Người người, nhà nhà giàu từ bất động sản, tôi cũng quyết bán nhà để đầu tư... để rồi mất nhà, ngập trong nợ nần
Cơn sốt đất đã dấy lên khát khao làm giàu từ không ít người. Vì "máu làm giàu", họ sẵn sàng bán nhà để đầu tư. Nhưng thực tế luôn khác với các tấm gương giàu nhanh từ đất, nhiều nhà đầu tư tay mơ phải ngậm đắng trong đống nợ nần.
Anh Nguyễn Ngọc (Hải Dương), 31 tuổi, là công chức nhà nước với mức lương 5 triệu đồng. Vợ anh làm kế toán cho một công ty tư nhân cũng chỉ có thu nhập 6 triệu đồng/1 tháng. Hai vợ chồng anh ở trong căn nhà 4 tầng mà bố mẹ đẻ mua cho khi lập gia đình.
"Nghĩ công chức nhà nước, hai vợ chồng thu nhập 11 triệu biết đến bao giờ có khoản tiền tiết kiệm. Tôi cũng mong muốn làm giàu và nghĩ đúng thật, chỉ có đầu tư bất động sản mới giàu được" – anh Ngọc kể.
"Bác tôi mua mảnh đất 2,1 tỷ ở thành phố Hải Dương. Hơn 1 tháng sau, đã có người trả 2,8 tỷ đồng. Anh họ tôi cũng đầu tư đất, sang tay vài vụ kiếm tới tiền tỷ. Đến cả đồng nghiệp cùng cơ quan tôi cũng đầu tư bất động sản. Lương công chức như tôi nhưng nhờ nhanh nhạy buôn đất ven khu công nghiệp giờ có trong tay khối tài sản 3 tỷ đồng. Tôi thấy hầu như ai đầu tư vào đất cũng lãi", anh Ngọc kể thêm.
Cuối năm 2020, sau nhiều lần đắn đo và phân vân, bất chấp sự phản đối của gia đình, anh Ngọc bán căn nhà 4 tầng bố mẹ cho và dồn tiền đầu tư 1 mảnh đất ven khu đô thị Nam Cường với mức giá gần 2 tỷ đồng. Số tiền còn lại anh mua một căn nhà ven thành phố Hải Dương. Tổng số tiền anh vay mượn thêm từ ngân hàng là 530 triệu đồng.
Thế nhưng, không may mắn như những trường hợp mà anh Ngọc kể, hơn 7 tháng trôi qua, đến hiện tại, mảnh đất mà anh mua vẫn chưa tìm được chủ mới. Điều đáng nói, từ cảnh chỉ lo chi phí sinh hoạt mỗi tháng, giờ đây, hai vợ chồng anh phải gánh thêm khoản nợ lãi và gốc.
(Ảnh minh hoạ)
"Dịch Covid-19 kéo dài, vợ chồng tôi thu nhập giảm. Nợ thì không giảm. Đất bán không được. Vợ chồng vừa bị áp lực tiền nong vừa bị bố mẹ hai bên gia đình nói: "Sướng không biết đường sướng, tự dưng ôm nợ vào thân". Chưa khi nào, tôi cảm thấy đau đầu như thế này" – anh Ngọc nói.
Cũng như trong tình cảnh của anh Ngọc, chị Ly phải về quê bố mẹ đẻ để "tránh dịch". Chị bảo "tránh dịch" thì ít mà muốn tiết kiệm tiền thì nhiều.
"Bạn bè tôi toàn tiền tỷ, buôn đất lãi cứ trăm triệu, đổi xe xoành xoạch. Tôi nghĩ nếu không đầu tư sớm thì cũng bỏ mất cơ hội". Vì muốn đổi đời từ bất động sản, chị Ly bất chấp lời can gián từ chồng, kiên quyết đòi bán chung cư và mảnh đất bố mẹ cho ở quê để đầu tư đất. Chị dồn toàn bộ tài sản, hùn vốn cùng bạn bè vào một số nơi đất nóng như Thừa Thiên Huế, Hòa Bình. Gia đình chị quyết định thuê một căn chung cư Cầu Giấy với mức giá 7,5 triệu đồng/tháng.
Ban đầu tôi tính toán đầu tư bất động sản, vay ngân hàng thêm 800 triệu đồng. Thu nhập của cả hai vợ chồng sẽ dành để chi trả tiền thuê nhà và nuôi con. Nhưng dịch bệnh kéo dài từ tháng 4, tôi thất nghiệp. Lại phải trả lãi hàng tháng, thu nhập không đủ để chi trả cho sinh hoạt phí. Hiện tại, chúng tôi trả phòng trọ, tôi và con về quê ngoại ở nhờ ông bà. Chồng tôi ra ở nhờ chị gái, vừa đi làm thêm, vừa kiếm tiền. Tôi mong sớm hết dịch, còn bán nhanh được đất. Dịch thế này, không có khách hỏi cũng không thể đi lại để dẫn khách xem đất được" – chị Ly cho biết.
Câu chuyện "nổi máu làm giàu", bán nhà để đầu tư không phải hiếm gặp. Ngay cả với những nhà đầu tư "cá mập", để có vốn, họ chấp nhận ở nhà thuê để dành tiền đầu tư. Tuy nhiên, công thức thành công từ buôn đất lại không áp dụng cho tất cả mọi người bởi điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời điểm, vị trí, khả năng thanh khoản sát phẩm.
Theo ông P.D, giám đốc sàn bất động sản, "Cơn sốt bất động sản đã bùng nổ tại các địa phương từ năm 2018. Nếu như các nhà đầu tư mới bước chân vào thị trường cuối năm 2020 đã muộn. Chưa kể, thời điểm hiện tại rơi đúng vào giai đoạn dịch bệnh, tình hình thị trường bất ổn, khó đoán định. Ngay cả những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, họ cũng không thể khẳng định 100% là thành công trên tất cả các sản phẩm đã kinh doanh".
"Thế nên, với những nhà đầu tư tay ngang, kinh nghiệm thương trường chỉ là lý thuyết, thông qua người khác kể, không có tính thực tế thì khả năng đầu tư thành hay bại phụ thuộc vào may rủi. Dù sao, hãy để những nhà đầu tư tay ngang từng mơ làm giàu phải trải qua giai đoạn đau đầu vì tiền thì họ mới hiểu rằng: Không có chuyện làm giàu quá dễ dàng", ông D. nhấn mạnh.