Người mua bảo hiểm nhân thọ lưu ý: Đã có sản phẩm bảo hiểm chính có cần mua thêm các gói bổ trợ?
Hiện nay, trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của các kênh bán bảo hiểm, đặc biệt là qua ngân hàng, lượng người tiếp cận bảo hiểm nhân thọ cũng tăng lên nhanh chóng.
- 15-01-2023Câu chuyện nào đón chờ cổ phiếu bảo hiểm trong thời gian tới?
- 31-12-2022Xử lý nghiêm ngân hàng 'ép' khách mua bảo hiểm
- 30-12-2022Có ngăn được tiền gửi tiết kiệm thành bảo hiểm nhân thọ?
Muôn vàn kênh để khách hàng tiếp cận bảo hiểm nhân thọ
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 127.511 tỷ đồng, tăng trưởng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, những doanh nghiệp có thị phần lớn phải kể đến Manulife, Prudential, Dai-ichi Life, Bảo Việt Nhân thọ, MB Ageas, BIDV MetLife...
Theo báo cáo của Vietnam Report, thị trường bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Cụ thể, với quy mô dân số ở mức 100 triệu người Việt Nam hiện chỉ có khoản 10% dân số có bảo hiểm nhân thọ. Trong khi các quốc gia khác trong khu vực mặc dù có số lượng nhân khẩu thấp hơn như Malaysia, Singapore lại có tỷ lệ này lên đến trên 50%.
Tiềm năng của thị trường cũng đã thu hút các ngân hàng tham gia. Các thống kê cho thấy doanh thu phí khai thác mới qua ngân hàng tăng trung bình 55%/năm giai đoạn 2019-2021.
Bancassurance vẫn tiếp tục được các nhà băng xem là "con gà đẻ trứng vàng" khi mà các cú bắt tay nghìn tỷ giữa ngân hàng và bảo hiểm liên tục được ký kết. Một số thương vụ nổi bật có thể kể đến như VietinBank - Manulife, Vietcombank - FWD, ACB - Sunlife, Techcombank - Manulife, MSB - Prudential, VIB - Prudential, Sacombank - Dai-ichi Life…
Không thể phụ nhận việc có sự tham gia của kênh ngân hàng khiến cho khách hàng mở rộng được khả năng tiếp cận cũng như có thêm sự lựa chọn trong việc mua bảo hiểm. Tuy nhiên, tăng trưởng bình quân 55%/năm như giai đoạn vừa qua được giới chuyên môn đánh giá là quá nhanh và có bộc lộ nhiều khiếm khuyết.
Khi mua bảo hiểm: Đã có sản phẩm bảo hiểm chính có cần mua thêm các gói bổ trợ?
Theo chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán, tham khảo kinh nghiệm ở các quốc gia đã phát triển, việc ngân hàng phân phối thêm các sản phẩm tài chính trong đó có bảo hiểm là một điều bình thường.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất của bảo hiểm đó là chất lượng của tư vấn viên. Việc các nhân viên ngân hàng cùng lúc kiêm nhiệm nhiều vị trí như vừa qua đã khiến cho chất lượng tư vấn khó được đảm bảo.
Ví dụ có trường hợp nhân viên ngân hàng không biết tư vấn về sản phẩm bổ trợ, khiến cho khách hàng chỉ mua sản phẩm chính mà không mua sản phẩm về bảo trợ tai nạn. Điều này dẫn đến một tình trạng rất khó chịu cho khách hàng đó là mặc dù trên danh nghĩa vẫn có bảo hiểm nhưng không được đền bù khi có tai nạn xảy ra.
Vì sản phẩm chính chỉ đền bù trong trường hợp tử vong do tai nạn, thương tật vĩnh viễn do tai nạn, hay tử vong do bệnh hiểm nghèo. Thậm chí có cả trường hợp là dù có bị tai nạn dẫn đến mất một chi nhưng cuối cùng cũng không nhận được khoản bồi thường.
Điều này có thể thấy rất rõ là quyền lợi khách hàng đã bị ảnh hưởng rất nhiều khi chỉ mua sản phẩm chính mà không mua kèm các sản phẩm bổ trợ.
Ngoài ra, có những trường hợp các nhân viên tư vấn không đề cập đến các điều khoản loại trừ hoặc các trường hợp không được chi trả nếu có sự kê khai không trung thực.
Hay cũng có một số trường hợp, nhân viên vì mức phí hoa hồng mà cố gắng bán những hợp đồng có giá trị cao nhất có thể cho người tiêu dùng, thay vì bán những sản phẩm phù hợp với điều kiện tài chính của khách hàng. Điều này dẫn đến việc khách hàng hay người tiêu dùng khó đi theo lâu dài với hợp đồng làm mất đi ý nghĩa bảo vệ và gián tiếp tạo ra những luồng ý kiến thiếu thiện cảm khi nhắc đến bảo hiểm.
Thực trạng tư vấn thiếu chuyên nghiệp không chỉ có ở hoạt động bancassurance, không ít trường hợp cá biệt cũng nằm ở các công ty bảo hiểm.
"Nếu chỉ xét đến các loại phí bảo hiểm rủi ro thuần túy (bảo hiểm không tích lũy) bao gồm tử kỳ, sức khỏe, bệnh hiểm nghèo thì thông thường chỉ chiếm khoảng 5% thu nhập của một người là chấp nhận được.
Còn nếu như tham gia các dòng sản phẩm liên kết đầu tư thì lúc bấy giờ phí phân bổ rủi ro tử vong, bảo hiểm bổ trợ, tai nạn cũng không được vượt quá 5%, phần đầu tư thì có thể chiếm 15-20% thu nhập vì đó là phần đầu tư" ông Đán chia sẻ về cách phân bổ.
Hiện nay, các đơn vị bảo hiểm hoặc ngân hàng đều công khai tất cả sản phẩm và điều khoản trên trang web, khách hàng có thể chủ động tham khảo và phân bổ thu nhập cho phù hợp với thu nhập trước khi đi đến quyết định mua bảo hiểm.
Nhịp Sống Thị Trường