MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người mua là vua

Đúng theo dự tính, Bộ Công Thương đã đưa ra phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện từ tháng 3/2019. Trước đó, tôi thấy tiếc khi thông điệp ngành điện thiếu than trầm trọng được đưa ra vào dịp cuối năm 2018, bởi vốn dĩ than với điện đã gắn liền với nhau bao nhiêu năm nay. Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đưa thông điệp cảnh báo rằng, có thể đầu năm 2019 sẽ phải cắt điện, thiếu điện, không đảm bảo được cho xã hội.

  • Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...

Tôi còn nhớ khi Thủ tướng làm việc với Bộ Công Thương, một trong những chủ đề lớn được đề cập đến vẫn là câu chuyện về điện than. Thủ tướng cũng từng đưa ra một thông điệp rất mạnh mẽ, nếu không cung cấp đủ điện thì sẽ có người bị kỷ luật. Tôi rất hoan nghênh. Việc Thủ tướng đưa ra thông điệp mạnh như vậy là rất đúng, rất cần thiết.

Nhưng theo tôi, ngoài câu chuyện thiếu điện, ngay cả việc giám sát tăng giá điện như thế nào cũng là câu chuyện phải làm. Theo tôi, không nên chỉ để hai cơ quan xưa nay quyết định về giá điện là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Bởi tôi cảm thấy cơ chế đó chưa đủ minh bạch, thiếu cơ chế để chuyên gia, nhà khoa học, rồi người dân và xã hội tham gia, đóng góp thêm, xem cách tính toán như vậy đúng hay chưa?

Suy cho cùng, người dân là người trả tiền, nên họ phải có quyền chứ? Chúng ta thường nói “người mua là vua”, nhưng trong trường hợp này, người dân bao giờ cũng bị lép vế. Trong năm qua cũng có chập chờn trong việc tăng giá điện, nhưng Chính phủ đã kiểm soát gắt gao, để không ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhất là đến chỉ số lạm phát, tăng trưởng, đến người tiêu dùng…

Về thời điểm, có vẻ như Bộ Công Thương đã tính toán, đến cuối năm 2018 lạm phát đã giữ được ở mức cho phép, kinh tế tăng trưởng tương đối tốt. Thế nên có thể họ nghĩ tăng giá điện không ảnh hưởng đến lạm phát. Và nếu tăng vào đầu năm mà không may đến cuối năm lạm phát có tăng, thì họ sẽ cho rằng, đó là do quá trình của cả năm chứ không phải nguyên nhân từ tăng giá điện. Đó cũng là cách họ chọn thời điểm khéo để không bị ảnh hưởng đến họ.

Để sòng phẳng, minh bạch với người tiêu dùng, tôi mong rằng, các phương án được đưa ra sẽ không chỉ là ý kiến của Bộ Công Thương, mà nên tranh thủ ý kiến thêm để cho đảm bảo tính khách quan. Tuy nhiên, việc hỏi ý kiến cũng phải là hỏi thật chứ không phải hỏi cho có. Cùng với đó, cơ quan kiểm toán cũng cần tham gia vào quá trình này, giúp cho câu chuyện giá điện thêm minh bạch.

Tôi còn nhớ cách đây vài năm, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán, và yêu cầu ngành điện phải bóc tách, gạt ra khỏi chi phí cấu thành giá điện hàng nghìn tỷ đồng. Cơ quan này nếu làm tốt cũng có thể giúp định hình lại cách đầu tư phát triển của ngành điện.

Tôi nghĩ, ngành điện nên học bài học của ngành viễn thông, ngành vốn cực kỳ nhạy cảm cả về an ninh quốc phòng, nhưng chúng ta đã tạo ra sự cạnh tranh khá sớm, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển, còn người tiêu dùng lại được hưởng lợi.     

Theo Thành Nam (ghi)

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên