Người phụ nữ vò nát biên bản, lăng mạ cảnh sát sẽ phải đối diện hình phạt nào?
Theo luật sư Phạm Công Chiển, công ty Luật Đại Hà, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, người phụ nữ chửi bới, lăng mạ Cảnh sát giao thông ở Thanh Hóa chắc chắn phải đối diện với bản án nghiêm khắc cho hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Trước vụ việc bà Nguyễn Thị Ngân (44 tuổi, ở Thanh Hóa) có hành vì hành vi giật, vò nát biên bản vi phạm hành chính, chửi bới, lăng mạ và dùng tay đánh CSGT vì xin xe vi phạm cho con dâu bất thành, PV báo Tiền Phong đã có trao đổi với luật sư Phạm Công Chiển về tình huống pháp lý liên quan.
Nguyễn Thị Ngân khi đang lăng mạ CSGT và tại cơ quan Công an.
Theo luật sư Phạm Công Chiển, hành vi chửi bới, thóa mạ, bôi nhọ hay vò nát biên bản của bà Ngân có đủ các dấu hiệu của tội "Làm nhục người khác" và tội "Chống người thi hành công vụ" được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cụ thể, theo khoản 1, Điều 155, Bộ luật Hình sự, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Đồng thời, khoản 2, Điều 155 quy định, phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội 2 lần trở lên; đối với 2 người trở lên; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đối với người đang thi hành công vụ; đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
"Vậy căn cứ Điều 155, Bộ Luật hình sự thì hành vi của bà Ngân có thể bị khỏi tố về hình sự và có thể bị phạt từ 3 tháng đến 2 năm tù" - luật sư nói.
Bên cạnh đó, hành vi giật, xé biên bản và tấn công lại lực lượng CSGT của bà Ngân đã xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ, xâm phạm đến hoạt động của Nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực trật tự giao thông... Hành động của bà Ngân đủ yếu tố cấu thành tội "Chống người thi hành công vụ".
Theo Điều 330, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định cụ thể: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
"Bà Ngân đã thực hiện hành vi giật, xé biên bản và đấm lại CSGT, nghĩa là, dùng sức mạnh gây cản trở; thậm chí, tấn công trực tiếp người đang thi hành công vụ… Do đó, bà Ngân chắc chắn phải bị khởi tố hình sự và đối diện với bản án nghiêm khắc cho hành vi vi phạm pháp luật của mình" - luật sư Chiển phân tích.
Tiền Phong