Người Hàn Quốc sau 1 tháng đối chọi dịch virus corona: Quanh quẩn trong nhà, mất khái niệm thời gian, săn tìm mặt nạ phòng độc
Một người dân Hàn Quốc chia sẻ, "vì quá sợ xét nghiệm cho ra kết quả dương tính với corona nên đầu óc không thể tập trung vào việc khác được".
- 25-02-2020Chùm ảnh đường phố, quán xá, trường học vắng vẻ một cách lạ thường tại tâm dịch Daegu Hàn Quốc qua ống kính du học sinh Việt
- 25-02-2020Người đàn ông Hàn Quốc tự cách ly tại nhà kể chuyện về phản ứng ấm lòng của mọi người xung quanh với chiếc túi ni lông trên nắm cửa
- 24-02-2020Du học sinh Việt tại tâm dịch Hàn Quốc: Nhiều người cấp tốc mua vé về nước, số khác ở lại vì sợ mang mầm bệnh về Việt Nam
Một hành khách đi xe buýt đeo mặt nạ để phòng chống corona tại Seoul. Ảnh: Tân Hoa Xã
Không có khái niệm thời gian
"Trong thời gian tự cách li tại nhà, nhỡ thức ăn rơi xuống sàn thì mọi người xử lí thế nào?"
"Tôi đặt hàng online ở doanh nghiệp A đã qua nhiều ngày rồi nhưng hàng vẫn chưa được vận chuyển. Hôm nay, tôi đến trung tâm mua sắm thì thấy hàng hóa vừa được nhập về kha khá. Mọi người nhanh đến mua đồ dự trữ đi".
Theo hãng tin Yonhap, vào ngày 27/2, trước tình hình số ca nhiễm corona vẫn tăng chóng mặt, rất nhiều nhóm trò chuyện cộng đồng của những người tự cách li tại nhà được lập trên Kakaotalk (một ứng dụng nhắn tin của Hàn Quốc). Mọi người trong những nhóm này chia sẻ cho nhau những thông tin hữu ích liên quan đến quá trình tự cách li.
Trong một nhóm trò chuyện gồm 30 thành viên, sau khi có người đặt câu hỏi "liệu ngoài đồ đóng hộp, cơm ăn liền, mì gói ra thì nên mua gì nữa?" thì nhận được lời khuyên nên mua thịt hộp, đồ đông lạnh hay gạo.
Một trong số những người tự cách li tâm sự, "bây giờ tôi không còn khái niệm về thời gian hay ngày tháng nữa", hay những chia sẻ đầy bất an như "vì quá sợ xét nghiệm cho ra kết quả dương tính nên đầu óc tôi không thể tập trung vào việc khác được".
Yonhap cho biết, nếu thử tìm kiếm những nhóm trò chuyện như vậy sẽ cho ra hàng trăm kết quả với những nhóm có số lượng lên đến 1.500 thành viên. Trong một nhóm trò chuyện 1.400 thành viên, chỉ trong vòng 1 phút có đến 7 người được thêm vào. Mọi người ở đây tích cực chia sẻ rộng rãi những thông tin mà mình biết như "có người tử vong do corona ở Kwangju nhưng vẫn chưa thấy báo chí đưa tin", "một nhân viên điều dưỡng ở viện dưỡng lão A bị nhiễm corona vừa được phát hiện là tín đồ Tân Thiên Địa, cô này đã lây bệnh cho 2 người".
Mua mặt nạ phòng độc thay khẩu trang
Hình ảnh một người dân Hàn Quốc mặc áo mưa, đeo mặt nạ phòng độc vào ngày 21/2 vừa qua. (Ảnh: Yonhap News)
Bên cạnh đó, khi số người nhiễm ngày càng tăng kéo theo tình trạng khan hiếm khẩu trang ngày càng nghiêm trọng, người dân Hàn Quốc bắt đầu xu hướng mua mặt nạ phòng độc thay vì khẩu trang.
Chị Jung (32 tuổi), một bà nội trợ sống ở Seoul cho biết, gần đây vì không thể tìm mua được khẩu trang nên chị đã chuyển qua đặt hàng mặt nạ phòng độc. "Từ nhà thờ đến nhà tù, dịch corona đang bùng phát ở những nơi không ai có thể nghĩ tới. Trước tình trạng mua khẩu trang khó hơn mò kim đáy bể, tôi nghĩ rằng đến nước này rồi có là mặt nạ phòng độc tôi cũng phải mua", chị nói.
Chị chia sẻ thêm: "So với khẩu trang dùng một lần thì mặt nạ phòng độc có thể sử dụng suốt 1 tháng nên giá cả như vậy cũng không phải quá đắt để mua. Thế nên tôi đang khuyên mọi người nếu không thể mua khẩu trang thì hãy thử tìm mua mặt nạ phòng độc".
"Gần đây trên đường đi làm, không khó để bắt gặp những người đeo mặt nạ phòng độc thay vì khẩu trang", chị Kim (33 tuổi) – nhân viên văn phòng cho biết. "Lo lắng vì tình hình dịch bệnh phức tạp, vài hôm trước tôi cũng đã đặt hàng online mặt nạ phòng độc cho mình và gia đình".
Theo Yonhap, hệ thống giao thông công cộng như xe buýt hay tàu điện ngầm ở Hàn Quốc từng cung cấp khẩu trang miễn phí cho hành khách nhưng khi diễn biến dịch bệnh corona đang kéo dài, hoạt động này cũng ít nhiều bị thay đổi.
Các công ty vận tải xe buýt ở Seoul trước đây đặt túi khẩu trang dùng một lần gần ghế ngồi của tài xế để hành khách có thể tự do lấy, nhưng với tình hình hiện tại vì rất khó để kiểm soát được những hành khách cố ý lấy nhiều cái một lần nên hiện nay, công ty đã ra thông báo nếu cần khẩu trang có thể liên hệ với tài xế để tài xế cung cấp chỉ một chiếc cho một hành khách.
Hệ thống tàu điện ngầm cũng vậy. Theo mô tả của Tập đoàn Giao thông Vận tải Seoul, khẩu trang trước đây được cung cấp mỗi ngày 500 chiếc cho các ga tàu điện ngầm từ tuyến số 1 đến tuyến số 8. Nhưng gần đây, số lượng đã được giảm xuống còn 100 chiếc mỗi ngày.
Đóng cửa trường học
Khi mức cảnh báo nghiêm trọng của COVID-19 được nâng cấp lên mức cao nhất, chính phủ Hàn Quốc đã ra lệnh cho tất cả các trường mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở giáo dục đặc biệt phải hoãn ngày khai giảng một tuần đến ngày 9/3. Trường học được khuyến khích đóng cửa. Chính quyền các cấp địa phương, bao gồm Seoul, đã ban hành hướng dẫn đóng cửa các trung tâm giữ trẻ.
Trả lời phỏng vấn Yonhap ngày 27/2, lãnh đạo của một công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em bán thời gian tại Seoul cho biết: "Vào thời điểm này, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi hơn bình thường. Cho đến nay, các bậc phụ huynh có xu hướng không giao trẻ cho người giúp việc mà sẽ dành thời gian nghỉ phép nhiều nhất có thể để trông con hoặc nhờ ông bà, người thân trông hộ".
Chị A (42 tuổi) sống ở Gyeonggi cho hay: "Mặc dù nhận được thông báo nếu cả bố mẹ đều bận đi làm, trong nhà không có ai có thể nhờ vả thì có thể gửi bé đến nhà trẻ, nhưng vì chỉ có 3 bé kể cả con tôi được gửi đến nhà trẻ nên tôi đã quyết định cùng chồng tự chăm sóc bé tại nhà".
Ở những nhà có trẻ em hoặc con cái không thể đi học vì trường học đóng cửa, mối lo ngại lớn nhất của các bậc phụ huynh đó chính là cho con ăn gì trong quãng thời gian dài như vậy.
Trong một cộng đồng trao đổi qua internet tại Hàn Quốc, có một chủ đề thường xuyên được nhắc đến chính là: "Tôi không biết phải làm gì với đứa con ngày càng trở nên buồn chán của mình cả ngày".
Trong phần bình luận, rất nhiều 'mẹo' trông con được các bà mẹ chia sẻ như nướng bánh, nấu ăn với con hoặc tái chế đồ chơi không sử dụng.
Đối với những nhà không có trẻ em, việc ra ngoài hay đi du lịch cũng bị hạn chế, tuy nhiên cũng giống những gia đình có con nhỏ trên, họ cũng có mối băn khoăn rất lớn về việc phải làm gì trong khoảng thời gian "cắm rễ" ở nhà sắp tới.
Theo G-Market, một trang thương mại mua sắm trực tuyến, doanh số bán hàng liên quan đến sở thích như vẽ tranh và chơi nhạc cụ đã tăng gấp 4 lần so với tuần trước.
**Xem thêm các bài viết về tình hình dịch virus Corona trong nước và quốc tế tại thư mục Tin nóng thế giới trên trang Lá chắn virus Corona để cập nhật những thông tin nóng hổi, đa chiều, đáng tin cậy nhất.
Trí thức trẻ