Người "lười" cũng có cái phúc của người lười, có 3 kiểu "lười", càng biết sớm may mắn càng dày
Đạo xử thế, cốt là ở biết chừng mực. Làm người, vẫn nên “lười” một chút sẽ tốt, đừng quá bận tâm tới mấy lời bàn tán, đừng tức giận với người không đáng, càng đừng lo bò trắng răng, tự làm mệt mình.
- 07-10-2020Nghiên cứu gây bất ngờ: Những người thường xuyên căng thẳng, cô đơn, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường càng cao hơn
- 07-10-2020Phong thủy lợi hại nhất chính là 3 thứ tiềm ẩn trong mỗi người: Ở cùng người phải giữ miệng, ở một mình phải giữ tâm
Có câu: "Lãn nhân tự hữu lãn nhân phúc, nhất nhật thanh nhần nhất nhật tiên".
Ý muốn nói, người lười có cái phúc của người lười, một ngày nhàn rỗi, một ngày làm tiên.
Tất nhiên, chữ "lười" ở đây không phải chỉ sự vô công dỗi nghề, chỉ biết ăn ngủ lười lao động, "lười" ở đây là không thèm để ý, không cần thiết phải để ý, là một kiểu tâm thái của cuộc sống, một phương thức sống khiến con người ta ngày càng trẻ trung, hạnh phúc hơn.
01
Mấy lời nói không đâu, không thèm để ý
Vạn vật trên đời, tỷ người thì có tỷ khuôn mặt, mỗi người lại có một cái đầu, một cái miệng.
Giá trị quan của mỗi người là không giống nhau, phương thức tư duy vấn đề cũng khác nhau, vì vậy trong cuộc sống hàng ngày, rất khó để tránh khỏi mấy lời đàm tiếu không đâu.
Có người chỉ vì nghe được mấy lời không hay về mình mà tức giận, muốn tìm người ta đối chất ngay lập tức, làm vậy không chỉ hại mình mà còn khiến người khác cho rằng mình là một người đanh đá, cáu kỉnh.
Người khác bàn tán về bạn, đánh giá bạn, thậm chí phê bình bạn, bạn quá để ý, quá quan tâm tới suy nghĩ của người khác, là đang tự nhốt mình lại, tự khiến mình lo lắng, làm gì cũng sợ này sợ nọ, rất khó nên được việc lớn.
Trên thế gian này, nơi có người là có giang hồ, có giang hồ ắt có phân tranh, có phân tranh là sẽ có thị phi.
Vì vậy, sống trong cái xã hội 10 người 10 ý này, đừng chỉ mong nhận được những lời khen, mà còn phải biết tiếp nhận những phê bình, đối mặt với mấy lời không đâu, làm được cái gọi là "động tai chứ không động lòng", chẳng buồn để ý, có vậy mới bớt tự làm khổ mình, bớt ưu phiền.
Tâm rộng một thước, đường rộng một trượng, quá nhạy cảm, quá tính toán so đo với mấy chuyện vặt vãnh, thực ra chẳng có tác dụng gì.
Chuyện bé xé ra to, là đang tự tìm rắc rối cho mình, cứ vướng mắc quá lâu, ngược lại là đang tự hành hạ tâm lý của chính bản thân.
Sống ở đời, đừng bắt mình sống trong mấy lời không đâu, chỉ khi mặc kệ, không thèm để ý, sống đúng với cái tâm của mình, bạn mới có thể vui vẻ, mới có thể đạt được thành công.
02
Giả câm giả điếc, không thèm tức giận
Có người nói:
"Đời người giống như một vở kịch, vì có duyên nên mới tương ngộ.
Bên nhau trọn đời không dễ dàng, nên học cách trân trọng nhiều hơn.
Tức giận vì những chuyện nhỏ nhặt, ngoảnh đầu nhìn lại "sao phải thế?"
Người khác tức giận, tôi không giận, giận rồi bệnh ra ai gánh hộ.
Tôi tức giận rồi, ai đó như ý, há chẳng phải ngu ngốc ư?
Hàng xóm bạn bè người thân, không cần so sánh, chuyện con cái cứ để chúng tự quyết định.
Vui buồn có nhau, có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu, bạn đời của nhau chỉ cần có vậy."
Người với người, khó tránh khỏi những lúc bất đồng, tranh chấp tới đỏ mặt tía tai.
Nếu chỉ vì một vài xích mích nhỏ mà bạn tức giận, nông nổi, vậy thì một mối quan hệ dù trước đó có tốt đẹp tới đâu, cũng sẽ rạn nứt.
"Tức giận" có sức tàn phá rất lớn, nó không chỉ khiến bạn trở nên dễ ghét, ảnh hưởng tới tâm trạng mà còn kéo theo rất nhiều hệ lụy liên quan tới sức khỏe, quan hệ xã giao, gia đình hay chuyện học hành, sự nghiệp… nó là trở ngại lớn nhất đối với hạnh phúc trong cuộc sống, càng là rào cản cao chót vót trong sự nghiệp.
Nhịn một lúc, sóng yên biển lặng, lùi một bước, trời rộng sống dài.
Đối mặt với những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, hãy cố gắng kiểm soát cơn giận dữ của mình, đừng tùy tiện tức giận, càng đừng vì một lúc tức giận mà có những lời nói và hành động không hay, gây tổn thương tới người khác.
Tâm nếu so đo, đâu đâu cũng là oán than; tâm nếu khoan dung, khắc khắc đều là ngày xuân.
Đới người được có vài chục năm, há không để mình sống vui vẻ, tiêu diêu một chút?
Đừng cứ mãi vướng mắc với ai, đừng giận dỗi, hay cạch mặt ai cả đời. Mỉm cười nhìn cuộc sống, không tùy tiện tức giận, là bạn đã chiến thắng được chính mình, có được hạnh phúc.
03
Nghĩ ít ngủ nhiều, không thèm phiền não
Shakespeare nói: "Một người nếu suy nghĩ quá nhiều, sẽ mất đi niềm vui và sự thú vị khi làm người."
Sống ở đời, thuận buồm xuôi gió cũng được, thăng thăng trầm trầm cũng chẳng sao, rất nhiều chuyện, nếu đã qua rồi, vậy thì không cần nhắc lại nữa. Cứ trầm mình trong sự vướng mắc và oán than, chỉ khiến "tâm" càng mệt; cứ mãi tính toán và bất mãn, chỉ khiến bản thân thêm u sầu.
Lo lắng, có thể buông bỏ được thì hãy buông bỏ, cứ chấp niệm mãi không thôi, suy cho cùng cũng chẳng phải chuyện gì hay ho.
Làm người, đừng cứ mãi đắn đo lo lắng ngày mai, đừng quá lo lắng về tương lai. Dẫu sao thì chuyện chưa xảy ra, bạn có nghĩ nhiều tới đâu cũng là vô ích.
Sống, là để cho bản thân xem, ai cũng nên đối mặt với chính mình một cách trung thực. Quá khứ, thản nhiên đối mặt, tương lai, bớt nghĩ nhiều.
Trong mấy chục năm cuộc đời, đừng đâm đầu vào cái chưa biết hay vướng mắc với cái đã qua, mỉm cười chờ đợi, chỉ cần tâm "tĩnh", đường đi "vững", mọi chuyện ắt sẽ bình an vô sự.
Nhà tâm lý học người Mỹ William từng nói: "Phàm là những người quá thông minh, quá biết tính toán, thực ra đều là những người kém may mắn, thậm chí là bệnh tật hay đoản mệnh."
Trong cuộc sống, có rất nhiều chuyện, bớt tính toán sẽ bớt phiền não, bớt oán than sẽ tăng thêm hoan hỉ. Người suốt ngày tính toán, việc việc so đo, thường là những người bất hạnh.
Đạo xử thế, cốt là ở biết chừng mực. Làm người, vẫn nên "lười" một chút sẽ tốt, đừng quá bận tâm tới mấy lời bàn tán, đừng tức giận với người không đáng, càng đừng lo bò trắng răng, tự làm mệt mình.
Cuộc đời ngắn ngủi như vậy, gặp chuyện cứ thản nhiên, thoải mái lên một chút, thư giãn, cứ từ từ, bình tĩnh, bất kể tương lai ra sao, nói không với lo âu, đi làm những việc mình thích, tận hưởng cuộc sống, mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp cả thôi!
Báo Dân Sinh