Người Nhật vừa tạo ra một dạng học viện kinh doanh mới, chuyên tái đào tạo những salarymen (người làm công ăn lương "suốt đời") đi tìm công việc khác
Salaryman là từ tiếng Anh người Nhật dùng để chỉ nhân viên văn phòng nói chung, đa số họ chỉ làm cho một công ty duy nhất từ lúc tốt nghiệp đại học đến khi về hưu.
- 16-07-2018Văn hóa làm việc “chết bỏ” lạ thường ở xứ hoa anh đào: Động đất sập nhà hay bom hạt nhân hủy diệt, người Nhật vẫn cứ… đi làm
- 19-06-2018Tính kỉ luật "số 1" của người Nhật: Động đất 6,1 độ richter, người dân vẫn bình tĩnh xếp hàng để di chuyển về nhà
- 16-04-2018Hàng chục nghìn người Nhật biểu tình kêu gọi Thủ tướng Abe từ chức
Chính vì việc đề cao sự trung thành tuyệt đối với một công ty nên không ít nhân viên dù cảm thấy mệt mỏi và chán nản nhưng vẫn cố gắng tiếp tục duy trì công việc của mình. Chuyển sang nơi khác làm việc là trường hợp hiếm gặp và người ta thường so sánh hệ thống thang chức công ty của Nhật với kiểu quản lý từ thời phong kiến. Thế nhưng mọi chuyện đã thay đổi nhờ Học viện kinh doanh đặc biệt của ông Matsuhiko Ozawa.
Vị Giám đốc của Học viện cho biết cách để giúp họ chuẩn bị cho nghề nghiệp tiếp theo của mình là tương tác với tư cách cá nhân chứ không phải đối tác kinh doanh. Ở một đất nước quan trọng việc giới thiệu như Nhật Bản, những sinh viên tại đây lại không trao đổi danh thiếp.
Tên, chức danh và thông tin cá nhân đều bị cấm để tránh tái hiện lại các hệ thống phân cấp văn phòng tồn tại trước khi học viên tham gia vào lớp học. Ông Ozawa nói: "Chúng tôi bắt đầu từ đầu và giúp những người này tìm lại chính mình".
Trong nhiều năm liền, các salaryman dường như chỉ làm việc vì sự trung thành, chăm chỉ mà thiếu đi yếu tố kỹ năng và sự nhạy bén. Trong những năm bùng nổ sau chiến tranh, các công ty ở Nhật đã tiếp nhận lực lượng lao động "suốt đời" – những người sẽ làm việc cho họ từ khi được nhận đến khi nghỉ hưu. Để được trả lương nhiều hơn, nhân viên chỉ cần có thâm niên lâu năm là đủ.
Đổi lại, nhân viên phải đáp ứng gần như toàn bộ các yêu cầu dù khó thực hiện của cấp trên. Các salaryman không thể từ chối việc đi công tác tại một chi nhánh cách hàng trăm cây số và chỉ được thông báo trước vài ngày. Trẻ em lớn lên hầu như không được hưởng sự quan tâm chăm sóc của người cha bởi với các salaryman công việc luôn được ưu tiên hơn gia đình.
Khoảnh khắc hiếm hoi người đàn ông dành cho gia đình ngoài công việc.
Theo Kazuya Ogura, một chuyên gia về lao động tại Đại học Waseda ở Tokyo, các nhân viên toàn thời gian của Nhật Bản phải làm việc 400 giờ mỗi năm, nhiều hơn so với các đồng nghiệp ở Đức hoặc Pháp.
Mặc dù vậy, salaryman vẫn kiên trì bám trụ với công việc của mình. Trước đây, chính phủ Nhật Bản đã hứa hẹn sẽ mang lại nhiều quyền lợi hơn cho những người ở dưới cùng của hệ thống phân cấp (công nhân thời vụ và bán thời gian) như một phần của cải cách tăng trưởng.
Thế nhưng với nhiều salaryman, việc gắn bó trọn đời với một công ty đã kết thúc sớm hơn dự kiến bởi không ít công ty không đủ khả năng trả lương cho nhân viên cho đến khi họ nghỉ hưu.
Salaryman tranh thủ ngủ trên tàu điện ngầm sau ngày làm việc căng thẳng.
Nhiều nhân viên dư thừa trong các ngành công nghiệp đang suy giảm như điện tử gia dụng trở nên khó đào tạo cho một công việc khác. Ông Ozawa cho biết hệ thống này sẽ hoạt động tốt khi mọi người chỉ sống đến khoảng 70 tuổi. Hiện nay, nhiều công ty đang đề xuất những "gói" hấp dẫn để nhân viên "trọn đời" nghỉ việc sớm.
Mặt khác, một số nhân viên đã tự nguyện nghỉ việc. Hiroyuki Ito, một sinh viên của Học viện của ông Ozawa đã nghỉ việc ở tuổi 45 sau 23 năm cống hiến cho công ty cũ. Lý do là vì ông cảm thấy công việc của mình nhàm chán. Giờ đây, ông đang theo học để được tái đào tạo và trở thành một giáo viên. Tất nhiên, việc đào tạo cần thời gian nhất định nhưng những người tham gia đều hi vọng vào một công việc mới đem lại cho họ nhiều cảm hứng làm việc hơn.
Trí Thức Trẻ/Economist