MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người lao động có được tự chốt sổ BHXH khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động?

Người lao động có được tự chốt sổ BHXH khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động?

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định rõ, có nhiều lý do để người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp. Song, nhiều trường hợp, người lao động lại chọn cách nghỉ ngang để chấm dứt hợp đồng. Vậy trong trường hợp này, liệu họ có được tự chốt sổ bảo hiểm xã hội?

Khi nghỉ ngang, người lao động có được tự chốt số bảo hiểm xã hội?

Điểm a khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 đã nêu rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

Ngoài ra, khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng quy định:

5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội sẽ do người sử dụng lao động thực hiện, đồng thời có sự phối hợp của cơ quan Bảo hiểm xã hội. Đồng nghĩa với việc, người lao động không thể tự mình chốt sổ bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc.

Làm gì khi công ty không chốt sổ bảo hiểm đối với người lao động nghỉ ngang?

Trường hợp người lao động nghỉ ngang, một số công ty sẽ lấy lý do này không chốt sổ bảo hiểm hoặc yêu cầu người lao động phải bồi thường thì mới chốt sổ bảo hiểm xã hội. Người lao động tự nghỉ việc nên hành vi này được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật. Vì vậy, căn cứ Điều 40 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động phải thực hiện các nghĩa vụ sau:

1. Không được trợ cấp thôi việc.

2. Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo họp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.

Thêm vào đó, khoản 1 Điều 48 Bộ luật này cũng ghi nhận về thời gian để các bên thực hiện nghĩa vụ của mình khi chấm dứt hợp đồng:

Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Do đó, trong thời gian 14 ngày và chậm nhất là 30 ngày, các bên phải thanh toán các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của bên kia. Khi người lao động đã thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, người sử dụng lao động cũng phải thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động, trong đó có việc làm thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội và trả lại sổ cho người lao động.

Công ty bị phạt nặng nếu không chốt sổ bảo hiểm cho người lao động

Người sử dụng lao động có trách nhiệm bắt buộc chốt sổ bảo hiểm xã hội khi chấm dứt hợp đồng lao động. Trong trường hợp cố tình không chốt sổ cho người lao động, công ty có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 28/2020/NĐ-CP như sau: 

- Phạt từ 1 - 2 triệu đồng: Vi phạm từ 01 - 10 người lao động;

- Phạt từ 2 - 5 triệu đồng: Vi phạm từ 11 - 50 người lao động;

- Phạt từ 5 - 10 triệu đồng: Vi phạm từ 51 - 100 người lao động;

- Phạt từ 10 - 15 triệu đồng: Vi phạm từ 101 - 300 người lao động;

- Phạt từ 15 - 20 triệu đồng: Vi phạm từ 300 người lao động trở lên.

Bên cạnh đó, theo khoản 4 Điều 40 Nghị định này, người sử dụng lao động không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định còn bị phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động và tối đa không quá 75 triệu đồng.

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên