MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người phụ nữ mang chiếc lược bên mình suốt 20 năm để làm 1 việc khó nói: Đi khám bất ngờ với 'thủ phạm'

17-02-2024 - 13:24 PM | Sống

Đi tới đâu, chị Hồng* cũng phải cầm theo chiếc lược sừng để gãi cho đỡ cơn ngứa. Chị không ngờ mình mắc bệnh lây từ vật nuôi trong nhà.

Bị ngứa suốt 20 năm chỉ vì nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo

TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (trực thuộc Viện Sốt Rét - Ký Sinh Trùng - Côn trùng Trung Ương), cho biết số ca bệnh nhiễm ký sinh trùng hiện nay đã tăng cao. Trong năm 2023, có thời điểm Khoa Khám bệnh của Bệnh viện tiếp nhận 300 lượt khám/ngày. Trong đó, nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo chiếm tỷ lệ cao.

Các trường hợp nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo khi đến khám thường có triệu chứng ngứa. Có những bệnh nhân đi khám cho biết họ bị ngứa suốt 10-20 năm nhưng đi khám da liễu và uống thuốc mãi không khỏi. 

Điển hình là trường hợp bệnh nhân Hồng bị ngứa suốt 20 năm. Chị đã đi khám nhiều nơi nhưng không khỏi. Bệnh nhân cho biết cô bị ngứa tới mức luôn phải mang theo một chiếc lược sừng để gãi. Do dùng lược cào lên da nên bệnh nhân bị chảy máu và có những tổn thương nhiễm trùng trên da.

20 năm luôn phải mang chiếc lược theo để làm 1 việc khó nói, bất ngờ với

Bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Ảnh: PV)

Trong một lần chị Hồng đi khám tại một bệnh viện ở Hà Nội, bác sĩ nghi ngờ chị bị nhiễm ký sinh trùng nên đã giới thiệu chị tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Kết quả xét nghiệm cho thấy chị Hồng dương tính với ấu trùng giun đũa chó mèo. Sau 1 đợt điều trị, triệu chứng ngứa của chị Hồng đã giảm. Sau 3 đợt thuốc, chị Hồng đã hết hẳn ngứa.

Bác sĩ Thọ cho rằng những năm gần đây, số bệnh nhân nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo tăng là do trào lưu nuôi thú cưng (chó, mèo). Mọi người coi thú cưng như một người bạn nên thường ôm, hôn, bế, ngủ cùng. Nếu thú cưng bị nhiễm ký sinh trùng sẽ có thể lây nhiễm bệnh cho người.

Bên cạnh các ca bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo có tổn thương trên da, Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Đặng Văn Ngữ đã từng gặp trường hợp nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo ký sinh tại phổi. Bệnh nhân ho ra máu, điều trị theo hướng viêm phổi với nhiều đợt kháng sinh nhưng không khỏi và vẫn ho nhiều. Xét nghiệm máu có bạch cầu ái toan tăng nên đã được chuyển tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Kết quả khám cho thấy bệnh nhân dương tính với ấu trùng giun đũa chó mèo. Sau khi điều trị theo hướng nhiễm ký sinh trùng, bệnh nhân hết ho.

PGS.TS.BS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thông tin, trong năm 2023, có khoảng 70% số bệnh nhân tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám là do nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo. Người ăn phải trứng giun đũa chó mèo khi vào cơ thể sẽ phát triển thành ấu trùng. Ấu trùng này theo máu chu du đi khắp các cơ quan trong cơ thể. Nếu ấu trùng ký sinh tại gan sẽ gây ra những tổn thương áp xe tại gan. Ngoài gan, ấu trùng có thể tới phổi, não, mắt…

Theo PGS Dũng, 70-80% số bệnh nhân nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo có triệu chứng ngứa ngoài da. Bệnh nhân có thể đi điều trị da liễu nhưng không hiệu quả, khi đi điều trị theo hướng nhiễm ký sinh trùng đã hết ngứa.

Triệu chứng khi nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo

Bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo là bệnh ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người do loài giun đũa chó (Toxocara canis) hoặc giun đũa mèo (Toxocara cati) gây nên.

20 năm luôn phải mang chiếc lược theo để làm 1 việc khó nói, bất ngờ với

Bác sĩ Thọ đang khám cho một trường hợp bệnh nhân nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo (Ảnh: PV)

Triệu chứng lâm sàng của bệnh có thể khác nhau theo thể bệnh. 

Thể thông thường: Các triệu chứng không quá rầm rộ có thể gặp như:

- Ngứa, nổi mẩn;

- Đau đầu;

- Đau bụng;

- Ho;

- Rối loạn giấc ngủ;

- Thay đổi hành vi.

Thể ấu trùng di chuyển ở mắt: Thể này ít gặp, thường bị ở một bên mắt. Triệu chứng bao gồm:

- Giảm thị lực;

- U hạt: u hạt cực sau, u hạt ngoại vi;

- Viêm nội nhãn,

- Tổn thương võng mạc, viêm kết giác mạc, viêm màng bồ đào;

- Mất thị lực hoàn toàn.

Thể ấu trùng di chuyển nội tạng: Ấu trùng có thể di chuyển đến nhiều cơ quan khác nhau như tim, phổi và gan. Các triệu chứng lâm sàng khá đa dạng phụ thuộc vào số lượng và vị trí cơ quan bị ký sinh. Các triệu chứng thường gặp là:

- Đau bụng mạn tính, gan to, tiêu chảy, nôn;

- Hen phế quản: Khò khè, ho khan, khó thở;

- Tức ngực;

- Sốt, đau đầu, mệt mỏi, sút cân;

- Mẩn ngứa, nổi ban.

Thể ấu trùng di chuyển đến hệ thần kinh: Đây là thể bệnh nguy hiểm so với các thể khác. Các triệu chứng không đặc hiệu, mức độ biểu hiện phụ thuộc vào vị trí tổn thương ở hệ thần kinh như:

- Sốt;

- Đau đầu;

- Co giật.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào nêu trên, người dân nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời.

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Theo Ngọc Minh

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên