Người Nhật giàu nhưng vô cùng tiết kiệm, ngành kinh doanh đồ secondhand của họ trị giá hàng tỷ USD
Tất cả các thế hệ người tiêu dùng, từ trẻ đến già ở Nhật đều tìm thấy được cho mình nhiều sản phẩm để mua tại các cửa hàng đồ cũ.
- 27-07-2016Liệu NHTW Nhật Bản có gây sốc?
- 26-07-2016Tỷ phú giàu thứ 2 Nhật Bản toan tính gì với "canh bạc" lớn nhất đời mình?
Hôm nay cô Aiko Takahashi người Nhật đến cửa hàng đồ cũ để mua đồ cho con trai năm nay 5 tuổi. Khi cháu còn nhỏ, chủ yếu cô mua đồ mới cho cháu, nhưng đến khi ngoài 2 tuổi thì quần áo mua từ cửa hàng đồ cũ là một lựa chọn tốt và rẻ.
Ví như cuối buổi mua sắm ngày hôm nay, cô mua được cho con trai 7 chiếc áo phông rất đẹp đủ cho cháu mặc cả mùa hè với giá chỉ 400 yên, tức khoảng 90 nghìn đồng Việt Nam.
Cô Aiko đã là khách hàng quen của chuỗi cửa hàng Hard Off này nhiều năm nay. Đến cửa hàng, cô không chỉ mua quần áo mà thậm chí còn sắm sửa được tất cả những gì cần thiết cho con trai và bản thân, ví như quần áo, giầy dép, đồ chơi.
Ran Matsumoto cũng là một khách hàng quen của cửa hàng đồ cũ. Khi anh cần mua đồ, dù đó là đĩa DVD hay gậy đánh golf, điện thoại di động, anh sẽ đến tìm ở cửa hàng đồ cũ trước, nếu không được món đồ nào ưng ý anh mới suy nghĩ đến việc mua hàng mới.
Ran cho biết trong quá khứ anh từng không tin vào chất lượng của đồ cũ, nhưng nay anh đã thay đổi quan niệm của mình. Anh nhận ra rằng có nhiều món đồ cũ mà còn quá mới, dường như người chủ cũ chưa bao giờ dùng đến nó vậy.
Từ bát đĩa, cốc chén, tivi, tủ lạnh, lò vi sóng và tất cả những đồ gia dụng, nội thất anh đều mua ở hàng đồ cũ. Dù mức lương không thấp so với mặt bằng chung ở Nhật nhưng Ran quan niệm tiết kiệm được chút nào vẫn tốt hơn.
Hàng triệu người tiêu dùng Nhật như Aiko hay Ran đã giúp cho một ngành kinh doanh đồ cũ ở Nhật phát triển mạnh, bất chấp việc kinh tế Nhật tăng trưởng yếu trong thời gian gần đây. Còn theo nhiều chuyên gia thị trường, người Nhật giờ thậm chí còn chán cả đồ mới mà thích dùng đồ cũ.
Sẽ không hề là nói quá nếu khẳng định rằng các chuỗi cửa hàng đồ cũ ở Nhật chăm lo đủ cho nhu cầu của con người từ khi họ sinh ra cho đến khi chết đi. Bất kỳ thứ gì cần cho cuộc sống của con người đều có thể tìm thấy ở cửa hàng đồ cũ.
Nếu khi còn nhỏ, người ta đến cửa hàng đồ cũ để mua quần áo đồ chơi thì đến khi lớn lên, họ có thể đến mua nội thất, đồ gia dụng bát đũa cho ngôi nhà của mình. Họ thậm chí có thể mua cả váy cưới, trang sức cưới, hàng hiệu Louis Vuitton, Cartier, đồng hồ Thụy Sỹ hoặc bất kỳ thứ gì họ có thể nghĩ đến được trên đời.
Năm 2010, chuỗi cửa hàng đồ cũ Book Off lớn nhất tại Nhật công bố doanh số nửa sau của năm cao hơn 22% so với năm 2009. Và mức tăng trưởng doanh số đó vẫn tiếp tục được duy trì. Hệ thống các cửa hàng đồ cũ của Book Off tồn tại khắp các đô thị lớn cũng như cả vùng nông thôn Nhật.
Còn theo Rakuten, công ty hiện đang sở hữu hệ thống bán lẻ trực tuyến lớn tại Nhật cũng như nhiều nước khác, doanh số bán đồ cũ của hãng cũng tăng gấp đôi trong năm qua.
Trước đây tại Nhật, người ta từng có quan niệm rằng cửa hàng đồ cũ chỉ là nơi viếng thăm của những người thích sưu tập đồ cổ hay vài bạn trẻ đến mua váy giá rẻ. Nhưng theo chuyên gia quảng cáo cao cấp tại Viện nghiên cứu Hakuhodo, quan niệm đó đã thay đổi rồi.
Thế giới của những người ưa sưu tập đồ vẫn còn, thế nhưng ngày nay người ta chuộng quần áo, đồ nội thất và bát đĩa.
Các hãng bán lẻ Nhật đã nhanh chóng đón đầu xu thế trên. Bookoff liên tiếp khai trương nhiều cửa hàng mới với quy mô mỗi cửa hàng lên đến 1 nghìn mét vuông, bán đủ loại sản phẩm như áo phông, quần jeans, mũ và kính râm.
Giám đốc điều hành của Bookoff, ông Nobuhiko Hanzawa, tuyên bố: “Chúng tôi sẽ trở thành nhà kinh doanh quần áo cũ hàng đầu của Nhật bằng việc lựa chọn và bán ra thật nhiều mẫu quần áo giá cả phải chăng và rất thời trang.”
Trong một lần khai trương cửa hàng mới đây, 2.772 khách hàng đã đến cửa hàng Bookoff, nhiều người thậm chí xếp hàng từ 6-7 h sáng.
Cô Akiko Nagano, một người dân Tokyo 47 tuổi, cho biết đối với cô việc mua hàng ở đây không chỉ có ý nghĩa là mua hàng giá rẻ, mà là cảm giác chinh phục khi tìm được thật nhiều món đồ ưng ý ở mức giá rẻ bất ngờ.
Cô đã mua được cho con gái vài chiếc váy, mỗi chiếc giá chỉ khoảng 300 - 400 yên trong khi giá mới tại cửa hàng mà cô xem cách đó vài tháng cao hơn gấp 10 lần. Và đặc biệt váy còn rất mới, chính cô còn không hiểu tại sao người chủ cũ của nó có thể bỏ nó đi trong khi còn tốt như vậy.
Đối với những công ty đã sở hữu các trang mạng bán lẻ nổi tiếng từ trước đó, họ nhanh chóng tận dụng nó để bán cả đồ cũ. Nổi bật nhất phải kể đến Rakuten.
Từ trang chủ hiện tại của Rakuten, khách hàng có thể nhanh chóng chuyển sang trang kinh doanh đồ cũ với khoảng 5000 loại hàng hóa thường trực. Doanh số bán hàng chỉ riêng trong 1 tháng có thể lên đến 1,8 triệu sản phẩm bán ra.
Ban đầu, Rakuten bán thử nghiệm với 5 mặt hàng bao gồm máy ảnh, dụng cụ chơi nhạc, thiết bị gia dụng, trò chơi và sách. Sau đó khi doanh thu tăng trưởng quá nhanh, hãng đã mở rộng ra thêm nhiều chủng loại mặt hàng khác.
Ước tính, tổng quy mô của ngành kinh doanh đồ cũ tại Nhật lên đến hàng tỷ USD và mang đến việc làm cho hàng chục nghìn người Nhật và cả người nước ngoài tại Nhật.
Trí thức trẻ/CafeBiz