Người Mỹ đang giàu hơn bao giờ hết nhờ chứng khoán và bất động sản
Đà tăng của chứng khoán và bất động sản khiến các hộ gia đình Mỹ lập kỷ lục 154,3 nghìn tỷ USD tổng tài sản trong quý II/2023.
- 31-08-2023Thiên đường du lịch ‘làm răng’: Tại sao một thành phố nhỏ dọc biên giới Mexico trở thành tụ điểm nha khoa cho người Mỹ?
- 12-08-2023Nhiều người Mỹ phải chuyển lịch sinh hoạt sang ban đêm để trốn cái nóng khủng khiếp
- 09-08-2023Nghịch lý một loại hải sản giá 650.000 đồng/kg, người Mỹ “không có để ăn” nhưng một quốc gia châu Âu lại khốn đốn vì phải tiêu huỷ hàng chục tấn/ngày
Hãng tin CNN cho hay đà tăng giá của thị trường chứng khoán cũng như bất động sản đã khiến tổng giá trị tài sản của các hộ gia đình Mỹ lập kỷ lục 154,3 nghìn tỷ USD vào quý II/2023.
Báo cáo của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho thấy bất chấp ảnh hưởng từ lạm phát trước đó, tổng tài sản ròng của các hộ gia đình và tổ chức phi lợi nhuận Mỹ đã tăng 5,5 nghìn tỷ USD, tương đương 4% trong khoảng cuối tháng 3 đến cuối tháng 6/2023.
Trước đó vào 3 tháng đầu năm, con số tăng trưởng này là 3 nghìn tỷ USD.
Theo CNN, phần lớn đà tăng trưởng giá trị tài sản này đến từ thị trường chứng khoán và bất động sản.
Tổng giá trị đầu tư chứng khoán của người Mỹ đã tăng 2,6 nghìn tỷ USD trong quý II, còn tổng giá trị bất động sản thì tăng 2,5 nghìn tỷ USD.
Con số 154,3 nghìn tỷ USD này cao hơn 2 nghìn tỷ USD so với kỷ lục 152 nghìn tỷ USD trước đó vào đầu năm 2022, qua đó thấy những dấu hiệu tích cực đến bất ngờ của nền kinh tế số 1 thế giới.
Phá vỡ dự đoán
Lạm phát cao vào tháng 3/2022 đã khiến FED buộc phải nâng lãi suất với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong 40 năm qua.
Động thái này đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, làm giảm giá cổ phiếu, hạ nhiệt thị trường bất động sản và gây nên lo ngại về một cuộc suy thoái.
Bất ngờ thay, những tín hiệu tích cực của nền kinh tế Mỹ đã đập tan nghi ngờ của nhà đầu tư, làm hồi phục thị trường.
Hàng loạt các tổ chức tài chính như Goldman Sachs đã hạ tỷ lệ nguy cơ suy thoái trong 12 tháng tới của Mỹ từ 35% xuống chủ còn 15%.
Giới truyền thông và chuyên gia nhận định nhiều khả năng nền kinh tế số 1 thế giới sẽ “Hạ cánh mềm” (Soft Landing), tức là lạm phát được kiềm chế nhờ nâng lãi suất nhưng kinh tế không chịu ảnh hưởng suy thoái.
“Tôi cảm thấy khá lạc quan về dự đoán hạ cánh mềm. Tôi nghĩ bạn sẽ phải thừa nhận rằng chúng ta đang đi trên lộ trình giống hệt hạ cánh mềm”, Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen tự tin nói.
Hãng tin Bloomberg cho hay lạm phát của Mỹ đã về mức 3% mà không hề khiến thị trường lao động hay GDP chịu ảnh hưởng nặng nề.
Theo CNN, tỷ lệ thất nghiệp mới công bố gần đây của Mỹ đang ở mức thấp nhất trong 50 năm qua. Lượng việc làm tuyển dụng đã tăng trưởng tháng thứ 32 liên tiếp còn tiền lương điều chỉnh theo lạm phát cũng đã đi lên.
Theo Bloomberg, những số liệu tích cực của thị trường lao động đã chứng tỏ sự đúng đắn trong quan điểm của Bộ trưởng Yellen.
Trong suốt những năm qua, bà Yellen đã liên tục khẳng định niềm tin rằng lạm phát sẽ được khống chế về mức mục tiêu 2% mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến.
Cùng với những số liệu về tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng một cách bền vững, thị trường bất động sản ổn định trở lại bất chấp lãi suất tăng cao, các chuyên gia kinh tế hiện nay hầu như đã loại bỏ hoàn toàn dự báo suy thoái cho nền kinh tế Mỹ.
*Nguồn: CNN, Bloomberg
Nhịp sống thị trường