MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người lựa đúng công việc, có muốn nghèo cũng chẳng được: Ngoài lao động thể lực, lao động trí óc, còn có loại nữa gọi là "lao động rủi ro"

15-09-2020 - 08:58 AM | Sống

Muốn phán đoán xem mình thích hợp với kiểu công việc này, bạn cần phải hiểu rõ tính chất nghề nghiệp của mỗi nghề. Ở nơi làm việc, những người có thể đi được xa, là những người có thể kết hợp được cả lao động thể lực, lao động trí óc, lao động cảm xúc và lao động rủi ro một cách nhuần nhuyễn rồi cho ra những hiệu quả bất ngờ.

01

Vài ngày trước, cô em gái vừa mới tốt nghiệp đại học, gọi điện thoại tới trút bầu tâm sự với tôi.

Em ấy nói cuộc sống thật không công bằng, bản thân em ấy đang vô cùng chăm chỉ, tận tâm với công việc tài chính trong một công ty Internet, mỗi ngày mất gần 2 tiếng đồng hồ cho việc đi lại tới công ty, không dám đi muộn đã đành, lại còn thường xuyên phải thức khuya tăng ca.

Nhưng giám đốc bộ phận lại thường xuyên buổi trưa mới tới công ty, lãnh đạo lại càng nhàn rỗi hơn, thậm chí có những đợt suốt 1 tuần liền không hề lộ mặt ở công ty.

Em ấy nói như vậy là không công bằng, vì sao nhân viên thì phải đúng giờ điểm danh có mặt, còn lãnh đạo lại được đi làm tự do như vậy?

Lúc mới đi làm, thực ra tôi cũng đã từng nghĩ như em ấy.

Rõ ràng là cùng vất vả như nhau, nhưng người khác không những kiếm được nhiều hơn, mà lại còn chỉ cần "nằm" mà kiếm tiền.

Nhưng, cùng với sự già dặn theo năm tháng, tôi dần dần hiểu ra:

Lãnh đạo hay ông chủ, trông thì có vẻ nhàn rỗi cả ngày, nhưng thực ra, họ lại là người gánh vác trách nhiệm lớn lao hơn cả.

 Người lựa đúng công việc, có muốn nghèo cũng chẳng được: Ngoài lao động thể lực, lao động trí óc, còn có loại nữa gọi là lao động rủi ro  - Ảnh 1.

02

Có một tác giả từng kể một câu chuyện như này:

Có một lần, anh ấy đi ngang qua một cửa hàng quần áo, trông thấy một người đang ngồi trước cửa hàng, nhàn rỗi ngả lưng ra chiếc ghế dựa phơi nắng.

Hỏi ra mới biết, thì ra người đàn ông "rảnh rỗi" này chính là chủ cửa hàng quần áo ấy.

Còn ở trong cửa hàng bận ra bận vào lại là người vợ và hai cô con gái.

Tác giả kia rất ngưỡng mộ, nói: "Anh à, anh có phúc thật đấy, vợ con đều biết việc thế kia, anh chẳng cần làm gì, chỉ cầ ở đây phơi nắng hưởng phúc thôi nhỉ".

Người đàn ông nghe xong lắc lắc đầu cười mỉm:

"Anh cho rằng tôi không phải là gì ư? Không. Thực ra, tôi làm một công việc hết sức quan trọng."

Tác giả kia kinh ngạc hỏi: "Việc gì?"

Người đàn ông lúc này nghiêm túc nói: "Tôi gánh vác rủi ro".

Câu trả lời nghe có vẻ buồn cười, nhưng nghĩ cho kĩ thì thực ra cũng có vài phần đạo lý.

Dù chỉ là một cửa hàng quần áo nhỏ, nhưng mở ở đâu, trang trí ra sao, bán đồ như nào, bày biện kiểu gì, quản lý như nào, lấy hàng ở đâu… nghĩ thôi đã đủ thấy đau đầu.

Tất cả những thứ này đều là lựa chọn, chỉ cần đưa ra lựa chọn rồi, thì nhất định phải chịu trách nhiệm với những rủi ro tương ứng có thể xảy ra.

Vì vậy, trong mắt người qua đường, ông chủ chỉ là đang phơi nắng.

Nhưng trong lòng của ông chủ lại biết cửa hàng vận hành, làm ăn buôn bán ra sao, tất cả đều là kết quả của cả quá trình lựa chọn của mình.

Vì vậy, ngoài cái gọi là "lao động thể lực" và "lao động trí óc" ra, thì vẫn còn một loại nữa được gọi là "lao động rủi ro".

 Người lựa đúng công việc, có muốn nghèo cũng chẳng được: Ngoài lao động thể lực, lao động trí óc, còn có loại nữa gọi là lao động rủi ro  - Ảnh 2.

03

Có một người bạn làm bên mảng chăm sóc khách hàng hay phàn nàn với tôi rằng khách hàng rất khó để "hầu hạ".

Công việc của cô ấy rất đơn giản, nhận điện thoại mỗi ngày, mặc dù về cơ bản là chỉ cần làm theo "kịch bản", cứ theo quy trình tiêu chuẩn mà công ty đề ra là được, nhưng khoảnh khắc nhấc điện thoại lên, những lời phàn nàn tới từ phía khách hàng, vẫn khiến cảm xúc của cô ấy "chịu gánh nặng".

Rất nhiều người cho rằng công việc chăm sóc khách hàng kiểu này chỉ đơn giản là nhấc điện thoại lên, trả lời thắc mắc từ khách hàng.

Thực ra, cái khó của công việc này nằm ở chỗ, bạn luôn phải giữ thái độ hòa nhã, tươi cười, xởi lởi, chấp nhận những lời nói thậm chí có phần nặng lời từ phía người khác với một thái độ khiêm tốn tối đa.

Cũng giống như câu hỏi kinh điển rằng: Ngày nào đi làm cũng chỉ có việc ngồi, vì sao vẫn mệt mỏi như vậy?

Bởi lẽ ngoài "lao động thể lực" và "lao động trí óc" ra, cũng còn có một hình thức lao động khác thậm chí còn tiêu hao nhiều năng lượng hơn đó là "lao động cảm xúc".

Chẳng hạn:

Các tiếp viên hàng không phải bỏ ra "lao động cảm xúc nhiệt tình".

Các hộ sĩ phải bỏ ra "lao động cảm xúc quan tâm, chu đáo".

Các bác sĩ phải bỏ ra "lao động cảm xúc bình tĩnh, quyết đoán".

Vì vậy, muốn phán đoán xem mình thích hợp với kiểu công việc này, bạn cần phải hiểu rõ tính chất nghề nghiệp của mỗi nghề.

 Người lựa đúng công việc, có muốn nghèo cũng chẳng được: Ngoài lao động thể lực, lao động trí óc, còn có loại nữa gọi là lao động rủi ro  - Ảnh 3.

04

Ở nơi làm việc, những người có thể đi được xa, là những người có thể kết hợp được cả lao động thể lực, lao động trí óc, lao động cảm xúc và lao động rủi ro một cách nhuần nhuyễn rồi cho ra những hiệu quả bất ngờ.

Chẳng hạn, là một người lao động trí óc, muốn trở thành chuyên gia trong ngành, quả thực rất khó.

Nhưng, nếu bạn biết cách vận dụng những ưu thế về mặt lao động cảm xúc trên nền tảng sẵn có của lao động trí óc, vậy thì, cùng là một nhân viên kĩ thuật, bạn sẽ là người duy nhất có được sự nhẫn nại, có thể ngồi lại nói chuyện, trao đổi một cách hòa hoãn nhất với đối phương, khiến họ hiểu và đồng cảm với mình.

Kiểu nhân viên kỹ thuật vừa am hiểu công nghệ, lại vừa có thể giao tiếp với khách hàng trôi chảy sẽ có giá trị hơn nhiều so với những kỹ sư bình thường.

Hay chẳng hạn, một người có cảm xúc ổn định, chịu được áp lực lớn, có thể bình tĩnh và quyết đoán trước những vấn đề nan giải, sẽ rất thích hợp với những công việc liên quan tới lao động cảm xúc hay lao động rủi ro.

Một người, muốn tỏa sáng nơi làm việc, chỉ có thể phát huy sở trường của mình.

Nếu bạn làm một công việc nào đó không đúng sở trường của mình, vậy thì e là thế mạnh của bạn sẽ mãi bị chôn vùi, ngày bạn tỏa sáng e cũng sẽ rất xa.

Ở nơi làm việc, có những người có tính mục tiêu mạnh, làm việc cho ra hiệu quả cao, tỷ lệ thành công lớn, đó là bởi vì họ tìm ra được ưu thế nơi việc làm của mình, đồng thời cho ra những hành động cụ thể và thực tế.

Cũng giống như một tác gia từng nói: Đời người tồn tại vô vàn những khả năng và cơ hội, quan trọng là chúng ta có sẵn sàng nắm bắt khi nó xảy đến hay không mà thôi.

Hi vọng mỗi một người đều có thể tự đưa ra được những đánh giá hợp lý về chính bản thân mình, lựa chọn cho mình một phương hướng phù hợp, rồi chuyên tâm nỗ lực đến cùng.



Theo Alexx

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên