MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người nuôi cá sấu "được cứu"

06-06-2018 - 14:18 PM | Thị trường

Sau 2 năm rớt giá liên tục, giá cá sấu bất ngờ tăng mạnh trở lại hơn tuần qua vì thị trường Trung Quốc đáng hút hàng.

Người nuôi "sống lại"!

Bạc Liêu là tỉnh có số hộ nuôi cá sấu nhiều nhất ĐBSCL, chủ yếu tập trung tại huyện Phước Long với trên 1.000 hộ nuôi hơn 190.000 con cá sấu.

Khoảng 2 năm trước, do người dân nuôi ồ ạt trong lúc thị trường Trung Quốc giảm mua nên có nhiều thời điểm giá cá sấu giảm sâu chỉ còn 20.000- 30.000 đồng/kg. Nhiều hộ nuôi lỗ nặng, thậm chí phá sản, phải nghỉ nuôi.

Hơn tuần nay, thương lái bắt đầu thu mua cá sấu thương phẩm xuất sang Trung Quốc với giá cao khiến người còn duy trì đàn cá sấu ở Phước Long cũng như cả vùng ĐBSCL như "chết đi sống lại".

Người nuôi cá sấu được cứu - Ảnh 1.

Người nuôi cá sấu ở Bạc Liêu vui mừng vì giá tăng mạnh trở lại. Ảnh: Duy Nhân

Ông Nguyễn Văn Dương (ấp Long Hải, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long), người có thâm niên hơn 10 năm nuôi cá sấu, cho biết giá cá sấu ở thời điểm này tăng gấp đôi năm trước đã cứu được nhiều hộ nuôi thoát cảnh phá sản nhưng vẫn còn quá nhiều rủi ro. "Hiện các thương lái tìm mua cá một mùa (cá nuôi tròn một năm) để xuất sang Trung Quốc với giá từ 115.000 đến 135.000 đồng/kg. Trong khi đó, cá sấu nuôi từ hai mùa trở lên để chờ giá tăng thì hiện chỉ ở mức trên dưới 90.000 đồng một kg. Do đó, những hộ duy trì đàn cá sấu sau 2 năm rớt giá vẫn lỗ" - ông Dương nói.

Còn ông Mai Thanh Tuấn, ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cho biết giá thức ăn cho cá sấu (chủ yếu là cá phi) trên dưới 12.000 đồng/kg, 9 chuồng nuôi 450 con cá sấu, mỗi ngày cho ăn khoảng 100 kg cá mồi thì ông vẫn chưa có lãi. "Nếu giá cá lên được từ 160.000 đến 170.000 đồng/kg thì người nuôi mới có lãi để tái sản xuất, vì một con cá sấu giống hiện tại thấp nhất cũng đã 390.000 đồng" - ông Tuấn nhẩm tính.

Tại "vùng cá sấu" huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, giá cá sấu đã bắt đầu bật tăng từ đầu năm nay. Từ chỗ có giá chỉ khoảng 50.000 đồng/kg, hiện đã lên 140.000 đồng/kg cá loại 1. Tương tự, giá cá sấu loại 2 (từ 15kg/con trở lên) tăng lên mức 110.000 đồng/kg.

Tại một trại cá sấu lớn ở ấp 2, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, chủ trang trại cho biết hiện nơi đây đang nuôi gần 3.000 con cá sấu nhưng phân nửa trong số này đã quá lứa để xuất chuồng (bán chưa hết). Theo chủ trại, từ năm 2016 giá cá sấu bỗng dưng rớt thê thảm đến mức còn 50.000 đồng/kg, giá thấp, mỗi con cá sấu bán ra người nuôi lỗ khoảng 500.000 đồng, tuy vậy người nuôi vẫn nuôi nhiều để chờ tăng giá.

Người nuôi cá sấu được cứu - Ảnh 2.

Người nuôi cá sấu ở Định Quán, Đồng Nai rục rịch tăng đàn. Ảnh: Xuân Hoàng


Rục rịch tái đàn

Huyện Định Quán, hiện được xác định là nơi có đàn cá sấu nhiều nhất tỉnh Đồng Nai, với tổng đàn khoảng 110.000 con, hơn 300 trang trại. Vài năm trước, khi giá cá sấu ở mức cao, phong trào nuôi cá sấu ở đây cũng diễn ra cực mạnh. Khi giá bắt đầu lao dốc, nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ - từ 50 đến 80 con - đã ngưng để tránh lỗ, các trại lớn thì nuôi cầm chừng. Tuy nhiên, hiện nay bắt đầu có dấu hiệu nuôi ồ ạt trở lại.

"Từ đầu năm đến nay, khi giá cá sấu có dấu hiệu tăng lên, đã có khoảng 10 hộ đến đăng ký tái đàn" - ông Nguyễn Văn Chiểu, phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán cho biết.

Còn bà Lưu Thị Hường, chủ một vựa thu mua cá sấu tại ấp 2, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, cho biết hiện giá cá sấu đã ở mức tốt hơn so với thời điểm "khủng hoảng" 2 năm trước, với mức giá hiện nay, người nuôi đã có lãi từ 400.000 đến 800.000 đồng/con. Tuy nhiên, bà Hương thừa nhận dù giá tốt nhưng hiện lượng hàng xuất đi Trung Quốc vẫn chưa cao. "Trước đây, mỗi tháng tôi xuất khoảng 20 tấn, hiện nay cũng mới khoảng 10 tấn/tháng" - bà Hường cho hay.

Liên kết để tránh bị thao túng

Thế nhưng, trong niềm vui đó vẫn tiềm ẩn nhiều nỗi lo lớn. Vì thị trường của cá sấu Việt Nam hầu như phụ thuộc vào Trung Quốc. Khi Trung Quốc tăng sức mua thì giá cá sấu thương phẩm tăng, khi thị trường này giảm mua thì cá sấu lại rớt giá không phanh.

Cũng theo các chủ trang trại, thị trường Trung Quốc chủ yếu tiêu thụ mặt hàng cá sấu thịt. Còn thị trường trong nước lại thu mua cá sấu loại 1 để lấy da làm các mặt hàng như ví, thắt lung, giày dép, nhu cầu không cao.

Ông Lê Văn Tần, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, khẳng định giá cá sấu rớt thê thảm như thời gian qua là do bị thương lái thao túng. Vào thời điểm thương lái thu mua tại huyện chỉ 30.000 đồng/kg thì giá cá sấu thương phẩm tại thị trường Trung Quốc vẫn cao gần 200.000 đồng/kg. Do đa số người nuôi là tự phát mà chủ yếu bán qua thương lái chứ không còn đường tiêu thụ khác. Chính vì không liên kết với nhau để định giá cho sản phẩm nên mới bị thương lái lợi dụng, đưa ra mức giá thu mua chung, mặc sức thao túng, chèn ép giá nông dân. "Việc giá cá sấu tăng trở lại chỉ tạm thời cho người nuôi chứ chưa bền vững. Bài toán đầu ra cho các sấu hiện tại thật sự quá khó và quá tầm đối với địa phương vì vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc" - ông Tần phân trần.

Cũng theo ông Tần, việc xem xét thành lập Hiệp hội chăn nuôi cá sấu là vấn đề cần đặt ra. Thông qua hiệp hội này, không chỉ giúp ngành quản lý làm tốt vai trò định hướng trong tổ chức sản xuất, hoạch định kế hoạch cho phát triển nghề chăn nuôi động vật hoang dã gắn với công nghệ chế biến, mà còn làm tốt hơn công tác quản lý thay vì để nông dân phát triển chăn nuôi tự phát như lâu nay.

Ông Nguyễn Văn Phúc, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu, cũng cho biết phong trào nuôi cá sấu ở Bạc Liêu lâu nay đều tự phát. Nhiều người đua nhau làm chuồng trại để nuôi cá sấu khi giá tăng, dẫn đến hiện tượng cung tăng vọt, trong khi đầu ra lại phụ thuộc vào thương lái.

"Về giải pháp lâu dài, Bạc Liêu có lợi thế là một số trang trại được Cites công nhận cho phép mua bán cá sấu quốc tế nhưng hiện nay chỉ có thị trường Trung Quốc nên chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ cho nông dân. Sở Công Thương tỉnh đang tìm thêm thị trường ở các nước trên thế giới, đảm bảo trạng trại Cites này xuất khẩu nhiều hơn, từ đó đảm bảo mua hết cá sấu của dân thì mới hi vọng giá cá sẽ ổn định" - ông Phúc cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Xuân Lộc (quận 12, TP HCM), cho biết hiện đàn cá sấu của HTX khoảng gần 3.000 con và vận hành theo quy trình khép kín từ con giống đến sản phẩm cuối cùng (da cá sấu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ chế biến từ da cá sấu, thịt cá sấu, cao cá sấu,…). Đầu năm 2017 giá cá sấu chỉ có 60.000 đồng/kg, người nuôi bán cá sấu sống nguyên con lỗ nặng. Khi đó nếu HTX có vốn tung ra mua trữ 10.000 con cá sấu đến lứa xuất chuồng là có thể cân đối cung cầu nhưng không có khả năng nên phải để thị trường tự điều tiết.

"Chúng ta đã bàn đến việc phát triển bền vững nghề nuôi cá sấu đã lâu nhưng triển khai chậm do giá cả biến động quá lớn khiến các mối liên kết sản xuất- tiêu thụ trong nước bị phá vỡ. Chúng tôi đã từng đưa cá sấu con cho nông dân nuôi, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua lại với giá 120.000 đồng/kg, là mức giá mà người nuôi và đơn vị chế biến đều có lời nhưng hễ giá thị trường thấp nông dân bán cho HTX, giá thị trường cao họ bán cho thương lái. Chính vì thế HTX với tiềm lực có hạn chỉ có thể phát triển từ từ, không thể cùng nông dân phát triển nghề" – ông Thành bộc bạch.

Đàn cá sấu TP HCM giảm một nửa

Ông Lâm Tùng Quế, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP HCM, cho biết tổng đàn cá sấu trên địa bàn hiện nay là 76.840 con, so với giai đoạn 2011-2016 chỉ bằng khoảng một nửa. "Giá cá sấu trên thị trường hiện đạt khoảng 150.000 đồng/kg, người nuôi có lãi. Riêng về xuất khẩu chính ngạch, trong 5 tháng đầu năm đã xuất được 14.565 con, tăng 170% so với cùng kỳ năm 2017. Hiện đang vào mùa mưa, Chi cục Kiểm lâm TP HCM khuyến cáo các cơ sở nuôi gia cố chuồng trại để bảo đảm an toàn cho vật nuôi cũng như môi trường xung quanh. Chi cục sẽ thường xuyên kiểm tra điều kiện chăn nuôi của các cơ sở" – ông Quế nhấn mạnh.

Theo thống kê, TP HCM chỉ còn có hơn 40 trại nuôi cá sấu do tốc độ đô thị hóa cũng như tình trạng bất ổn thị trường khiến người nuôi thiếu mặn mà. Một người nuôi cá sấu có kinh nghiệm trên 30 năm tại TP HCM cho biết những năm 1997 trở về trước, nghề nuôi cá sấu lãi khủng khi giá có lúc lên đến 9 chỉ vàng/con. Đến năm 2007, thị trường mở cửa tự do cho thương lái nước ngoài vào mua trực tiếp từng trại, người Việt đi cùng chỉ là người làm công. Do đó, thị trường bị nước ngoài kiểm soát, giá cả bị định đoạt bởi bên mua do nghề nuôi cá sấu phát triển theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm, thậm chí là gà nhà đá nhau. Ng.Ánh


Theo Duy Nhân – Xuân Hoàng

Người lao động

Trở lên trên