Người phụ nữ vĩ đại mà lịch sử dường như đã bỏ quên: Sở hữu tế bào bất tử, dù qua đời vì ung thư nhưng vẫn cứu sống hàng vạn người khác
Mặc dù qua đời ở tuổi 31 nhưng người phụ nữ này đã giúp cho hàng ngàn vạn người khác có thể sống sót.
- 07-05-2020Nữ sinh 19 tuổi tốt nghiệp 9 khoá học trực tuyến của Ivy League trong thời gian giãn cách xã hội, gây quỹ quyên góp hơn 230 triệu chống dịch
- 07-05-2020Nàng Công chúa Việt Nam đầu tiên ở Nhật Bản: Khởi đầu từ mối lương duyên đẹp đến cô dâu được người dân xứ Phù Tang yêu quý
- 07-05-2020Chuyện về vị "thám tử nghệ thuật" vĩ đại nhất thế giới: Khắc tinh của siêu trộm, dành cả đời truy lùng những kiệt tác bị đánh cắp mà không đòi trả công
Năm 1951, Henrietta Lacks, đến từ Virginia, một nông dân nghèo người Mỹ gốc Phi và là mẹ của 5 người đã đến bệnh viện Johns Hopkins để khám bệnh. Đây là một trong số ít những bệnh viện ở Maryland sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân người Mỹ gốc Phi. Henrietta Lacks đã thông báo với bác sĩ về việc mình bị chảy máu âm đạo và thường xuyên bị đau ở vùng kín. Điều này khiến bà vô cùng lo lắng vì nó đang ảnh hưởng đến cuộc sống của bà.
Bác sĩ Howard Jones là người kiểm tra trực tiếp cho bà Henrietta và đã tìm thấy một khối u ác tính ở vùng cổ tử cung của bà Henrietta. Để có thể điều trị cho bà Henrietta, các bác sĩ đã sử dụng những viên nang chứa chất phóng xạ radium quanh vùng kín của bà. Đây là phương pháp điều trị y tế tốt nhất thời bấy giờ cho căn bệnh quái ác này.
Bên cạnh đó, một mẫu tế bào ung thư của bà đã được gửi đến phòng thí nghiệm của bác sĩ George Gey. Tiến sĩ Gey là một nhà nghiên cứu về ung thư và virus, ông đã thu thập rất nhiều các tế bào từ bệnh nhân bị ung thư trong nhiều năm. Tuy nhiên, những mẫu tế bào mà ông thu được đều nhanh chóng chết trong phòng thí nghiệm. Có một điều lạ xảy ra là các tế bào của bà Henrietta Lacks lại không giống với bất kì tế bào nào khác mà ông từng thấy: Chúng không chết mà thậm chí còn tăng gấp đôi cứ sau 20 đến 24 giờ đồng hồ.
Đây được coi là một bước đột phá y học đáng kinh ngạc. Trong nhiều thập kỉ, bất cứ khi nào có ai đó cố gắng thử nghiệm tế bào của người để tìm ra thuốc chữa căn bệnh ung thư, chúng sẽ chết nhanh chóng sau vài giờ, nhưng với tế bào của bà Henrietta Lacks, chúng lại sống sót và phát triển mãi mãi. Điều này có nghĩa là những tế bào hoàn hảo này sẽ sống mãi mãi và thậm chí nhân lên với số lượng vô hạn nếu sử dụng đúng cách.
Các tế bào này được thử nghiệm cho bệnh bại liệt, và thay vì chết ngay lập tức như hầu hết các tế bào khác thì chúng lại sống sót. Điều này cho phép các nhà khoa học thử nghiệm trên các tế bào của Henrietta cho đến khi họ có thể tìm ra được một loại vắc-xin chữa bệnh bại liệt, căn bệnh đã gây ra nhiều cái chết nhất thế giới vào đầu thế kỉ 20.
Chữa bệnh bại liệt chỉ là khởi đầu của sự nghiệp tế bào Henrietta Lacks. Tế bào của bà sau này được gọi là HeLa, ghép từ hai tên đầu của bà, và nó trở thành một công cụ vô giá cho các nhà nghiên cứu và biến đổi những gì có thể có trong y học.
Cuối thế kỉ 20, các tế bào của bà đã được sử dụng để tạo ra các giống lai giữa người và động vật đầu tiên vào năm 1965, vắc-xin HPV. Ngày nay, các nhà khoa học đã phát triển tới 50 triệu tấn tế bào HeLa và chúng đang được sử dụng để tìm ra phương pháp chữa trị cho các bệnh như ebola, ung thư và thương hàn.
Tuy nhiên, chủ nhân của tế bào hoàn hảo này lại không bao giờ biết được những đóng góp của mình cho khoa học vì bà đã chết chỉ vài tuần sau khi điều trị căn bệnh ung thư cổ tử cung vào tuổi 31. Các tế bào của bà cũng bị lấy đi phục vụ y tế và khoa học mà cả bà và gia đình bà đều không hề hay biết cho đến tận 20 năm sau đó.
Năm 1973, gia đình bà Henrietta Lacks mới biết được sự thật khi các nhà khoa học gọi điện yêu cầu lấy mẫu DNA. Vụ việc khiến gia đình nhà Lacks cảm thấy vô cùng tức giận vì không ai được biết về điều này trước đó. Hơn nữa, họ không thể biết việc lấy tế bào của bà Henrietta có hợp pháp hay không vì nhiều người có thể trục lợi từ đó để kiếm hàng tỉ đô la trong khi gia đình bà phải sống trong nghèo khổ suốt nhiều năm trời.
Sự việc đã kéo theo một cuộc kiện tụng kéo dài trong nhiều năm. Đến năm 2013, Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ mới công khai tuyên bố những đóng góp của bà Henrietta Lacks và có những chính sách hỗ trợ gia đình bà. Đến năm 2017, đài HBO cũng đã sản xuất một bộ phim dựa trên câu chuyện của bà khiến cho nhiều người biết đến những đóng góp vĩ đại của bà trong nền y học thế giới.
(Theo Quora, Time)
ICTVietnam