MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người lao động đi làm trước năm 2009, khi nghỉ việc nhớ lấy khoản tiền này

Người lao động đi làm trước năm 2009, khi nghỉ việc nhớ lấy khoản tiền này

Đối tượng lao động đi làm trước năm 2009, khi nghỉ việc sẽ được nhận một khoản tiền do người sử dụng lao động trả. Đó là gì?

Đi làm trước năm 2009, nghỉ việc được nhận trợ cấp thôi việc

Theo điều 46 Bộ luật Lao động 2019:

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

Như vậy:

- Người lao động đã làm việc ít nhất 12 tháng cho doanh nghiệp, khi nghỉ việc được nhận trợ cấp thôi việc;

- Thời gian để tính trợ cấp thôi việc = Tổng thời gian làm việc thực tế - trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm bảo hiểm thất nghiệp và thời gian đã được trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm

- Mức hưởng trợ cấp thôi việc: Mỗi năm làm việc tương ứng với nửa tháng tiền lương.

- Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ.

Do vậy, người lao động đi làm trước thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp, khi nghỉ việc sẽ nhận được trợ cấp thôi việc. Còn kể từ thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động chỉ được tính trợ cấp thôi việc cho thời gian thử việc, nghỉ thai sản, ốm đau từ 14 ngày trở lên.

Vì sao lại là năm 2009?

Ngày 1/1/2007 là ngày có hiệu lực của Luật Bảo hiểm xã hội 2006. Đây là đạo luật đầu tiên quy định về "bảo hiểm thất nghiệp".

Khoản 3 Điều 2 của Luật này nêu rõ:

Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ mười hai tháng đến ba mươi sáu tháng với người sử dụng lao động quy định tại khoản 4 Điều này.

Khoản 1 Điều 140 cũng quy định:

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007; riêng đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện thì từ ngày 1/1/2008, đối với bảo hiểm thất nghiệp thì từ ngày 1/1/2009.

Theo đó, tham gia bảo hiểm thất nghiệp là quyền lợi, cũng là nghĩa vụ bắt buộc đối với người lao động và người sử dụng lao động. Chính xác hơn, kể từ ngày 1/1/2009, người lao động chính thức được tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, người lao động khi nghỉ việc sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc cho khoảng thời gian đi làm trước năm 2009 - thời gian chưa tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Còn từ năm 2009, hầu hết người lao động nghỉ việc được nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc chỉ áp dụng nếu người lao động có thời gian thử việc, nghỉ thai sản, nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên.

Ví dụ:

X ký hợp đồng lao động với công ty Y từ ngày 1/1/2000 và làm việc liên tục tại đây đến tháng 1/10/2021. Mức lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi ông nghỉ việc là 30 triệu đồng/tháng

Như vậy, khi nghỉ việc X sẽ được nhận:

- Tiền trợ cấp thôi việc cho các năm từ 1/1/2000 đến 31/12/2008 (9 năm):

Mức tiền trợ cấp thôi việc = 9 năm x 15 triệu đồng = 135 triệu đồng.

- Tiền trợ cấp thất nghiệp tính từ 1/1/2009 - 1/10/2021

Mức tiền trợ cấp thất nghiệp = 60% x 30 triệu đồng = 18 triệu đồng/tháng.

Đáng chú ý, tiền trợ cấp thôi việc do doanh nghiệp trả cho người lao động khi nghỉ việc, còn tiền trợ cấp thất nghiệp do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả.

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên