hội.

Người Hàn cũng khóc: Nền kinh tế ‘Chaebol’ dần xói mòn vì không chịu thay đổi suốt 50 năm, ‘Kỳ tích sông Hàn’ đã không còn nữa khi sắp tăng trưởng âm- Ảnh 7.

Ảnh minh họa

Chính áp lực cạnh tranh này đang khiến giới trẻ Hàn Quốc phải vật lộn với gánh nặng học tập, công việc, tiền bạc khi muốn được vào trường đại học tốt, có công việc lương cao và đủ tiền mua nhà tại các nơi như Seoul.

Hậu quả của tình trạng này là tỷ lệ sinh giảm do chi phí đám cưới, mua nhà, sinh con, học phí, khám chữa bệnh... đều quá cao. Thậm chí Hàn Quốc là nước có tỷ lệ tự tử cao nhất trong OECD.

Số liệu của Viện tài chính quốc tế (IIF) cho thấy Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP cao nhất ở các nước phát triển. Trung bình một cặp vợ chồng mới cưới ở Hàn Quốc có tổng số nợ lên đến 124.000 USD.

Dù nợ công theo GDP của Hàn Quốc chỉ ở mức 57,5%, khá thấp so với Phương Tây nhưng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo con số này có thể sẽ tăng gấp 3 trong 50 năm tới vì dân số lão hóa quá nhanh, tạo gánh nặng về an sinh xã hội cũng như ngân sách.

Nhiều ước tính cho thấy đến năm 2070, khoảng 46% dân số Hàn Quốc sẽ trên 65 tuổi và trở thành nước có tỷ lệ người già sống trong cảnh nghèo đói cao nhất trong các nước phát triển.

"Tăng trưởng chậm dẫn đến tỷ lệ sinh giảm, qua đó ảnh hưởng ngược lại tốc độ tăng trưởng kinh tế và tạo thành vòng luẩn quẩn", chuyên gia Seungheon Song của McKinsey đánh giá về kinh tế Hàn Quốc.

*Nguồn: FT

Theo Băng Băng

An Ninh Tiền Tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên