Người Mỹ phát cuồng 1 trang TMĐT Trung Quốc: Chịu lỗ để người dùng được mua giá rẻ, chi 145 tỷ đồng để quảng cáo trong siêu sự kiện
Nền tảng hiện được truy cập nhiều thứ tư tại Mỹ, sau Amazon, Walmart và eBay.
- 16-11-2023'Nỗi đau' sau mác 'gã khổng lồ TMĐT' của Temu: Bán 8 cọ trang điểm giá chưa đầy 1 USD lại freeship quốc tế, cắn răng chịu lỗ hơn 700 nghìn đồng/đơn hàng
- 05-09-2023Sàn TMĐT 1 năm tuổi đe dọa vị thế Shopee, Lazada, khiến quốc gia ĐNÁ phải xem xét cấm nhập khẩu hàng giá rẻ từ Trung Quốc
- 22-08-2023Cả ĐNÁ mê mệt một sàn TMĐT: Trở thành hiện tượng nhờ cộng đồng siêu tương tác, giúp người bán đổi đời chỉ sau 1 video
Năm thứ hai liên tiếp, người xem giải Super Bowl sẽ được tiếp cận quảng cáo của Temu - nền tảng mua sắm trực tuyến đến từ Trung Quốc. Sự kiện cho thấy mức độ chịu chi của công ty mẹ PDD sau khi Temu phủ sóng loạt các kênh quảng cáo trực tuyến trong năm nay và hiện đang tìm cách tạo tiếng vang lớn hơn trong lĩnh vực quảng cáo truyền thống. Được biết, giá cho 30 giây quảng cáo Super Bowl LVIII phát sóng trên kênh CBS dao động trong khoảng 6 triệu USD đến 7,2 triệu USD (145 tỷ đồng đến 181 tỷ đồng)
Trong nỗ lực trở thành một nền tảng phổ biến và thu hút được một lượng lớn người tiêu dùng, Temu đang chi tiêu rất phóng khoáng và điều này tác động đến hoạt động kinh doanh quảng cáo trực tuyến nói chung. Theo báo cáo của Goldman Sachs, hiện định giá Temu đang ở mức 37 tỷ USD, tăng từ mức 20 tỷ USD.
“Temu và đối thủ Shein đang tác động đến chi phí quảng cáo, đặc biệt là ở một số kênh trả phí trên Google và Meta”, Giám đốc điều hành Joshua Silverman cho biết.
Susan Li, giám đốc tài chính của Meta, cũng thừa nhận các nhà bán lẻ Trung Quốc giấu tên đã giúp duy trì hoạt động kinh doanh quảng cáo của công ty trong những tháng gần đây.
Theo công ty thị trường Sensor Tower, 46% chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số của Temu trong năm nay dành cho Facebook, 22% dành cho Instagram và 15% dành cho YouTube.
Trước đó, Temu, nền tảng bán lẻ trực tuyến có trụ sở tại Boston, đã xuất hiện trước công chúng Mỹ trong giải Super Bowl hôm 12/2. Theo công ty Apptopia, Sensor Tower phát hiện ra rằng hơn 426.000 người dùng đã tải xuống ứng dụng trong tuần Super Bowl diễn ra. Temu hiện là trang web bán lẻ được truy cập nhiều thứ tư tại Mỹ, sau Amazon, Walmart và eBay.
Các khoản đầu tư lớn vào Super Bowl phản ánh chiến lược của Temu trong việc sử dụng ngân sách quảng cáo xa hoa, được tài trợ bởi chính PDD, nhằm thiết lập sự hiện diện ở Mỹ.
“Trọng tâm là thu hút khách hàng bằng mọi giá. Họ cần một lượng lớn dữ liệu khách hàng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh trở nên cạnh tranh hơn”, Sky Canaves, nhà phân tích cấp cao của Insider Intelligence nói và cho biết chính điều này đã phản ánh cách công ty mẹ PDD giành thị phần từ các gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc.
Một yếu tố quan trọng khác trong chiến lược của PDD là “trò chơi hóa” các chiến dịch tiếp thị, cho phép khách hàng nhận thêm khuyến mại nếu quay lại trang web thường xuyên hoặc giới thiệu bạn bè. Người tiêu dùng Mỹ không thường xuyên mua sắm trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến, song phía các công ty Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều để khuyến khích hành vi này.
“Khi chúng tôi phát triển và thu hút nhiều khách hàng hơn, marketing truyền miệng có sức ảnh hưởng rất tốt”, người phát ngôn của Temu cho biết.
Tuy nhiên, theo Canaves của Insider Intelligence, thách thức lớn nhất đối với Temu là giảm bớt sự phụ thuộc vào các quảng cáo đắt tiền như Super Bowl, đồng thời thuyết phục các thương hiệu tên tuổi bán sản phẩm trên nền tảng của mình. Ngoài ra, Temu cũng được cho là nên tìm cách thu hẹp khoản lỗ trên mỗi đơn hàng để tối ưu hóa lợi nhuận.
Được biết Temu đang lỗ trung bình 30 USD (hơn 700 nghìn đồng) trên mỗi đơn hàng khi cố gắng thâm nhập thị trường Mỹ. Theo công ty tài chính China Merchants Securities, Temu, hoạt động tại thị trường Canada, Australia và New Zealand, cũng đang lỗ từ 4,15 tỷ RMB đến 6,73 tỷ RMB (588 triệu đến 954 triệu USD) mỗi năm (khoảng 24 tỷ đồng). Nhiều thương hiệu nhỏ lẻ bị gây áp lực giảm giá bán đến cùng cực.“Chúng tôi đang làm việc không công cho Temu để Temu có thể thu hút nhiều khách hàng Mỹ hơn”, một người bán tên Sandy nói.
Ở Mỹ, Temu miễn phí hầu hết các hình thức vận chuyển. Tờ The Wired xem xét nhiều phân tích về chi phí vận chuyển, bao gồm cả dữ liệu từ công ty nghiên cứu tài chính Haitong International Securities Group, cho biết chi phí vận chuyển 1 gói hàng nhỏ từ Quảng Châu (nơi Temu đặt kho) đến Mỹ rơi vào khoảng 14 USD. J&T Express, đối tác vận chuyển của Temu chịu một số khoản phí, song phía ứng dụng vẫn phải trả 9 -10 USD cho mỗi đơn hàng.
Tính thêm một số chi phí khác, bao gồm chiết khấu và phiếu giảm giá tiền mặt, số tiền trung bình Temu mất cho mỗi đơn hàng đến Mỹ là khoảng 30 USD.
Theo đại diện Temu, mục tiêu dài hạn của công ty là người Mỹ mua hàng khoảng 30 lần mỗi năm trên nền tảng; mỗi đơn trị giá 50 USD. Như vậy, mỗi người dùng chi trung bình 1.500 USD/năm. Dữ liệu từ Zhanglian, cơ quan truyền thông đưa tin về ngành công nghiệp chuỗi cung ứng và vận chuyển Trung Quốc, cho biết giao dịch trung bình trên Temu là khoảng 25 USD.
Theo nhiều chuyên gia, mục tiêu trên khó trở thành hiện thực, nhất là trong bối cảnh Temu vẫn đang nỗ lực giành được sức hút trước Amazon. Khách hàng của Temu ở Mỹ chủ yếu là người châu Á với thu nhập hộ gia đình hàng năm dưới 30.000 USD.
An ninh tiền tệ