Người lao động nên cân nhắc trước khi chọn nhận BHXH một lần
Trước xu hướng người lao động nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần tăng, đặc biệt với nhóm lao động sau độ tuổi 35, các chuyên gia khuyến cáo người lao động nên cân nhắc việc hưởng BHXH một lần. Bởi, BHXH có sự đóng góp của người lao động và chủ sử dụng lao động khi còn trẻ để dành khi về già.
- 19-10-2018Chính thức có hướng dẫn đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ nước ngoài
- 14-10-2018Sắp có hướng dẫn mới về lương đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp 1 lần
- 12-10-20188 điều cần lưu ý để giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hợp lệ
Sẽ thay đổi quy định về BHXH một lần
Mở rộng diện bao phủ BHXH để từ đó tăng tỷ lệ người dân được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động là mục tiêu quan trọng nhất của hệ thống chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách BHXH nói riêng của bất cứ quốc gia nào. Chính vì vậy, việc người lao động đã có thời gian tham gia BHXH nhận trợ cấp BHXH một lần cũng đồng nghĩa với việc rời bỏ hệ thống BHXH, tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất. Đây không chỉ là vấn đề rất đáng lo ngại đối với chính người lao động trong tương lai, còn tạo ra những thách thức trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng BHXH, cũng như bảo đảm an sinh xã hội. Chính vì vậy, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Brazil, Canada, Argentina, Pháp, Nga và Đức… không cho hưởng BHXH một lần.
Tuy nhiên, ở nước ta, vì nhiều lý do, chế độ BHXH một lần vẫn được thực hiện. Điều đáng lo ngại, dù không khuyến khích, nhưng trong những năm gần đây, số lao động hưởng BHXH một lần lại đang có xu hướng gia tăng.
Bởi vậy, Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH đặt yêu cầu, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần. Đồng thời, cần có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần. Điều này nhằm hướng tới mục tiêu để người lao động hạn chế hưởng BHXH một lần.
Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ nên giải quyết cho người lao động hưởng BHXH một lần trong một số trường hợp đặc biệt, như: Ra nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo; giảm mức hưởng xuống tương đương với mức mà bản thân người lao động đã đóng (thay vì tính cả mức đóng của chủ sử dụng lao động)…
Cần cân nhắc
Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho biết, tình trạng người lao động ở độ tuổi ngoài 35 nhận BHXH một lần đang gia tăng là có thật. Hiện, tại các doanh nghiệp dệt may, da giày do điều kiện lao động khắc nghiệt nên một mặt, chính những công nhân sau 35 tuổi không còn điều kiện sức khỏe để đáp ứng yêu cầu công việc đã tự động rút khỏi thị trường lao động. Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp sẽ chủ động đào thải lớp lao động ở độ tuổi này, nhằm giảm chi phí về lương, BHXH và đưa ra hình thức hỗ trợ, khuyến khích nhóm lao động này ra khỏi thị trường lao động. “Trên thực tế, nhóm lao động ở diện này, khi ra khỏi thị trường lao động, họ không có cơ hội quay lại thị trường lao động nên đa phần phải lựa chọn nhận BHXH một lần”, ông Lê Đình Quảng cho biết.
Để hạn chế tình trạng này, ông Quảng khuyến nghị, các cấp, ngành cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động, BHXH; đặc biệt, cần tăng cường công tác truyền thông để người lao động biết được lợi ích ưu việt của việc tham gia BHXH để nhận lương hưu khi về già. Ông Quảng cũng cho rằng, các bộ ngành liên quan cần phải nghiên cứu, tăng cường đào tạo nghề, chuyển hướng nghề nghiệp cho nhóm người lao động sau 35 tuổi có khả năng bị đào thải khỏi thị trường lao động này tiếp tục có cơ hội việc làm thích hợp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, điều quan trọng là phải tuyên truyền cho người lao động tự nhận thức thấy việc hưởng BHXH một lần là không nên; và việc bảo lưu thời gian đóng, tiếp tục tham gia BHXH khi có điều kiện để được đảm bảo an sinh xã hội khi về già là tối ưu nhất.
Ông Lợi khuyến nghị, chúng ta cần điều chỉnh Luật BHXH theo hướng người lao động đóng BHXH ở mức 8% và doanh nghiệp cùng tham gia đóng BHXH với mức 14%. Người lao động muốn hưởng BHXH một lần chỉ được lấy 8% mà mình đã đóng, 14% của doanh nghiệp đóng cho người lao động sẽ được giữ lại để tăng trưởng quỹ BHXH. Theo ông Lợi, có không ít người đã hưởng BHXH một lần muốn xin nộp lại để hưởng lương hưu. Nhưng hiện luật của chúng ta chưa có quy định hồi tố cho việc này. “Do vậy, để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân khi đã nhận ra giá trị ưu việt của chính sách BHXH, chúng ta cũng nên xem xét, thiết kế bổ sung điều kiện hồi tố với những trường hợp đã hưởng BHXH một lần có nhu cầu tiếp tục tham gia BHXH”, ông Lợi đề xuất.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Anh cho rằng, hiện tại người lao động đang làm việc và tham gia BHXH để tích lũy cho cuộc sống khi về già. Do đó, không có lý do gì khi còn trẻ, còn sức lao động, còn cơ hội lao động để trang trải cuộc sống, lại nhận BHXH một lần - tiêu trước phần để dành cho lúc ốm đau, bệnh tật, không còn sức lao động khi về già của bản thân. Mới đây, Nghị quyết số 28-NQ/TW đã nêu rõ: "Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần".
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, khoảng 5 năm gần đây, trong cả nước đã có khoảng 2,5 triệu người lao động lĩnh BHXH một lần. Hiện, bình quân mỗi năm có khoảng 700.000 lượt người hưởng chế độ này.
Tiền Phong