Người ta đã làm thế nào để dựng nên "bông sen vàng trên đỉnh thiêng Yên Tử"?
Đây được coi là kỳ quan “độc nhất vô nhị” của Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ 21.
- 15-03-2024Độc đáo ngôi chùa in hình trên tờ tiền 20.000, được coi là "bùa hộ mệnh" của di sản thế giới tại Việt Nam
- 13-03-2024Ngôi chùa cổ 1.000 tuổi giữa lòng Hà Nội: Nơi có di vật từ thời Lý, tượng Phật 600kg tạc từ ngọc quý
- 08-03-2024Bí ẩn giếng nước lập kỷ lục của Việt Nam: Nghìn năm không cạn, nằm trong ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á
- 23-02-20244 ngôi chùa nổi tiếng với nhiều góc chụp ảnh siêu xinh ở ngay gần Hà Nội: Có thể đi xe máy, về trong ngày
Chùa Đồng nằm ở đâu? Thờ ai?
Có một câu thơ đối mà bạn có thể nghe được khi đến Yên Tử, đó là:
“Trăm năm tích đức tu hành.
Chưa về Yên Tử, chưa đành lòng tu”.
Đây là một câu thơ vô cùng nổi tiếng khi nhắc đến nơi đất tổ Phật giáo Việt Nam này.
Chùa Đồng hay còn gọi là Thiên Trúc Tự tọa lạc trên đỉnh dãy Yên Tử có độ cao 1068m so với mặt nước biển, thuộc thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Xưa kia, Yên Tử được gọi là Bạch Vân Sơn (núi mây trắng) được liệt vào hàng danh sơn. Chùa Yên Tử được Phật Hoàng Trần Nhân Tông lựa chọn làm nơi tu hành sau khi truyền ngôi và thành lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Chùa Đồng có cấu trúc hình chữ Đinh (丁) theo dáng hoa sen nở. Trong chùa thờ tượng Phật Thích Ca và 3 pho tượng Tam Tổ Trúc Lâm. Tượng Thích Ca mặc áo cà sa, tọa thiền với tư thế kiết già. Ba pho tượng Tổ đều ngự trên đài sen, có trang trí hoa văn hình sen, cúc, sóng nước: Chính giữa thờ vua Trần Nhân Tông, hai bên thờ Tôn giả Pháp Loa và Huyền Quang.
Chùa Đồng Yên Tử nằm cách Hà Nội khoảng 130km. Và với quãng đường này, bạn có thể lựa chọn nhiều phương tiện để khởi hành đi Yên Tử, như xe khách hoặc phương tiện cá nhân:
Di chuyển bằng phương tiện cá nhân (ôtô, xe máy): Đi theo lối cầu Chương Dương qua Nguyễn Văn Cừ, đi theo hướng QL18 để đến Bắc Ninh. Từ đây, bạn đi thẳng, gặp chùa Trình thì rẽ trái, đi khoảng 10km sẽ đến Yên Tử.
Di chuyển đến khu du lịch núi Yên Tử bằng xe khách: Từ Hà Nội, bạn bắt các chuyến xe đi Cẩm Phả, Uông Bí, Hạ Long để đến khu du lịch tâm linh Yên Tử. Khi xe đến đoạn chùa Trình nằm trên quốc lộ 18 thì bạn xuống xe. Từ đây, bạn bắt xe buýt đến Yên Tử.
Lịch sử hình thành chùa Đồng
Nguyên khởi, chùa Đồng có tên là Thiên Trúc tự (chùa Thiên Trúc) mang tên đất nước của Phật Tổ Như Lai Thích Ca Mâu Ni: “Nước Thiên Trúc”. Chùa được đúc bằng đồng, ban đầu chỉ là một cái khám nhỏ một người chui không lọt.
Theo thông tin từ báo Tri thức và cuộc sống, dựa theo sách Đại Nam nhất thống chí thì chùa do vợ một chúa Trịnh cho xây dựng, đến năm Canh Thân (1740) bị kẻ gian lấy cắp chỉ còn lại những lỗ chân cột đục sâu vào nền đá. Sách Viêm giao trưng cổ ký viết: “Chùa Đồng do nội nhân họ Trịnh xây dựng, mái lợp toàn bằng ngói đồng, đúc tượng đồng. Đến đời Cảnh Hưng nhà Lê di chỉ chùa vẫn còn”.
Năm 1930, bà Bùi Thị Mỹ đã tái tạo chùa Đồng bằng bê tông cốt đồng trên một hòn đá vuông cao quá đầu người ở vị trí chùa Đồng cũ.
Đến năm 1993, ông Nguyễn Sơn Nam, một Việt kiều ở Mỹ, cùng các Phật tử ở hải ngoại đã phát tâm đúc lại một chùa mới kiến trúc hình chữ “Đinh” theo dáng một bông sen nở đặt ngay bên cạnh ngôi chùa Đồng bằng bê tông dựng đầu thế kỷ XX.
Tới năm 2006, Đại Đức Thích Thanh Quyết (Thượng tọa Thích Thanh Quyết) và Ban Quản lý Dự án chùa Đồng đã chủ trì lễ khởi công đúc chùa dựa trên mẫu thiết kế của kiến trúc sư Trần Quốc Tuấn. Chùa chính thức hoàn thành năm 2007. 2 ngôi chùa cũ được chuyển tới nhà trưng bày Ban Quản lý di tích.
Kiến trúc độc đáo của chùa Đồng
Ngôi chùa bằng đồng lớn nhất châu Á
Theo báo Quân đội nhân dân, Chùa đồng nặng 60 tấn, diện tích mặt bằng chùa đồng 16,55m2, cột trụ đồng cao nhất hơn 3m, cột đồng thấp nhất 2m60, và 2m20, tổng cộng chùa gồm 16 cột đồng, đường kính cột đồng từ 20cm đến 30cm.
Chùa Đồng Yên Tử nổi tiếng trứ danh không chỉ linh thiêng mà còn về kiến trúc độc đáo. Địa thế chùa mang hình dáng của một đóa sen khổng lồ. Mỗi phía đá là một cánh sen đang nở rộ. Chùa Đồng tọa lạc chính giữa đài sen. Bốn đầu đao của chùa là hình đầu rồng đậm phong cách kiến trúc thời Trần. Phần mái vươn ra tứ phía tạo thành hiên. Bên dưới bức vách trang trí hoa văn dải hình lá lật. Trước hiên có các lan can hình thân trúc.
Ngói chùa hình mũi hài, những tấm phên tường ngăn, cột hàng rào lan can, con hạc, câu đối, phù điêu rồng đều được đúc sinh động. Bệ thờ dùng để đặt tượng đúc bằng đồng nặng 4 tấn, gạch lát nền nặng 13kg.
Chùa Đồng đặt cố định trên sàn móng bê tông (dài 5m x rộng 4m). Sàn này đặt trên các cột bê tông dài hơn 2m, đúc liền với sàn móng và được cắm sâu vào lòng núi.
Quá trình thi công chùa Đồng đã diễn ra như thế nào?
Toàn bộ công trình chùa Đồng được đúc theo phương pháp thủ công truyền thống do hiệp thợ của làng nghề đúc đồng Ý Yên (Nam Định) đảm nhận.
Theo báo Quân đội nhân dân, những người trực tiếp thi công, lắp ghép chùa đồng trên đỉnh núi Yên Tử cho biết: "Toàn bộ khung chùa như cột đỡ, xà ngang, xà dọc bằng đồng đã được nhóm nghệ nhân đúc đồng Ý Yên-Nam Định, đúc ngay ở dưới chân núi Yên Tử. Sau đó chúng tôi đã lắp ghép thử bộ khung chùa ở dưới chân núi, rồi tháo rời ra, dùng cáp, dây tời chuyển toàn bộ cột, xà đồng từ chân núi lên đến đỉnh núi. Đến nơi chúng tôi lắp ráp khung chùa lại theo đúng bản vẽ mẫu chùa".
Báo Tiền Phong phân tích kỹ hơn về quá trình này rằng những người công nhân xây dựng đã tạo được một mặt bằng rộng khoảng 20m2 để làm móng đỡ chùa. Nền đá cứng bị phong hoá lâu năm, máy khoan vượt núi phục vụ làm việc rất hạn chế nên việc đập đá bằng tay là phổ biến.
Toàn bộ chặng đường vận chuyển chùa Đồng là 3.500m hướng tới độ cao 1.068m so với mực nước biển, làm thế nào để có thể chuyển những chi tiết chùa từ mặt đất lên đỉnh núi và lắp ghép lại? Các phương án vận chuyển bằng đường bộ, dây cáp ròng rọc, thậm chí cả máy bay trực thăng đều đã được tính tới. Cuối cùng, phương án vận chuyển bằng dây cáp ròng rọc đã được coi là phương án khả thi nhất. Theo đó, đơn vị thi công đã tiến hành đóng cọc trụ tại 6 điểm dọc đường từ chùa Giải Oan lên đến chùa Đồng rồi lắp đặt hệ thống cáp tời vận chuyển nguyên vật liệu và các chi tiết đúc.
Gạch đá, cát sỏi, ximăng để xây dựng các hạng mục như nhà ghi công đức, sân hành lễ, am hoá sớ, móng và sân chùa... hầu như đều được vận chuyển theo đường bộ. Lực lượng lao động địa phương thạo đường núi phải gùi vật liệu từ chân núi lên tận đỉnh núi. Những lúc thi công cao điểm, có tới 80-90 người gánh thuê với mức tiền công là 3.000 đồng/kg, báo Thanh tra cho biết thêm.
Sau gần 360 ngày thi công liên tục, ngôi chùa bằng đồng kỷ lục đã được khánh thành vào ngày 12/12/ năm 2006 (âm lịch).
Chùa Đồng hiện nắm giữ nhiều kỷ lục Việt Nam và Châu Á:
Ngôi chùa bằng đồng trên đỉnh núi lớn nhất châu Á năm 2012
Ngôi chùa làm bằng đồng lớn nhất do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận
Ngôi chùa tọa lạc ở vị trí cao nhất tại Việt Nam
Ngôi chùa được mệnh danh là “kỳ quan mới nhất”
(Nguồn: Báo Thanh tra)
Đời Sống Pháp Luật