Nghĩ mờ mắt, đau đầu do áp lực học tập, đi khám phát hiện mắc bệnh hiếm
Thảo, 20 tuổi bị mờ mắt, kèm đau nửa đầu, đi thăm khám mới phát hiện mắc bệnh hiếm gặp, không xử lý sớm có thể ảnh hưởng tính mạng.
- 07-09-2023Mờ mắt vì lợi nhuận, người phụ nữ mất trắng 4 tỷ khi tham gia "quỹ đầu tư dầu thô"
- 13-11-2019Muốn được người đời trọng vọng, trước tiên phải biết "giữ cái đầu lạnh" như Bill Gates: Bản lĩnh của một tỷ phú là không để cái tôi làm mờ mắt mình!
- 31-03-2019“Quái vật" làng golf thế giới Tom Watson khiến người đời nể phục vì lòng trung thực của mình: Đừng để đồng tiền làm bạn mờ mắt
Nguyễn Thu Thảo (20 tuổi, đang là sinh viên ở Hà Nội) tìm đến bác sĩ thăm khám sau thời gian dài xuất hiện triệu chứng đau nửa đầu kèm mắt mờ.
Ban đầu nghĩ do mắt cận và áp lực học tập nên bản thân đau đầu và mắt mờ đi, Thảo tìm đến hiệu thuốc mua giảm đau uống để cải thiện tình trạng nhưng không đỡ.
Mắt ngày một mờ, Thảo mới đi khám chuyên khoa về mắt. Quá trình thăm khám các bác sĩ phát hiện đáy mắt có vấn đề, nghi ngờ liên quan đến mạch máu nên giới thiệu Thảo đến gặp bác sĩ điều trị theo đúng chuyên khoa.
Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh (thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam), người trực tiếp thăm khám cho Thảo cho biết, bệnh nhân có huyết khối hoàn toàn xoang tĩnh mạch sigma trái, lan một phần vào đoạn đầu tĩnh mạch cảnh trong bên trái.
Điều này gây ảnh hưởng đến thị lực, khiến nữ sinh này bị mờ mắt và đau đầu.
Khai thác tiền sử về các yếu tố nguy cơ, nữ sinh này không dùng thuốc kích thích, không hút thuốc lá, không bị bệnh lý mãn tính như béo phì. Vì vậy đây là trường hợp hiếm gặp.
Hiện nay các bệnh lý tĩnh mạch ngày càng xuất hiện nhiều và trẻ hóa, nhất là sau giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Tuy nhiên, nhiều người nhất là người trẻ còn chủ quan, mơ hồ về bệnh, từ đó dẫn tới biến chứng nặng. Đã có bệnh nhân tuổi còn trẻ phải cắt cụt chi, mắc bệnh tim phổi, dùng thuốc cả đời vì chủ quan với huyết khối tĩnh mạch.
Vị bác sĩ cho biết, huyết khối tĩnh mạch thường gặp ở chi dưới với những triệu chứng ban đầu như hay bị chuột rút một chân, thường bị rút chân trái. Khi xuất hiện tình trạng chân bị phù thì huyết khối đã hình thành, không đi khám, điều trị việc điều trị sẽ rất khó khăn.
Ngoài ở chân, huyết khối cũng có thể gặp ở các bộ phận khác như ở phổi, tim, não hay trường hợp trên là ở xoang. Nhiều yếu tố nguy cơ dẫn tới huyết khối tĩnh mạch như hút thuốc, dùng thuốc tránh thai, ngồi nhiều một chỗ, chơi thể thao quá sức.
Để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, khi có những triệu chứng như chuột rút một bên chân, phù chân, đau nửa đầu, tức ngực phải… nhất là ở những người có yếu tố nguy cơ trên thì cần phải đi khám sớm.
Bác sĩ Mạnh đặc biệt lưu ý, việc khám các bệnh liên quan đến tĩnh mạch cần phải khám đúng chuyên khoa, bởi không chỉ người dân mà ngay các bác sĩ nếu không chú ý cũng dễ nhầm lẫn với bệnh khác, từ đó đưa ra chẩn đoán không chính xác, khiến bệnh nặng thêm.
VTC