MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người thu nhập thấp: Quay cuồng trong 'bão giá'

Trước đây, dù không dư giả nhiều nhưng gia đình chị Dương Thị Mơ ở quận Bình Tân, TPHCM cũng có những bữa ăn ngon với đầy đủ thịt, cá, rau củ. Sau hai năm chống chọi với đại dịch và cú “đánh bồi” của giá xăng, giờ gia đình chị chỉ mong sao có bữa ăn no.

Vừa bước ra khỏi công ty sau giờ tan ca, chị Mơ (công nhân may tại Công ty TNHH Việt Nam Paiho, quận Bình Tân, TPHCM) đi thẳng ra khu chợ dân sinh gần nhà để mua đồ ăn tối cho cả gia đình. Sau một hồi rảo từ đầu chợ đến cuối chợ, chị Mơ quay lại hàng thịt, cá quen với hy vọng dễ dàng trả giá thấp hơn để tiết kiệm được ít chi phí. Theo chị Mơ, với giá cả tăng như hiện nay, chị phải cân nhắc về việc đi chợ mua gì về nấu sao cho đủ số lượng chứ không dám nghĩ đến chất lượng. “Ngày trước giá rau xanh chỉ khoảng 7-8 nghìn đồng/kg, bây giờ đã tăng lên 12 - 15 nghìn đồng/kg. Không chỉ rau quả mà dầu ăn, mỳ tôm, trứng gia cầm cũng đồng loạt tăng giá. Thịt, cá tôi hay mua cửa hàng quen tuy họ có bớt vài nghìn nhưng giá cũng đã cao hơn so với tháng trước. Giờ chỉ tính toán xem làm sao để cùng số tiền như trước mà đi chợ ăn được 2-3 bữa chứ đâu dám nghĩ mua đồ ăn ngon”, chị Mơ nói.

“Dịch bệnh, giá cả tăng như một cơn bão quét qua khiến những người lao động như chúng tôi phải quay cuồng để tìm cách tồn tại ở thành phố. Giờ chỉ mong thu nhập đủ sinh hoạt hàng ngày là mừng rồi chứ mơ ước gì đến mua nhà nữa”, Chị Thơ tâm sự


Hai vợ chồng chị Mơ làm công nhân, mỗi tháng thu nhập được 12 triệu đồng. Do chi phí sinh hoạt ở TPHCM quá cao nên vợ chồng chị phải gửi 2 con nhỏ ở quê cho ông bà chăm sóc. Thu nhập hàng tháng, ngoài trả tiền thuê trọ, ăn uống thì vợ chồng chị còn dành dụm gửi tiền về quê cho ba mẹ chăm sóc 2 đứa con . Với mức lương hiện tại, vợ chồng chị phải tiết kiệm tối đa mới có thể gồng gánh nổi. Thời gian gần đây, khi giá cả tăng phi mã, cả hai người phải tăng ca liên tục để kiếm thêm tiền trang trải. “Hai vợ chồng phải tăng ca mới hy vọng có dư ra được một chút, còn nếu không tăng ca thì lương lãnh ra cũng chỉ đủ chi tiêu trong tháng đó, không tiết kiệm được đồng nào dù đã giảm tối đa chi phí”, chị Mơ nói.

Người thu nhập thấp: Quay cuồng trong bão giá - Ảnh 2.

Nhiều người phải tính toán chi li để tiết kiệm từng đồng mỗi lần đi chợ Ảnh: Hoàng Trang


Ngồi chờ khách vào siêu thị trên đường Trường Sa, quận 3 mua đồ, ông Nguyễn Văn Sáu (59 tuổi) chìa ổ bánh mì đang ăn dở ra than thở: “Trước đây ổ bánh mì trứng giá 10 nghìn đồng thì nay tăng lên 14 nghìn đồng. Bánh mì thịt từ 15 nghìn đồng lên 20 nghìn đồng. Còn hủ tiếu, cơm, bún bán dọc lề đường cũng tăng thêm khoảng 10 nghìn đồng/tô từ 20-30 nghìn đồng lên 40 nghìn. Nhiều hôm đứng đợi nửa ngày mà không có khách thì chỉ gặm bánh mì thôi chứ tiền đâu mà ăn cơm với bún”.

Ngồi trầm ngâm nghìn xa xăm, ông Sáu kể, trước đây lâu lâu cũng có người “bo” thêm 5-10 nghìn sau mỗi cuốc xe. Sau khi dịch bùng phát, giá cả giờ tăng cao, lượng khách đi xe ôm giảm, kinh tế khó khăn nên cũng hiếm khi có người “bo”, Ông phải đi làm việc từ sáng sớm đến tối khuya nhưng thu nhập vẫn giảm nên cuộc sống chi tiêu càng eo hẹp. “Con cái lập gia đình có cuộc sống riêng hết rồi, giờ hai ông bà già nương tựa nhau. Làm thì ít mà giá cả tăng, chi tiêu ngày càng nhiều, có chút tiền tiết kiệm cũng xài hết rồi. Bà nhà tôi thì đau bệnh suốt, tiền ăn, tiền nhà giờ mình tôi lo, nghỉ bữa nào nhịn đói bữa đó luôn”, ông Sáu chia sẻ.

Tan giấc mơ an cư

Chị Trần Thị Thuý Huỳnh ( ngụ phường Tân Thớt Nhất, quận 12) hiện làm công nhân tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận Tân Bình. Vợ chồng chị cùng hai con nhỏ ở nhờ nhà ngoại nhiều năm nay nên chị luôn khao khát có một ngôi nhà cho riêng mình. Hơn chục năm qua kể từ khi lấy nhau, vợ chồng chị nỗ lực làm việc, thắt chặt chi tiêu, dành dụm từng đồng để ra được một khoản tiết kiệm nho nhỏ. “Trước đây vợ chồng tôi tính nếu chăm chỉ và tiết kiệm thì dăm năm nữa có khi đủ tiền mua trả góp nhà ở xã hội nho nhỏ. Nên mỗi lần nhìn số dư được tăng thêm một ít là cả nhà mừng lắm. Nhưng khi đại dịch COVID-19 ập đến, thu nhập giảm trong khi chi phí sinh hoạt lại tăng vọt. Hết cách, vợ chồng tôi phải lấy tiền tiết kiệm để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày”, chị Huỳnh nói và cho biết “cứ đà tăng giá như thế này thì với mức thu nhập hơn chục triệu đồng của vợ chồng tôi có lẽ không còn cơ hội mua nhà nữa”.

Cùng hoàn cảnh, chị Bùi Thị Thơ (36 tuổi, ở quận Bình Tân) từ Thanh Hóa vào TPHCM làm công nhân hơn 10 năm nay nhưng vẫn chưa thể an cư dù hai vợ chồng làm việc cật lực ngày đêm. Chị Thơ làm công nhân lương tháng 7 triệu đồng, chồng chị làm thợ hồ tháng thu nhập bấp bênh hơn nên với đà tăng giá phi mã như hiện nay, tiền kiếm được cũng chỉ đủ trang trải sinh hoạt gia đình, trả tiền nhà trọ và nuôi hai con ăn học.

Theo Ngô Bình - Hoàng Trang

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên