Sàn TMĐT 1 năm tuổi đe dọa vị thế Shopee, Lazada, khiến quốc gia ĐNÁ phải xem xét cấm nhập khẩu hàng giá rẻ từ Trung Quốc
Trong khi Shopee, Lazada chật vật vì những động thái bảo hộ thị trường thì Tiktok lại vẫn sống thoải mái và ngày càng ảnh hưởng đến nền kinh tế đặc thù tại ĐNÁ.
- 16-08-2023Vốn hoá công ty mẹ Shopee bốc hơi 10 tỷ USD sau 1 đêm
- 27-06-2023Hết hy vọng trên đất Mỹ, TikTok dồn lực tiếp cận ĐNÁ, lăm le khiến vị thế Shopee, Lazada lung lay
- 27-05-2023Vị thế Shopee, Lazada lung lay vì một ứng dụng hơn 1 năm tuổi
Theo tờ SCMP, hãng xuất khẩu quần áo Torajamelo của Indonesia hiện đang hạn chế đưa hàng sang Trung Quốc vì sợ bị sao chép một cách thiếu đạo đức.
Chính CEO Aparna Saxena của hãng đã phải thừa nhận rằng họ đang phải vật lộn để cạnh tranh với các sản phẩm từ Trung Quốc có giá thành rẻ hơn.
Trên thực tế không riêng gì Torajamelo, hàng loạt những doanh nghiệp Indonesia khác cũng không hề được phòng vệ thích đáng hoặc chuẩn bị đầy đủ để có thể cạnh tranh được với sản phẩm “Made in China”.
Tờ SCMP cho biết những sản phẩm nhái giá rẻ hoặc sao chép mẫu mã từ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Indonesia những năm gần đây nhờ sự phát triển vượt bậc của các trang thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee, Lazada hay thậm chí là chính Tokopedia của nước này.
Tiến sĩ Astrid Melasari Sugiana của trường đại học Bakrie University cho biết thậm chí đến những người chuyên nhập khẩu quần áo giá rẻ từ Trung Quốc về phân phối hiện cũng đã bắt đầu lo lắng khi lợi nhuận của họ bị phụ thuộc quá nhiều vào tỷ lệ ăn chia của những trang TMĐT này.
Tuy nhiên để nói về TMĐT thì Tiktok Shop mới là cái tên khiến nhiều người chú ý nhất, bất kể là ở Indonesia hay thị trường Đông Nam Á (ĐNÁ). Cũng chính vì sự bành trướng thái quá này mà Indonesia đã phải có hành động nhằm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp nội địa.
Cái giá phải trả
Theo SCMP, Tiktok đã chi hàng tỷ USD để tiếp cận miếng bánh thị trường TMĐT tại ĐNÁ và khi đã khống chế được sự phụ thuộc của nhiều người bán hàng tại các nền kinh tế thì thương hiệu này bắt đầu đặt ra luật chơi của mình.
Bên cạnh những tranh cãi về thay đổi tỷ lệ phân chia lợi nhuận, gần đây việc Tiktok, vốn ban đầu chỉ là mạng xã hội đăng tải các clip ngắn, yêu cầu các kênh phân phối bán những sản phẩm mang thương hiệu của chính Tiktok đã làm bùng lên tranh cãi dữ dội.
Trên thực tế, nước đi này đã từng được trang TMĐT nổi tiếng của Trung Quốc là JD.com áp dụng với khẩu hiệu “Made by JD”, qua đó buộc các nhà phân phối bán những sản phẩm của chính nền tảng này bên cạnh những mặt hàng khác.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng thương mại Indonesia Zulkifli Hasan vào cuối tháng 7/2023 đã tuyên bố đang xem xét ban hành lệnh cấm nhập khẩu bất kỳ sản phẩm nào có giá trị dưới 100 USD giao dịch qua các sàn TMĐT, nhằm bảo vệ những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Động thái này của Indonesia diễn ra trong bối cảnh vô số công ty nội địa than phiền về sự cạnh tranh không lành mạnh cũng như hối thúc chính phủ có chính sách bảo hộ doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương trước sự lan tràn của các sản phẩm giá rẻ Trung Quốc.
Trong báo cáo của Liên đoàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ Indonesia (MCSME) có ghi rõ rằng mức giá thấp bất hợp lý nhập khẩu từ nước ngoài đang loại bỏ lượng lớn nhiều công ty nhỏ nội địa khi không thể cạnh tranh nổi.
Mặc dù động thái của Bộ thương mại Indonesia nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp trong nước nhưng chúng cũng làm gia tăng những lo lắng về các hệ lụy đi kèm.
Đầu tiên là về tính khả thi của quy định mới. Theo CEO Saxena của Torajamelo, cho dù Indonesia có cấm các mặt hàng nhập khẩu giá rẻ thì chúng cuối cùng cũng tìm được đường thâm nhập thị trường bằng một phương thức khác, bất kể là đường chính ngạch hay phạm pháp.
“Sẽ có những ông chủ nhà giàu sẵn sàng chấp nhận trả tiền phạt mà vẫn nhập được hàng về thôi. Quy định mới nếu được thông qua sẽ khó có hiệu quả nếu không có sự phối hợp của các bên thanh tra, kiểm soát”, CEO Saxena cho biết.
Ngoài ra, quy định mới nếu được thông qua cũng có thể ảnh hưởng đến chính những người nhập hàng giá rẻ bán lại ở trong nước, vốn đang phụ thuộc nhiều vào những sàn TMĐT.
Bởi vậy theo bà Saxena, Indonesia cần có một kế hoạch hoàn chỉnh nhằm phát triển công nghiệp sản xuất địa phương thay vì chỉ ban hành một lệnh cấm đơn giản.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Siwage Dharma Negara của ISEAS cho hay lệnh cấm mới nếu được thông qua sẽ đe dọa đến thị trường tự do cũng như làm giảm hiệu quả của nền kinh tế, đem lại thêm gánh nặng cho nhiều người dân.
Theo ông Negara, chính phủ Indonesia nên xem xét một loại thuế mới hay rào cản đặc biệt thay vì chỉ ban hành một quy định không rõ ràng như trên.
Hơn nữa, nếu quy định mới được thông qua thì nhiều khả năng Indonesia sẽ phải đối mặt với các vụ kiện tụng lên Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) vì vi phạm quy định tự do thương mại.
Xin được nhắc là Indonesia không chỉ gia nhập WTO mà còn là thành viên của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc hậu thuẫn, vốn khuyến khích giảm bớt rào cản thương mại giữa các nước thành viên trong khu vực.
“Sẽ thế nào nếu hàng hóa Indonesia bán trên các sàn TMĐT bị những nước khác cấm lại tương tự?”, giám đốc Deborah Elms của Trung tâm thương mại Châu Á (ATC) đồng quan điểm.
Ai cần được bảo vệ
Tờ SCMP cho hay Indonesia không phải thị trường duy nhất trong khu vực chịu ảnh hưởng từ hàng giá rẻ, hàng đạo nhái từ Trung Quốc.
Tuy nhiên nền kinh tế lớn nhất ĐNÁ này lại dễ tổn thương hơn khi 99% hoạt động kinh doanh của họ là thuộc về các doanh nghiệp vừa và nhỏ, qua đó tạo ra 97% việc làm cũng như đóng góp 60% GDP cho Indonesia.
Bởi vậy, hàng giá rẻ và đạo nhái nhập khẩu từ Trung Quốc qua những sàn TMĐT như Tiktok Shop đang đe dọa cực lớn đến nền kinh tế này về dài hạn khi loại bỏ vô số những doanh nghiệp nội địa khỏi cuộc chơi.
Hiện rất nhiều công ty gia đình tại Indonesia chỉ có khoảng 2-5 nhân viên và được vận hành nhỏ lẻ nhưng lại đem lại nguồn thu cực lớn cho nền kinh tế.
Cũng tương tự như các nước láng giềng ở ĐNÁ khác, TMĐT ở Indonesia tăng trưởng rất nhanh trong 10 năm qua, nhất là khi có những ông lớn từ Trung Quốc tiếp cận thị trường.
Sự bùng nổ này giúp ngành tiêu dùng bùng nổ, kích thích kinh tế cũng như hạ thấp giá thành cho người dân.
Thế nhưng theo hãng logistic Locad, mặt trái của sự bùng nổ này cũng như hàng giá rẻ Trung Quốc là các ông lớn nước ngoài có đủ tài chính, nguồn lực để loại bỏ hơn 50% doanh nghiệp nội địa Indonesia trong dài hạn.
Xin được nhắc là số liệu của Momentum Works cho thấy Indonesia hiện đang là thị trường TMĐT lớn nhất ĐNÁ tính theo tổng giá trị doanh số.
Trong bối cảnh lượng gửi bưu kiện tăng hơn 800% và thị trường tràn ngập hàng giá rẻ Trung Quốc, Indonesia vào tháng 1/2020 đã hạ mức giá trị sản phẩm chịu thuế nhập khẩu từ 75 USD xuống còn 3 USD.
Động thái này của Indonesia đặt dấu chấm hết cho những người chuyên nhập hàng rẻ từ Trung Quốc về bán trên Shopee hay Lazada nhưng lại chẳng hề hấn gì với kênh phân phối qua Tiktok hay các mạng xã hội khác như Facebook, WhatsApp...
Rõ ràng, sự đe dọa của Tiktok Shop đến nền kinh tế Indonesia nói riêng và ĐNÁ nói chung về dài hạn là rất khó giải quyết.
*Nguồn: SCMP
Nhịp sống thị trường