MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người là minh tinh, người là tỷ phú nhưng thành công của Audrey Hepburn và Jeff Bezos có một điểm chung "lóe sáng" vốn chẳng dành cho số đông

21-02-2019 - 10:45 AM | Sống

Nếu ngày đó cả Audrey Hepburn và Jeff Bezos đều áp dụng nguyên tắc 80/20 "làm ít được nhiều" mà mọi người vẫn thường ca tụng, có lẽ cả hai sẽ chẳng thể nào thành công như bây giờ.

Audrey Hepburn đã từng là một huyền thoại lớn của thế giới.

Nổi tiếng từ những năm 50 của thế kỷ trước, bà là một trong nữ diễn viên vĩ đại nhất lúc bấy giờ. Năm 1953, bà trở thành người đầu tiên giành cả 3 giải thưởng Oscar, Quả cầu vàng và BAFTA chỉ nhờ một tác phẩm duy nhất: vai chính trong bộ phim hài tình cảm Roman Holiday.

Cho tới tận ngày hôm nay, khi nửa thế kỷ đã bị bỏ lại đằng sau, bà vẫn là 1 trong số 15 người hiếm hoi đạt đủ cả 4 giải thưởng cao quý Emmy, Grammy, Oscar và Tony. Ai cũng nghĩ bà đang đứng trước một cơ hội tuyệt vời để trở thành siêu sao trong nhiều thập kỷ tới.

Và rồi, một điều kì lạ đã xảy ra: bà ngừng đóng phim.

Dù đang ở đỉnh cao danh vọng, Audrey Hepburn bất ngờ biến mất khỏi màn ảnh rộng kể từ sau năm 1967. Thay vào đó, bà chuyển sang một công việc hoàn toàn khác. Audrey Hepburn đã dành 25 năm tiếp theo trong đời mình chuyên tâm cống hiến cho UNICEF, với nhiệm vụ hỗ trợ lương thực và chăm sóc y tế cho trẻ em ở các nước có chiến tranh. Tham gia tình nguyện ở khắp nơi trên thế giới, vào tháng 12/1992, bà được trao Huân chương Tự do của Tổng thống - phần thưởng cao quý nhất mà một công dân Mỹ có thể nhận được - vì những nỗ lực không biết mệt mỏi của mình.

Thế nhưng, nếu ngày đó Audrey tiếp tục công việc diễn xuất, điều gì sẽ xảy ra?

Người là minh tinh, người là tỷ phú nhưng thành công của Audrey Hepburn và Jeff Bezos có một điểm chung lóe sáng vốn chẳng dành cho số đông - Ảnh 1.

Năng suất hay hiệu quả: Đâu mới là đáp án để thay đổi cuộc sống?

Mỗi người chỉ có duy nhất một cuộc đời để sống. Vậy làm sao để có thể tận dụng hết quãng thời gian vô giá này? Hầu hết những người sành sỏi sẽ trả lời: tập trung vào hiệu quả, thay vì chú trọng đến năng suất.

Năng suất có nghĩa là làm được nhiều điều. Còn hiệu quả tức là làm được nhiều điều đúng đắn. Peter Drucker - một nhà tư vấn quản trị nổi tiếng - từng viết: "Chẳng có gì vô dụng bằng việc làm nhiều điều vốn không nên làm ngay từ đầu."

Nói cách khác, tiến bộ có không đơn giản chỉ là hoàn thành được nhiều điều, mà quan trọng là ta phải hoàn thành đúng thứ.

Nhưng làm sao để ta biết đâu là điều "đúng đắn" cần làm? Một trong những phương pháp được vận dụng nhiều nhất chính là nguyên tắc Pareto - hay còn được biết tới với cái tên "nguyên tắc 80/20".

Theo nguyên tắc này, dù là trong bất cứ lĩnh vực gì, phần lớn kết quả đều bắt nguồn từ số ít nguyên nhân. Chẳng hạn, 80% quỹ đất ở Ý nằm trong tay 20% dân số, hoặc 75% chức vô địch NBA chỉ thuộc về 20% số đội. Nói tóm lại, 80% kết quả đều xuất phát từ 20% nguyên nhân.

Người là minh tinh, người là tỷ phú nhưng thành công của Audrey Hepburn và Jeff Bezos có một điểm chung lóe sáng vốn chẳng dành cho số đông - Ảnh 2.

Để chạm tới thành công, con người ta phải biết tối ưu hóa từng cơ hội

Khi áp dụng vào cuộc sống và công việc, nguyên tắc 80/20 này có thể giúp ta chắt lọc được những thứ quan trọng từ vô số những điều nhỏ nhặt.

Chẳng hạn như trong kinh doanh, nhiều khi phần lớn doanh thu chỉ đến từ một vài khách hàng quan trọng. Nguyên tắc 80/20 sẽ cho ta biết, để việc kinh doanh diễn ra hiệu quả, cần tập trung phục vụ số ít những khách hàng này (hoặc tìm thêm những người giống họ) và bỏ qua số đông các khách hàng ít tiềm năng còn lại bởi đóng góp của họ chẳng là bao.

Áp dụng nguyên tắc này cũng chẳng khác nào tập judo ngoài đời thực. Chỉ cần nhắm đúng vị trí, bạn sẽ thu về được nhiều trái ngọt mà công sức bỏ ra lại vô cùng ít.

Nhưng một chiến lược hay đến mức nào cũng tồn tại những mặt trái mà không nhiều người có thể nhìn thấy.

Đôi khi, những lựa chọn hiệu quả nhất lại không hề hiệu quả ngay từ đầu

Quay trở lại năm 1967, Audrey Hepburn khi đó đang ở đỉnh cao sự nghiệp và không biết phải làm gì tiếp theo.

Nếu vận dụng nguyên tắc 80/20 để quyết định, bà sẽ có một câu trả lời vô cùng rõ ràng: đóng thêm nhiều bộ phim hài tình cảm.

Hầu hết các tác phẩm hay nhất của Hepburn khi đó đều thuộc thể loại này, ví dụ như Roman Holiday, Sabrina, Breakfast at Tiffany’s... Chúng được khán giả rộng rãi đón nhận, mang về cho bà vô số giải thưởng và hiển nhiên là con đường nhanh nhất đưa bà đến với sự nổi tiếng tột đỉnh mà ai cũng thèm muốn. Có thể nói, đối với Audrey Hepburn, việc đóng phim hài tình cảm là lựa chọn hiệu quả nhất mà bà lẽ ra nên theo đuổi.

Dẫu vậy, Audrey Hepburn đã không còn hứng thú với công việc diễn xuất, bởi khao khát của bà là được cống hiến cho xã hội. Vào thời điểm bấy giờ, không một ai đủ lý trí lại dám tin rằng việc đi tình nguyện cho UNICEF là một nước đi khôn ngoan của Audrey Hepburn.

Đây chính là mặt trái của nguyên tắc 80/20: Một con đường mới chẳng bao giờ là lựa chọn hiệu quả nhất vào lúc ban đầu.

Người là minh tinh, người là tỷ phú nhưng thành công của Audrey Hepburn và Jeff Bezos có một điểm chung lóe sáng vốn chẳng dành cho số đông - Ảnh 3.

Dám từ bỏ thành công có sẵn, đấy mới là bí quyết để trở nên vĩ đại!

Hãy cùng xem xét một trường hợp khác là Jeff Bezos - cha đẻ của Amazon, người làm việc tại phố Wall và từng bước trở thành phó chủ tịch của một quỹ phòng hộ, trước khi rời đi vào năm 1994 để khởi nghiệp.

Nếu ngày ấy Bezos áp dụng nguyên tắc 80/20 để xác định lĩnh vực nghề nghiệp tiềm năng của mình, chắc chắn ông sẽ không bao giờ nghĩ đến việc thành lập một công ty internet. Vào thời điểm năm 1993, tất cả mọi người đều cho rằng chỉ có lựa chọn ở lại trong ngành tài chính thì Bezos mới có thể tiến xa hơn.

Tuy nhiên, nguyên tắc này thường được tính toán và xác định bởi những hiệu quả trong khoảng thời gian gần nhất. Để đưa ra lựa chọn hiệu quả nhất, ta phải dựa vào các kỹ năng đã có trước đó cùng với các cơ hội hiện tại.

Bằng cách tận dụng nền tảng có sẵn trong quá khứ, nguyên tắc 80/20 giúp ta thu lại nhiều kết quả khả quan trong tương lai. Nhưng nếu không muốn tương lai bị ảnh hưởng quá nhiều bởi quá khứ, ta sẽ cần đến một lối đi hoàn toàn khác.

Đây chính là một mặt trái khác của việc tối ưu hiệu quả: Ta phụ thuộc nhiều hơn vào quá khứ thay vì liều lĩnh nắm lấy tương lai.

Biết nhẫn nhục, thành công sẽ tìm đến với mình

May mắn thay, nếu có đủ thời gian và trải nghiệm, những điều tưởng chừng như vô ích sẽ dần dần trở nên hiệu quả. Chỉ có thực hành mới khiến con người ta giỏi lên được.

Khi Audrey Hepburn quyết định đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp diễn xuất của mình vào năm 1967, công việc tình nguyện dường như không phải là một sự lựa chọn mang tính hiệu quả. Tuy nhiên, chỉ 30 năm sau đó, bà đã được trao Huân chương Tự do của Tổng thống - một cột mốc đáng nhớ mà không bộ phim hài tình cảm nào có thể đem đến được. Điều tương tự cũng xảy ra với Jeff Bezos. Nhờ liều lĩnh lựa chọn con đường mới mẻ và khác biệt, giờ đây ông đã trở thành một trong những doanh nhân giàu nhất thế giới mà ai cũng ngưỡng mộ.

Có lẽ, việc học một kỹ năng mới, hay xây dựng một công ty của riêng mình, ban đầu sẽ rất khó khăn và không có tương lai. So với những thứ bạn đã biết làm, việc theo đuổi những điều mới mẻ thường bị cho là vô bổ và tốn thời gian. Nó sẽ không bao giờ là kết quả mà nguyên tắc 80/20 mang tới.

Nhưng điều đó không có nghĩa rằng tất cả những gì bạn lựa chọn đều là sai lầm.

Người là minh tinh, người là tỷ phú nhưng thành công của Audrey Hepburn và Jeff Bezos có một điểm chung lóe sáng vốn chẳng dành cho số đông - Ảnh 4.

Trịnh Hiền

James Clear

Trở lên trên