Người mẹ của những đứa trẻ bất hạnh, bị bỏ rơi: “Mình đã nhận là con thì sẽ lo cho các bé cả đời”
Mang những đứa trẻ bất hạnh về chăm sóc như con ruột, người phụ nữ ấy chịu rất nhiều rắc rối, thậm chí tổn thương khi bị mang tiếng buôn bán trẻ con.
- 10-05-2020Chuyện nuôi dạy con thành kỳ tài nghiêm khắc nhưng thâm sâu của "tứ đại hiền mẫu" Trung Quốc": Mẹ là trường học vĩ đại nhất của con
- 09-05-2020Hoàng hậu Masako - người mẹ từng vượt qua căn bệnh trầm cảm, dùng kỷ luật thép để dạy con sống như thường dân, không có đặc quyền dù là công chúa
- 09-05-2020Cậu bé “thiểu năng trí tuệ” bị thầy đuổi học nhưng trở thành thiên tài vĩ đại nhất thế giới nhờ thứ này của mẹ
Một sáng chủ nhật, chúng tôi tìm đến ngôi nhà trong con hẻm nhỏ ở đường số 59 (quận Gò Vấp, TP.HCM) để tìm gặp chị Đoàn Thị Nga (hay còn gọi với cái tên Mai Anh Phương). Chưa bước lên bậc thang đã nghe tiếng trẻ con nô đùa. Dù bây giờ, căn nhà của chị đã vắng tiếng cười hơn so với cách đây vài tháng.
Bà mẹ cùng bầy con không cùng huyết thống.
Mẹ ruột bỏ, người dưng đem về nuôi
Một tay cầm bình sữa đong đưa, một tay ẵm cậu bé gương mặt kháu khỉnh nhưng có một dấu vết lạ trên vùng đỉnh đầu, chị Nga nói:
"Đây là Hoài Tâm, hơn 8 tháng tuổi rồi. Mình còn nhớ rõ hôm đó là ngày 5/8/2019, mẹ con đem con đến bỏ tại nhà rồi đi ngay không lời từ biệt. Mình lại ôm con thì thấy đầu có gì đó bất thường. Khi đi khám thì bác sĩ báo bé bị não úng thủy. Bé đã được mang đi Singapore mổ mấy lần rồi. Tới nay sức khỏe con cũng cải thiện lên nhiều lắm.
Còn kia là Ý Tâm. Ý Tâm được mẹ sinh tại BV Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh) vào tháng 9 năm ngoái rồi bỏ đi. Mình thấy tội, lên làm thủ tục nhận bé về nuôi cũng cực lắm. Bé có tật xương khớp, chân cao chân thấp nên tập bò cũng khó khăn…"
Mỗi một đứa trẻ được chị Nga nhận nuôi là một câu chuyện buồn.
Tổng cộng trong ngôi nhà đang thuê, chị Nga đang nuôi 5 đứa trẻ với chung hoàn cảnh không có cha mẹ, gia đình bên cạnh. Phần nhiều trong số ấy đều đau bệnh.
Khi được hỏi nhiều vậy lo sao xuể, chị cười xòa, đáp rằng mới cách đây mấy tháng, xung quanh chị là cả "bầy con" gần 20 đứa.
Những đứa trẻ có chung hoàn cảnh bị cha mẹ chối bỏ.
Chị Nga kể, hồi nhỏ nhà đến 11 anh chị em nên cuộc sống khó khăn lắm. Sau đó, có một cô thấy thương mới sang đặt vấn đề với cha mẹ được nhận Nga làm con nuôi. Chị lớn lên, nên người trong sự bảo bọc của 2 cha, 2 mẹ từ nhỏ nên khi thấy ai thiếu hơi ấm gia đình là lại thương, luôn cố tìm cách giúp đỡ.
Hồi còn ở quê, chị Nga tập tễnh bước vào hoạt động thiện nguyện bằng những chuyến đi giúp đỡ đồng bào lũ lụt, hỗ trợ phương tiện mưu sinh cho họ.
Vừa mở shop kinh doanh quần áo vừa làm quản lý cho một công ty, chị Nga cố dành thời gian để vào các bệnh viện tìm hiểu và kêu gọi giúp đỡ cho các hoàn cảnh khó khăn. Dần dần, chị quen với nhiều người cũng đam mê việc thiện nguyện.
Dù bận rộn và phải thuê bảo mẫu, người phụ nữ vẫn dành thời gian mỗi ngày cho các con nuôi ăn uống.
Cứ ca này vừa xong lại đến ca khác, chẳng biết từ khi nào chị Nga trở thành cứu cánh cho các trẻ em bất hạnh.
"Một lần khi đi từ thiện ở Quảng Ngãi, mình vô tình chứng kiến một trường hợp bé sơ sinh bị bỏ ngoài đường, kiến cắn khắp người và không qua khỏi. Kể từ sự việc đau lòng đó, mình nảy sinh ý định sẽ phải có một nơi cho các mẹ đang mang bầu, trẻ bị bỏ rơi nương tựa" – chị Nga nói.
Chị Khánh Ngọc, bảo mẫu được chị Nga thuê phụ chăm trẻ cho biết, 5 tháng qua chị thấy chị Nga chăm sóc các bé như con ruột.
Vậy là năm 2018, chị bắt đầu thuê nhà tại đường Quang Trung (quận Gò Vấp) để làm chỗ tá túc cho nhiều mảnh đời.
Cứ hết bà bầu này đi lại đến người khác đến xin gửi con. Đau lòng thay, còn có trường hợp đến đòi bán con cho chị vì không có khả năng nuôi dưỡng.
Không nỡ nhìn tương lai các bé vô định, ai gửi chị Nga cũng nhận hết.
Không còn nhiều mạnh thường quân chung tay như trước đây, giờ đây chị Nga phải dành dụm tiền sinh hoạt cá nhân để lo ăn uống, quần áo cho các con nuôi.
"Mình đã nhận là con thì sẽ lo cho các bé cả đời"
Tiếng lành lan xa thì tiếng dữ cũng dồn dập. Nhiều người độc mồm ác ý đồn rằng chị Nga buôn bán trẻ em, không chăm sóc trẻ cẩn thận. Khi số trẻ tăng lên quá nhiều cũng là lúc chính quyền địa phương vào cuộc.
Chị Nga tâm sự, khi được cơ quan chức năng thông báo mình không đủ điều kiện nuôi nhiều trẻ, chị đã cố đáp ứng các thủ tục, chứng minh tài chính cũng như cho bảo mẫu đi học nghiệp vụ chăm sóc trẻ.
Một trẻ phải giám định ADN với mẹ ruột trước khi được trao trả cho gia đình. Chi phí giám định do chị Nga chi trả.
Tuy nhiên lực bất tòng tâm, chị đành phải tìm các bà mẹ gửi con cho mình để trao trả lại các bé theo luật định.
Đó là lúc mà theo chị, những sự việc đau lòng đã diễn ra.
Chị Nga lo lắng cho những đứa trẻ đã được đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội hoặc được mẹ có hoàn cảnh khó khăn đem về nhà.
"Có bà mẹ không muốn nhận bé về nên tìm cách trốn tránh hoặc gửi cho gia đình hay các cơ sở bảo trợ xã hội tập trung. Ở những nơi đó đông trẻ, chắc gì các bé được chăm sóc chu đáo. Có người sinh con khi còn quá trẻ, lại nghèo, họ từng muốn bán con cho mình, tương lai của các bé sợ rằng cũng không được đảm bảo" – chị Nga cười buồn.
Chị Nga đã làm xong thủ tục nhận nuôi 3 đứa trẻ bị bỏ rơi.
Còn lại vài đứa trẻ không ai đến nhận, người phụ nữ cố gắng làm thủ tục nhận con nuôi.
Hiện tại, 3 đứa trẻ đã chính thức mang họ Đoàn của mẹ Nga.
Chị Nga khẳng định sẽ cố nuôi dạy các bé nên người.
"Mình đã nhận là con thì sẽ lo cho các bé cả đời. Sau này tụi nó còn phải học hành, lớn lên rồi cưới hỏi. Không biết còn sống được bao lâu để lo cho chúng. Chỉ mong sau này các con luôn khỏe mạnh, đứa nào bệnh thì nhanh chóng được chữa khỏi" – bà mẹ của những đứa trẻ bất hạnh mỉm cười chia sẻ.
Rời căn nhà đầy ắp tình thương của chị Nga, chúng tôi thấy Ngày của mẹ năm nay đẹp lạ lùng.
ICTVietnam