MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người thứ hai được chữa khỏi ung thư phổi giai đoạn cuối: Phương pháp ghép phổi đột phá đem lại hi vọng cho nhiều bệnh nhân

21-03-2023 - 15:36 PM | Sống

Phương pháp ghép phổi kép (ghép cả 2 bên phổi) đã được thực hiện cho 2 bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Cả hai bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn và khỏe mạnh.

Hai bệnh nhân khỏi bệnh ung thư phổi nhờ kỹ thuật ghép phổi kép

Khi ung thư di căn từ lá phổi này sang lá phổi kia và không phản ứng với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn, bao gồm xạ trị và hóa trị, bệnh nhân thường không còn sự lựa chọn nào khác.

Thế nhưng, các bác sĩ phẫu thuật tại Trung tâm Y khoa Northwestern Đại học Northwestern ở Chicago (Mỹ) đã thực hiện thành công ca ghép phổi kép (ghép cả 2 bên phổi) cho 2 bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Cả hai bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn và khỏe mạnh.

Người thứ hai được chữa khỏi ung thư phổi giai đoạn cuối: Phương pháp ghép phổi đột phá đem lại hi vọng cho nhiều bệnh nhân - Ảnh 1.

Tannaz Ameli và Albert Khoury là những bệnh nhân đầu tiên được ghép phổi kép để điều trị ung thư phổi. Ảnh Northwestern Medicine

Trường hợp đầu tiên là ông Albert Khoury (54 tuổi, sống tại Chicago). Ông Albert được chẩn đoán mắc ung thư phổi vào đầu năm 2020. Ban đầu, các khối u của ông chỉ tập trung ở một bên phổi. Mặc dù đã trải qua 2 đợt hóa trị, ung thư vẫn di căn sang lá phổi còn lại và bước sang giai đoạn 4.

Ung thư giai đoạn 4 có nghĩa là ung thư đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể, và mặc dù một số phương pháp điều trị có thể làm chậm sự tiến triển của nó, tiên lượng là giai đoạn cuối.

Tình trạng của ông Albert trở nên tồi tệ hơn và ông phải ở trong phòng chăm sóc đặc biệt. Bác sĩ chuyên khoa ung thư Young Chae nhận ra ghép phổi đôi có thể là hy vọng sống sót duy nhất của ông. Sau hai tuần có tên trong danh sách cấy ghép, ngày 25/9/2021, Albert Khoury được phẫu thuật ghép phổi. Ca phẫu thuật kéo dài 7 tiếng đồng hồ đã thành công. Cho đến nay đã 18 tháng, hoàn toàn không còn dấu hiệu ung thư trong cơ thể và ông Khoury đã có thể trở lại làm việc. Ông trở thành người đầu tiên bị ung thư phổi được ghép phổi kép thành công.

Người thứ hai được chữa khỏi ung thư phổi giai đoạn cuối: Phương pháp ghép phổi đột phá đem lại hi vọng cho nhiều bệnh nhân - Ảnh 2.

Albert Khoury, 54 tuổi, là người đầu tiên sống sót khỏi bệnh ung thư sau phẫu thuật ghép phổi kép. Ảnh Northwestern Medicine

Trường hợp thứ hai là bà Tannaz Ameli, một y tá 64 tuổi về hưu ở Minnesota (Mỹ). Bà bị ho mạn tính và được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối vào cuối năm 2021. Bà được hóa trị nhưng không thành công. Chồng bà đã xem một đoạn video về thủ thuật của ông Khoury, và ông đã lên lịch hẹn với một bác sĩ phẫu thuật tại Northwestern Medicine. Bà Tannaz được ghép phổi kép thành công lần thứ hai vào tháng 6/2022.

Người thứ hai được chữa khỏi ung thư phổi giai đoạn cuối: Phương pháp ghép phổi đột phá đem lại hi vọng cho nhiều bệnh nhân - Ảnh 3.

Sức khỏe bà Tannaz Ameli rất kém trước ca phẫu thuật. Ảnh Northwestern Medicine

Cũng như ông Khoury, bà Ameli không cần điều trị ung thư thêm sau khi ghép phổi.

Phương pháp đột phá mang lại hy vọng cho một số bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối

Điều trị ung thư phổi chủ yếu phụ thuộc vào mức độ ung thư đã lan rộng. Bệnh nhân có thể được điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu, hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật để loại bỏ khối u. Nhưng những phương pháp điều trị đó không phải lúc nào cũng hiệu quả. Đối với một số người, ghép phổi là lựa chọn duy nhất của họ.

Các cấy ghép phổi đơn lẻ đã được thực hiện thành công từ những năm 1980. Cho tới nay, theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, hơn 1500 ca ghép phổi đơn lẻ đã được thực hiện mỗi năm. Nhưng ghép phổi cho ung thư phổi không phổ biến. Và cấy ghép phổi cho bệnh nhân ung thư phổi cũng là phương pháp có nguy cơ cao vì các tế bào ung thư có thể lây lan từ phổi vào phần còn lại của cơ thể trong quá trình phẫu thuật. Điều này làm cho ung thư có nhiều khả năng quay trở lại.

Người thứ hai được chữa khỏi ung thư phổi giai đoạn cuối: Phương pháp ghép phổi đột phá đem lại hi vọng cho nhiều bệnh nhân - Ảnh 4.

Tiến sĩ Ankit Bharat - người đứng đằng sau hai ca phẫu thuật ghép phổi cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Tiến sĩ Ankit Bharat, trưởng khoa phẫu thuật lồng ngực của Northwestern và các bác sĩ đã phát minh ra kỹ thuật mới để loại bỏ ung thư đồng thời giảm thiểu nguy cơ di căn. Đó là các bác sĩ sẽ lấy cả hai lá phổi nhiễm ung thư ra khỏi cơ thể cùng một lúc và thay thế bằng hai lá phổi khỏe mạnh được cấy ghép. Việc này có thể giảm đáng kể nguy cơ tế bào ung thư lây nhiễm sang các cơ quan mới hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Khi phổi chính được lấy ra khỏi cơ thể, bệnh nhân được nối với máy trợ tim phổi nhân tạo để duy trì sự sống.

Phương pháp tiếp cận của nhóm phẫu thuật tại Northwestern Medicine cho phép các bác sĩ phẫu thuật loại bỏ phổi ung thư khỏi cơ thể trong khi bệnh nhân được nối với một máy bắc cầu, chuyển hướng máu của họ ra khỏi tim và phổi. Họ tin rằng nếu máu không chảy qua vùng ung thư trong quá trình phẫu thuật, nguy cơ ung thư lan rộng sẽ ít hơn.

Tiến sĩ Bharat cho biết trong một thông cáo báo chí: "Chúng tôi cảm thấy khá tự tin rằng phương pháp này sẽ có thể giúp một số bệnh nhân ung thư không có lựa chọn nào khác ngoài phẫu thuật thay ghép phổi. Những bệnh nhân này có thể có hàng tỷ tế bào ung thư trong phổi, vì vậy chúng tôi phải cực kỳ tỉ mỉ để không để một tế bào nào tràn vào khoang ngực hoặc dòng máu của bệnh nhân. Bất kỳ tế bào ung thư nào tràn ra ngoài đều có thể trở thành ung thư mới ở những nơi khác trong cơ thể".

Sau thành công của hai ca ghép phổi kép đầu tiên, Northwestern Medicine đang triển khai một chương trình lâm sàng đầu tiên dành cho những người mắc bệnh phổi giai đoạn cuối.

Người thứ hai được chữa khỏi ung thư phổi giai đoạn cuối: Phương pháp ghép phổi đột phá đem lại hi vọng cho nhiều bệnh nhân - Ảnh 5.

Ê-kíp phẫu thuật lồng ngực tại Northwestern Medicine. Ảnh Northwestern Medicine

Tuy nhiên, phương pháp này không áp dụng cho tất cả bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối, mà chỉ áp dụng cho những trường hợp ung thư đã di căn từ phổi này sang phổi kia nhưng chưa lan ra ngoài.

"Trước khi bước vào phòng phẫu thuật, chúng tôi đã xác định và chắc chắn 100% rằng sẽ không có ung thư phát tác ra ngoài phổi. Nếu ung thư đã lan ra ngoài phổi, chúng tôi sẽ không thể thực hiện những ca ghép phổi kép như thế này", tiến sĩ Bharat chia sẻ.

Chính trong thời kỳ đại dịch, các bác sĩ phẫu thuật tại Trung tâm Y khoa Northwestern (Northwestern Medicine) - Đại học Northwestern nhận ra có thể thực hiện loại phẫu thuật này. Ca ghép phổi kép đầu tiên ở bệnh nhân COVID-19 được thực hiện tại cùng bệnh viện. Tuy nhiên, bất cứ quy trình nào cũng đều có những mục tiêu nhất định, và mỗi quy trình sẽ có những rủi ro riêng.

Theo Mirror, AsianNews, NbcNews

Theo XT

Tổ quốc

Trở lên trên