MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Mỹ và cơn 'nghiện nợ': Đi vay hơn 15.000 tỷ USD chỉ trong 3 tháng, mức cao chưa từng thấy

10-11-2021 - 14:53 PM | Tài chính quốc tế

Người Mỹ và cơn 'nghiện nợ': Đi vay hơn 15.000 tỷ USD chỉ trong 3 tháng, mức cao chưa từng thấy

Các hộ gia đình Mỹ đang gánh số nợ kỷ lục hơn 15.000 tỷ USD khi giá nhà và ô tô tăng.

Theo báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 9/11, tổng nợ của các hộ gia đình Mỹ trong quý 3 đã leo lên mức kỷ lục 15,24 nghìn tỷ USD, tương đương mức tăng 1,9%, hay 286 tỷ USD, so với quý 2 năm 2021.

Donghoon Lee, chuyên viên nghiên cứu của Fed New York, cho biết: "Khi những khoản hỗ trợ trong đại dịch giảm, chúng ta bắt đầu chứng kiến xu hướng dùng thẻ tín dụng". Người tiêu dùng đang quay trở lại chi tiêu bằng thẻ tín dụng của họ.

Dư nợ thẻ tín dụng đã tăng 17 tỷ USD trong quý 2, nhưng vẫn thấp hơn mức 123 tỷ USD vào cuối năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Nợ thế chấp, khoản nợ lớn nhất trong tổng nợ hộ gia đình, đã tăng 230 tỷ USD trong quý trước với số nợ là 10,67 nghìn tỷ USD. Dư nợ cho vay mua ô tô và nợ sinh viên cũng tăng lần lượt lên 28 tỷ USD và 14 tỷ USD.

Mặc dù dư nợ thẻ tín dụng chưa cao bằng mức tiền đại dịch, tổng nợ đã cao hơn 1,1 nghìn tỷ USD so với cuối năm 2019. Hiện tại là thời điểm người Mỹ chi tiêu mạnh tay nhất. Phần lớn các nhà kinh tế học giải thích là bởi "họ có khả năng".

Thị trường lao động hồi phục cùng với tình trạng thiếu hụt nhân công đẩy tiền lương tăng. Nhờ đó, người dân kiếm được tiền để chi tiêu cho kỳ nghỉ lễ. Đây là một điều tốt, bởi vì mọi thứ đang ngày càng đắt đỏ.

Lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều năm là bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng, điều khiến phí vận chuyển và nguyên vật liệu tăng. Đồng thời, nhu cầu người tiêu dùng cũng đang tăng chóng mặt.

Dữ liệu lạm phát mới nhất hôm 9/11 cho thấy chỉ số giá sản xuất tại Mỹ tăng 0,6% trong tháng 10 hoặc 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn sự gia tăng là do giá nhiên liệu tăng cao.

Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 2,1%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 5 và hầu hết là cũng do chi phí năng lượng tăng. So với tháng 10 cùng kỳ năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng lên 25,4%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 1 năm 1975.

Theo CNN Business


Khánh Ly

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên