MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Mỹ "chết lặng" trước năm 2020 đầy sóng gió: Đây là năm tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi!

30-08-2020 - 10:12 AM | Tài chính quốc tế

Covid-19, thất nghiệp, thế giới chìm trong biển lửa, bà Vollmer nói, đây gần như là một bức chân dung về cuộc sống hiện tại.

Trong thảm họa cháy rừng ở California gây thiệt hại trên diện rộng, một bức ảnh ngay lập tức trở thành biểu tượng cho những thảm họa của năm 2020: Trên sườn đồi rực lửa dựng một tấm biển yêu cầu khách đến trung tâm dành cho người cao tuổi phải đeo khẩu trang, rửa tay, chú ý an toàn. "Hãy đến và tham gia với chúng tôi", tấm biển như đưa ra lời kêu gọi rùng rợn.

Covid-19, thất nghiệp, thế giới chìm trong biển lửa.

Judi Vollmer nói, đây gần như là một bức chân dung về cuộc sống hiện tại - chiếc xe moóc (nhà lưu động) của bà đã bị thiêu rụi vào tuần trước và vài ngày trước, bà nhận được tin người cha 92 tuổi đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SAR-CoV 2.

"Đây là năm tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi”, bà Vollmer than thở.

 Người Mỹ chết lặng trước năm 2020 đầy sóng gió: Đây là năm tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi! - Ảnh 1.

Tấm biển chào đón của trung tâm người cao tuổi giữa đám cháy rừng. Ảnh: AP

"Tất cả đã bị thiêu rụi"

The New York Times (NYT- Mỹ ) cho hay, bằng cách nào đó, tấm biển chào mừng bên ngoài trung tâm dành cho người cao tuổi Lake Berryessa vẫn đứng vững hôm thứ Ba khi một nhóm nhỏ cư dân tràn qua hàng rào và đường cấm do cảnh sát thiết lập để về kiểm tra những gì còn sót lại.

Ba người đã thiệt mạng - một trong số họ là người đàn ông 71 tuổi ngồi trên xe lăn - khi ngọn lửa quét qua ngôi nhà của họ trên sườn đồi. Các thành viên trong gia đình còn sống sót cho biết, họ đã cố gắng trốn thoát nhưng cuối cùng vẫn phải trú ẩn trong "hầm tránh lửa" tự chế.

Cộng đồng ven hồ này chủ yếu là những người về hưu và các gia đình trẻ đến từ các khu vực giàu có hơn của hạt Napa, làm việc trong các lĩnh vực làm vườn, nấu rượu và dịch vụ. Nhưng giờ đây, nhiều nơi chỉ còn trơ lại đống cốt thép và tro tàn.

Trong bối cảnh vừa trải qua đại dịch và cháy rừng, những người sống trong cộng đồng 1.700 dân vừa vớt vát được những chiếc đĩa trà sứt mẻ và những chiếc đèn lồng bằng gỗ từ khoảng 100 ngôi nhà bị phá hủy, lại đối mặt với vấn đề khác: Cuộc sống liệu có thể trở lại như cũ?

"Chúng tôi đã mất quá nhiều người và họ sẽ không bao giờ quay trở lại", Jerry Rehmke, 80 tuổi, nói. Ông và vợ, bà Marcia Ritz 77 tuổi, quản lý một cửa hàng bán đồ đồng quê. Chiếc xe moóc của bà, cũng như tất cả các bản vẽ và tranh sơn dầu do bà sáng tác đều bị thiêu rụi. Khoảng 50 chiếc xe moóc khác cũng chung cảnh ngộ.

"Tất cả đã bị thiêu rụi", bà Ritz nói với NYT.

Các quan chức cho biết, những đám cháy rừng không thể dập tắt ở miền Tây đã tàn phá California, khiến 7 người thiệt mạng và phá hủy ít nhất 1.690 ngôi nhà và các kiến trúc khác.

Cháy rừng dự kiến ​​sẽ hoành hành trong suốt mùa thu, đây mới chỉ là đầu mùa cháy mà thôi. Do đó, trong khi 15.000 nhân viên cứu hỏa đang nỗ lực để kiểm soát ngọn lửa thì hàng nghìn gia đình trở về sau khi sơ tán vẫn đang cân nhắc có nên chạy trốn lần nữa hay không.

 Người Mỹ chết lặng trước năm 2020 đầy sóng gió: Đây là năm tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi! - Ảnh 2.

Gia đình người dân địa phương chết lặng trước đống tài sản bị đám cháy thiêu rụi.

Hôm thứ Tư, Thống đốc Gavin Newsom nói rằng, khi mọi người trở về, con số thiệt hại có thể sẽ tăng lên. "Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến ​​một đám cháy quy mô như thế ở khu vực này của bang", ông nói. "Nó chứng minh thực tế - không chỉ là quan điểm - về biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu".

Bà Ritz chuyển đến Lake Belieza 13 năm trước để tiếp quản công việc quản lý cửa hàng đồng quê này. Các cửa hàng của họ phát triển mạnh trong thời gian dịch bệnh xảy ra, khi những người đi thuyền và câu cá điên cuồng đổ xô đến khu vực này để mua bánh mì kẹp gà và bánh xay thịt. Bây giờ mọi thứ đã kết thúc, đối mặt với công việc tái thiết trong nhiều năm và triển vọng kinh tế ảm đạm, Ritz cho biết bà đã sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn.

"Khách hàng của chúng tôi đều đã rời đi", bà cho biết vào một buổi sáng, sau khi trải qua một đêm ngủ trên đệm hơi bên ngoài cửa hàng. "Cuối năm nay, tôi sẽ ra đi. Vậy đó".

Dịch bệnh kéo dài vài tháng đã khiến những cư dân thuộc tầng lớp lao động đội ngũ nhà lưu động này kiệt sức. Một số người mất việc làm trong các nhà máy rượu và nhà hàng ở Napa.

Edward Morrison, 57 tuổi, mất công việc bán thời gian là giao hàng cho các công ty, bởi khi dịch bệnh tiếp diễn, các công ty đó đóng cửa. Ông có một người con trai sống gần Paradise. Một trận cháy rừng đã thiêu rụi thị trấn vào năm ngoái, khiến hơn 50 người thiệt mạng. Hiện nay, chiếc xe kéo của ông cũng đã bị phá hủy và mèo cưng mất tích. Ông phải gọi cứu hộ.

"Địa chỉ của ông?", người ta hỏi Morrison.

"À, địa chỉ của tôi đã bị thiêu rụi rồi", ông trả lời.

Không biết nên bắt đầu lại từ đâu

Bà Vollmer, người đã sống ở đây 18 năm, vẫn tiếp tục làm việc trong suốt đại dịch. Công việc với mức lương 13 USD/giờ ở cửa hàng đồng quê được coi là công việc cần thiết, và mặc dù bà bị bệnh hen suyễn, khách hàng đôi khi không chịu đeo khẩu trang nhưng bà vẫn tiếp tục làm việc và không bao giờ bị ốm.

Kể từ tháng 2, bà đã không được gặp người cha 92 tuổi sống trong viện dưỡng lão. Cho đến vài tuần trước, Vollmer nói bà nhận được một cuộc điện thoại thông báo, cha bà đã có kết quả dương tính với SAR-CoV 2. Vollmer nói, cha bà bị chứng mất trí nhớ và đôi khi không thể phân biệt được bà là con gái hay là vợ, nhưng cách đây không lâu, khi bà đến thăm và nhìn ông qua cửa kính, ông có vẻ rất phấn chấn.

"Tôi không biết, liệu cuộc sống còn có thể căng thẳng hơn thế này không", bà nói.

NYT cho biết, đám cháy cũng giống như đại dịch, đã ảnh hưởng nặng nề nhất đến những cư dân nghèo nhất California. Các chủ sở hữu có thể không lo lắng và vẫn theo kịp tình hình phức tạp và chi phí gia tăng của bảo hiểm tài sản. Tuy nhiên, Vollmer cho biết, sau trận cháy rừng cách đây vài năm, công ty bảo hiểm đã dừng hợp đồng. Chiếc xe moóc là khoản đầu tư cả đời và là kế hoạch nghỉ hưu của bà nhưng nó đã bị thiêu rụi cùng với 3.000 USD tiền mặt mà bà cất bên trong.

Hội Chữ thập đỏ đã bố trí cho bà ở một khách sạn gần sân bay Napa, cùng với bà còn có ba trong số năm con mèo đang nuôi — bà chỉ có thể giải cứu vài con này. Bà nhận được một túi giấy đựng đầy quần áo được tặng nhưng bà nói, đến cuối tuần, không còn được ở khách sạn, bà không biết mình sẽ đi đâu.

Bà cho biết mình dành rất nhiều tình cảm cho cộng đồng này. Khi người chồng mất cách đây 8 năm, phí hỏa táng do mọi người cùng đóng góp chi trả. Bà nói, bản thân không biết làm thế nào để bắt đầu lại ở tuổi 65.

"Chúng tôi đã sống sót qua kiếp nạn này", bà nói. "Chúng tôi cũng đã thoát chết khỏi những làn đạn nhiều lần. Chúng tôi rồi sẽ luôn ổn".

Theo An An

Tổ Quốc

Trở lên trên