MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Nhật có hẳn viện nghiên cứu về củ khoai lang và bài toán chỉ 5% rau quả được chế biến của Việt Nam

Người Nhật có hẳn viện nghiên cứu về củ khoai lang và bài toán chỉ 5% rau quả được chế biến của Việt Nam

Tuy nhiều tiềm năng nhưng thực tế hiện nay chỉ 5% sản phẩm rau quả Việt Nam được chế biến, trong đó cũng chủ yếu là sơ chế.

Trước khi có dịch Covid-19, năm 2019 xuất khẩu rau quả tươi của Việt Nam đã sụt giảm so với năm 2018, nguyên nhân là do nhiều nước nhập khẩu tăng cường các biện pháp kiểm dịch thực vật, cấp phép nhập khẩu từng loại quả tươi, quá trình đàm phán xuất khẩu chính ngạch một loại quả kéo dài... Trong khi đó, rau quả chế biến xuất khẩu đã tăng trưởng liên tục, từ mức 296,13 triệu USD năm 2015 lên 566,15 triệu USD năm 2019 (gần gấp 2 lần).

Năm 2020, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu hoa quả tươi tiếp tục sụt giảm mạnh nhưng nhu cầu về hàng chế biến lại tăng mạnh. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit): "Công nghiệp chế biến đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng và an toàn cho người sử dụng, đặc biệt là thời hạn sử dụng lâu nên không bị ảnh hưởng nhiều khi chuỗi logistics bị đứt gãy".

Tuy nhiều tiềm năng nhưng thực tế hiện nay chỉ 5% sản phẩm rau quả Việt Nam được chế biến, trong đó cũng chủ yếu là sơ chế. Tại sao tỉ lệ chế biến rau quả Việt Nam lại thấp như vậy là câu hỏi được đặt ra với nhiều chuyên gia trong ngành.

Cần nguyên liệu tốt và công nghệ chế biến

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit chia sẻ trên tạp chí Forbes, một nền nông nghiệp tốt phát triển bền vững cần 2 yếu tố: nguyên liệu tốt và công nghệ chế biến bảo quản tốt. Nếu không xây dựng được song song hai yếu tố này thì không tránh khỏi bị lãng phí. Đơn cử, dù trồng cây trái gì, trái ngon, đẹp, đồng đều về kích cũng chỉ chiếm 30% sản lương, loại này dùng xuất khẩu tươi để có được giá tốt nhất. 70% không đảm bảo mỹ quan bán tươi phải được đưa vào chế biến.

"Ở Nhật Bản, riêng khoai lang đã có một viện nghiên cứu chế biến, chưa kể hàng trăm, hàng ngàn nông sản khác. Việt Nam chưa có các viện nghiên cứu chuyên biệt về trái cây, trong khi đó mỗi loại trái cây cần một công nghệ bảo quản chế biến khác nhau. Nghiên cứu chuyên sâu về bảo quản chế biến của chúng ta còn yếu.

Trong các đợt trái cây dư thừa, Vinamit cũng được kêu gọi giải cứu nhưng bất lực. Chúng tôi làm sản phẩm hữu cơ, nên nguyên liệu đầu vào cần đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra, có truy xuất nguồn gốc. Qua khảo sát sản phẩm cần giải cứu không sản xuất theo tiêu chuẩn nào. Công suất nhà máy cũng có hạn, cũng có kế hoạch sản xuất từ trước, không thể sản xuất khi không có thị trường đầu ra. Vì vậy, đầu tiên chúng ta phải tạo ra nguyên liệu tốt, ổn định, tìm được đầu ra. Khi có hai yếu tố này, đầu tư dây chuyền chế biến trở thành bài toán tài chính", ông Viên cho biết.

 Người Nhật có hẳn viện nghiên cứu về củ khoai lang và bài toán chỉ 5% rau quả được chế biến của Việt Nam  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Lâm Viên- Chủ tịch Vinamit

Lĩnh vực chế biến chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp

Theo Ông Phạm Quốc Liêm, CEO CTCP Nông nghiệp U&I (Unifarm) nhu cầu nông sản chế biến ngày một thu hẹp dẫn đến việc đầu tư vào lĩnh vực chế biến chưa thực sự trở thành hấp dẫn các doanh nghiệp.

"Ở một đất nước nhiệt đới, trái cây, rau củ quả phong phú như Việt Nam, thông thường nhu cầu tiêu dùng của con người sẽ muốn sử dụng sản phẩm tươi ngon nhất, trừ phi họ không có cơ hội. Vì vậy, dù vẫn luôn khuyến khích đầu tư vào công nghệ chế biến sâu để làm tăng giá trị nông sản, nhưng theo tôi, trước mắt các doanh nghiệp nên chú trọng đầu tư vào công nghệ bảo quản nông sản để giữ sản phẩm dù chỉ thể sản xuất trong một vụ nhất định, vẫn bảo quản tươi và cung ứng được quanh năm. Đáng tiếc, Việt Nam hiện chưa phải triển lĩnh vực này cả về nghiên cứu lẫn ứng dụng", ông Liêm phân tích.

Chưa có công nghệ chế biến cao

Đánh giá về con số 5% chế biến, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết nguyên nhân do Việt Nam chưa có công nghệ chế biến cao. Bên cạnh đó với việc đất đai manh mún và chưa có quy hoạch nên các vùng trái cây của Việt Nam phân tán nên doanh nghiệp gặp phải thách thức khó thu mua, vận chuyển.

Ngoài ra theo ông Nguyên, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn non trẻ, tiềm lực tài chính mỏng, chưa mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại. Mặt khác, trái cây Việt Nam đa dạng nhưng thường có thời vụ thu hoạch nhanh, thời hạn bảo quản ngắn, công nghệ bảo quản thấp. Chính những điều này gây khó khăn cho các nhà sản xuất đầu tư chế biến ở quy mô lớn. Giá cả nguyên liệu cũng thay đổi liên tục, bấp bênh khiến các nhà sản xuất thận trọng khi mở rộng chế biến ở quy mô lớn.

Theo Thảo Nguyên

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên